Việc duy trì các câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số… đã và đang được Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Hội LHPN tỉnh và các huyện miền núi triển khai đồng bộ, chặt chẽ.
Thôn Lao Mưng được Hội LHPN xã Phước Xuân (Phước Sơn) chọn làm điểm để xây dựng Câu lạc bộ (CLB) Phòng chống bạo lực gia đình. Tại các buổi sinh hoạt, 25 cặp vợ chồng Giẻ Triêng cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, không bạo lực… Qua thời gian tham gia CLB, nhiều cặp vợ chồng trước đây thường xuyên xảy ra bạo hành thì nay không còn nữa.
Bà Y Đủ - Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Xuân, cho biết: “Hiện nay tại thôn Lao Mưng đã giảm 99% số vụ bạo hành gia đình. Hội LHPN xã tiếp tục nhân rộng trong các thôn còn lại. Mong muốn của chúng tôi là giữ lửa yêu thương ở các gia đình nhỏ, gia đình có vững mạnh thì thôn, xã mới phát triển được”.
Chồng lấy củi thì vợ nấu cơm, chồng lên nương rẫy thì vợ ở nhà chăm con… là cuộc sống yên bình của đôi vợ chồng Hồ Văn Ngeo và Y Sanh ở thôn Lao Mưng, xã Phước Xuân. Chia sẻ công việc, tôn trọng và nhường nhịn nhau được xem là bí quyết hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ này.
Anh Hồ Văn Ngeo cho biết: “Trước đây, tôi cũng ham chơi, hay uống rượu, rồi có lúc cũng đánh vợ. Từ khi tham gia CLB Phòng chống bạo lực gia đình, tôi thấy việc làm của mình không tốt, nên quyết tâm thay đổi, chia sẻ với vợ và xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiệp - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Sơn, cho biết: “Hội LHPN huyện đã xây dựng CLB Phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới tại 5/12 xã thị trấn trong huyện, với hơn 500 cặp vợ chồng tham gia.
Hình thức tuyên truyền đa dạng, từ xây dựng hội, nhóm, CLB, đến sử dụng hình ảnh trực quan, sinh động minh họa, lấy uy tín của các già làng, trưởng thôn…để tuyên truyền thay đổi nhận thức của các cặp vợ chồng người đồng bào dân tộc thiểu số.
Kết quả, tình trạng bạo lực gia đình tại Phước Sơn đã giảm nhiều. Chúng tôi hướng đến việc giữ lửa yêu thương trong từng mái nhà và những ngôi làng vùng cao Phước Sơn”.
Không chỉ Phước Sơn, năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục triển khai đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” tại các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My và Nam Trà My.
Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức 50 buổi truyền thông đến từng thôn, nóc xa xôi. Đã có hơn 9.000 tờ rơi tuyên truyền được cấp phát đến với người dân.
Ông Hà Ra Diêu - Phó ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Ở vùng đồng bào thiểu số Quảng Nam, những năm gần đây các hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình tuy đã hạn chế rất nhiều, song vẫn còn xuất hiện một vài trường hợp ở các thôn, nóc xa xôi.
Thêm vào đó, tình trạng mất bình đẳng giới trong gia đình vẫn còn xảy ra. Việc triển khai đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” do Ban Dân tộc tỉnh chủ trì sẽ giúp phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số phát huy thế mạnh của mình, từng bước tiếp cận đầy đủ cơ hội phát triển. Qua đó góp phần xóa bỏ dần nạn bạo hành, bạo lực, tiến đến xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, ấm no và hạnh phúc hơn”.