Xin lửa, nhóm lửa cho tôi học được ra một điều: Lửa làm nên một phần đời sống con người. Lớn lên, học triết Đông phương, tôi mới biết lửa (Hỏa) là một yếu tố làm nên Ngũ hành. Từ đó, tôi hiểu ra rằng không bao giờ được phép để mình mất lửa, kể cả ngọn lửa trong trái tim mình…
Thông thường, cái máy chụp ảnh thì được gọi là máy ảnh; cái hộp quẹt thì được gọi là hộp quẹt. Thế nhưng trên 50 năm trước đây, bà con Quảng Nam mình có vẻ… kính trọng hai món này. Chiếc máy ảnh được phong lên tới chức “cái bàn hình”, chiếc hộp quẹt được phong lên tới chức “cái thùng diêm”.
Thùng diêm thời ấy không phải để chỉ loại hộp quẹt làm bằng que gỗ thông, đầu que có chất diêm sinh như bây giờ. Nó được làm bằng kim loại, vỏ nhôm. Trong vỏ, có khoảng trống để nhét bông gòn, có chỗ để nhét viên đá lửa và cố định lại bằng cái lò xo. Bật cho bánh xe đá lăn nửa vòng, tia lửa chớp ra bắt vào tim bông gòn có tẩm dầu lửa là lửa cháy.
Ảnh: Phương Thảo |
Khoảng năm 1953, bà con ở xã Tam Thăng (Tam Kỳ) ít ai có được cái thùng diêm. Người Pháp bao vây kinh tế kỹ quá, không để một chiếc thùng diêm nào lọt vào vùng kháng chiến. Tinh thần cảnh giác chống buôn lậu từ vùng tạm chiếm của Pháp về vùng tự do của ta cũng lên rất cao cho nên tay buôn lậu nào mua một thứ vớ vẩn nhất cũng có thể bị lực lượng chống buôn lậu tìm ra. Bằng chứng là ai buôn đá lửa dùng trong thùng diêm giấu trong mái tóc chải theo kiểu đầu phồng cũng bị khám phá. Ca dao thời kháng chiến có câu làm chứng như vầy:
Đầu phồng đá lửa;
Ruột chửa ka-ki.
Hắn lên Tam Kỳ;
Hắn nổ cái bụp.
Viên đá lửa nhỏ xíu tìm đã khó mà cái món dầu lửa dùng để đổ vào trong bông của thùng diêm lại khó hơn. Thời ấy, bà con Tam Thăng thắp đèn bằng mỡ heo, ra đường dùng đuốc mù u. Chẳng ai hiểu được cái món dầu lửa của Tây tà nó ở phương nào. Cho nên, ai có thùng diêm thì thiếu đá lửa, ai có đá lửa thì thiếu dầu lửa. Tóm lại, có được cái thùng diêm cũng như không. Gia đình tôi chưa bao giờ có được một cái thùng diêm “cao quý” đó để đánh lửa nấu ăn, thắp đèn.
Từ năm tám tuổi, cha mẹ tôi giao tôi nhiệm vụ… giữ lửa trong bếp buổi trưa qua buổi chiều. Bếp nấu bằng củi dương liễu, than rất đượm và lâu tàn. Tôi gom những hòn than lớn lại một chỗ, lấy tro lấp lên một lớp nhẹ để giữ các hòn than. Lâu lâu, ra vồng khoai đào vài củ, tôi nhen lửa nướng khoai gọi là kiểm tra lửa. Nhiều bữa ham chơi, tôi quên xem bếp, than tàn hết và lửa tắt. Hễ hết lửa thì tôi phải đi xin lửa.
Xin lửa là phải lấy một cái gì đó - thông thường là một cây đuốc bằng lạt tre khô, chạy sang nhà hàng xóm xin một hòn than đỏ hay đốt cháy cây đuốc rồi… chạy về nhà mình. Trước mặt nhà tôi là nhà bác Thảng; sau lưng nhà tôi là nhà bác Lãm. Vòng đi xin lửa, tôi khoan thai như nhà nho dạo mát. Xin được lửa xong, vòng về tôi phải chạy nhanh như lực sĩ điền kinh bởi sợ… lửa tàn.
Thừa giấy nên vẽ voi. Tôi thừa thời gian nên hay vẽ chuyện. Có hôm, lửa trong bếp tàn sớm, tôi… đi chơi. Tôi khoái nhất là đến chơi nhà bác Diêm. Bác Diêm sinh một hơi bốn anh con trai, đặt tên con là Diêm, Sinh, Rào, Rẹt. Sinh bằng tuổi tôi, Rào và Rẹt nhỏ hơn một chút. Bốn đứa chơi chung, khi thì ra chỗ ao bác Chánh Thị xem người ta đóng bộng dầu, khi thì cùng nhau đi hái trâm, hái sim để ăn. Đùa giỡn cho đã đời, tôi kiếm hai miếng tre, xin bác Diêm cho gắp một hòn than đỏ, chạy marathon về nhà. Mẹ thấy tôi đi chơi, định ngầy (rầy la) nhưng nhìn thấy hòn than đỏ, lại vui.
Nhà bác Thảng có một con trai là anh Rứt. Anh Rứt lớn hơn tôi hai tuổi nhưng chẻ tre, đan lờ, bắt cá thì anh là tay tài hoa số một. Tôi sang nhà anh Rứt, phụ anh đặt lờ dưới mương rồi lùa bầy cá rô thóc chạy vào lờ. Bắt lên được con nào, tôi cũng nhóm lửa cho anh Rứt nướng cá. Lấy que tre xiên qua mình cá nướng trên than hồng, anh cầm một cục muối, tôi cầm một cục muối. Cứ vậy, chúng tôi thưởng thức món cá rô nướng trui, bất cần sự cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm!
Nhờ sự nghiệp xin lửa phát triển nên tôi có nghề… nhóm lửa. Lấy một mớ lá dương liễu, dăm bào hay lạt tre bỏ cục than hoặc đốm lửa vừa xin được vào. Bẻ thêm mấy que hàng rào khô đặt phía trên rồi gác củi dương liễu lên. Tôi ngồi chồm hổm, hít mấy hơi Tiên thiên chân khí thổi vào chiếc ống thổi lửa. Vậy là ngọn lửa hồng bừng lên rực rỡ.
Xin lửa, nhóm lửa cho tôi học được ra một điều: Lửa làm nên một phần đời sống con người. Lớn lên, học triết Đông phương, tôi mới biết lửa (Hỏa) là một yếu tố làm nên Ngũ hành. Từ đó, tôi hiểu ra rằng không bao giờ được phép để mình mất lửa, kể cả ngọn lửa trong trái tim mình. Tuổi tác có thể tới lúc “trăng tà bóng xế” nhưng ngọn lửa trong tim thì không bao giờ tàn lụi.
Lâu lâu, trở về Tam Thăng ngồi trên nền nhà xưa, tôi nhớ anh Rứt, các anh Sinh, Rào, Rẹt và các bạn bè thơ ấu. Tôi chợt khám phá ra một điều thú vị, đó chuyện bác Diêm đặt tên bốn người con. Diêm sinh (lưu huỳnh) là thành tố làm nên ngọn lửa. Bẻ vài cọng tre trên hàng rào, bật que diêm sinh lên mồi vào là lửa cháy cái rẹt. Có lẽ vì vậy mà tên các anh được đặt tên là Diêm, Sinh, Rào, Rẹt. Hóa ra đặt tên các con như vậy, bác Diêm cũng có ngụ ý là nhà bác không bao giờ hết lửa.
Tạp văn của ĐỒ BÌ