Là cánh chim đầu đàn của Câu lạc bộ (CLB) Đàn và hát dân ca bài chòi xã Bình Lâm (Hiệp Đức), nhiều năm qua hai anh em Trịnh Ký Hiệp và Trịnh Ký Đức nỗ lực giữ nét văn hóa truyền thống bằng tất cả đam mê.
Đam mê
Anh Trịnh Ký Hiệp và Trịnh Ký Đức là hai anh em ruột trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là nghệ sĩ hát tuồng trong gánh hát, mẹ là người có tâm hồn và năng khiếu thơ văn. Từ nhỏ, hai anh em đã sớm tiếp xúc với những điệu hát truyền thống và theo thời gian thấm dần vào máu thịt. Khi lớn lên, anh Hiệp có một năm học nhạc lý và nhiều năm rèn luyện kỹ năng dàn dựng tiết mục văn nghệ trong thời gian nhập ngũ từ năm 1979 đến 1983. Sau khi xuất ngũ vào cuối năm 1983, anh Hiệp tham gia công tác tại cơ quan Văn hóa thông tin Hợp tác xã I Bình Lâm, phụ trách viết kịch bản và tập luyện văn nghệ cho đội nghệ thuật của địa phương. Sau vài năm, anh thôi hẳn công tác và tập trung làm kinh tế hộ gia đình.
Với anh Đức, năng khiếu nghệ thuật cũng sớm bộc lộ khi vào năm 1984, anh là một trong hai thí sinh xuất sắc thi đậu vào Đội thông tin huyện Thăng Bình trong kỳ thi có 64 thí sinh tham gia và được nhận vào hợp đồng làm việc ngay sau khi cuộc thi kết thúc. Sau đó, anh Đức được đưa ra Đà Nẵng để tham gia khóa “Sáng tác ca khúc, sáng tác và dàn dựng kịch ngắn” do tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức. Sau 5 tháng học tập, anh Đức về lại Thăng Bình công tác và đến năm 1986, huyện Hiệp Đức thành lập, anh được điều chuyển về công tác tại Ban Thông tin văn hóa xã Bình Lâm. Đến năm 1989, anh nghỉ hẳn công tác và về làm kinh tế gia đình cùng với anh Hiệp.
Trong suốt quá trình học tập, rèn luyện và công tác cho đến sau này không còn hoạt động trong cơ quan nhà nước mà về làm kinh tế gia đình, hai anh Hiệp, Đức vẫn chưa bao giờ từ bỏ niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống. Nhất là khi CLB Đàn và hát dân ca xã Bình Lâm được thành lập, hai anh chính là những người giữ lửa, duy trì hoạt động của CLB, phụ trách nhạc cụ, biên soạn lẫn tập luyện cho các thành viên.
Nghệ thuật gắn với đời sống
Cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, qua hơn 15 năm hoạt động dưới sự dìu dắt của anh Trịnh Ký Hiệp và Trịnh Ký Đức, đến nay CLB đã tổ chức được hàng chục “Đêm hội bài chòi” trong nhân dân và có hàng trăm buổi biểu diễn, tham dự nhiều cuộc thi nghệ thuật do huyện, tỉnh, trung ương tổ chức. CLB cũng đạt thành tích nổi bật như: Huy chương Vàng dàn dựng tiết mục văn nghệ tại Hội trại nhà nông tỉnh Quảng Nam; Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tuyên truyền lưu động tỉnh Quảng Nam; giải Nhì tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng hô hát bài chòi tỉnh Quảng Nam lần thứ nhất... Bên cạnh đó, anh Hiệp đạt giải Tác phẩm tự biên xuất sắc tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng quốc phòng toàn dân tỉnh Quảng Nam, hay tại cuộc thi sáng tác kịch bản, tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức, anh Hiệp đạt giải Nhì với tác phẩm dân ca, anh Đức đạt giải Ba với tác phẩm kịch nói...
Thực hiện chủ trương của Đảng bộ xã Bình Lâm về đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với nghệ thuật dân ca bài chòi, CLB đã có những đóng góp quan trọng và tích cực. Cùng với cán bộ của hội đoàn thể xã, CLB chính là lực lượng xuyên suốt trong các đêm diễn để mang lời ca tiếng hát đến cho nhân dân. Trong đó, hai anh em Hiệp, Đức không chỉ phụ trách nhạc cụ mà còn viết lời và tập bài cho diễn viên. Việc cải biên những lời hát truyền thống lồng ghép nội dung mới không phải là việc làm đơn giản.
Anh Đức chia sẻ: “Giữ gìn những ca từ đẹp trong bài dân ca bài chòi truyền thống là rất quan trọng, song trong cuộc sống hiện đại, rất nhiều ca từ không còn phù hợp. Do đó, cần nghiên cứu kỹ để viết lời sao cho vừa đảm bảo tính mới mà cái cũ cũng không hoàn toàn mất đi, bên cạnh đó, phải ngắn gọn, dễ nhớ, vui tươi, gần gũi mới có thể đi vào lòng người nghe”.
Nhiều năm qua, hai anh em Hiệp, Đức nhiều lần được mời giảng dạy tại các lớp tập huấn hát dân ca bài chòi ở các địa phương, một số câu lạc bộ và nhiều trường học trong lẫn ngoài huyện.
Anh Hiệp tâm sự: “Đây được xem là lớp học nền tảng, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, tiếp lửa niềm đam mê dân ca bài chòi tại địa phương. Đặc biệt, từ lớp học này đã xây dựng được một số diễn viên nòng cốt cho CLB, nhiều người đã đạt huy chương vàng, bạc giải cá nhân cấp tỉnh như các chị Lê Thị Mai, Đỗ Thị Hương, Nguyễn Thị Tứ, anh Nguyễn Tấn Trí, Võ Đông Thu...”.
Anh Nguyễn Phước Niên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hiệp Đức, chia sẻ: “Việc bảo tồn văn hóa truyền thống là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Bên cạnh việc đưa vào giảng dạy cho thế hệ trẻ thì việc tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, thu hút sự quan tâm đông đảo của nhân dân như CLB Đàn hát dân ca bài chòi và hai anh em Trịnh Ký Hiệp, Trịnh Ký Đức đang thực hiện là rất đáng biểu dương. Đây là việc làm thiết thực để gìn giữ mạch nguồn, từ đó phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương”.