Vào lúc 19 giờ ngày 12.10.1960, tại khu rừng Chàng Riệc (tỉnh Tây Ninh), Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) phát đi bản tin đầu tiên thông báo sự ra đời của Hãng thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và sau này là Cơ quan phát ngôn của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau này, ngày 12.10 được lấy làm ngày truyền thống của TTXGP và của các đơn vị kế thừa ngày nay: Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam (đóng tại TP.Hồ Chí Minh) và Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng).
Trong 15 năm (1960 - 1975) đồng hành với cuộc kháng chiến chống Mỹ, những nhà báo - chiến sĩ của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) và TTXGP luôn tiên phong trong công tác thông tin, tuyên truyền; trở thành cơ quan chủ lực trong khối thông tấn báo chí cách mạng ở miền Nam. Họ đã có mặt cùng những đoàn quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập, chứng kiến giờ khắc cáo chung của chính quyền Sài Gòn và đưa tin chiến thắng.
Ghi nhận những cống hiến, hy sinh gian khổ của những người làm báo thông tấn, ngày 1.9.2020, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1521/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho TTXGP.
Dòng tin chảy mãi
Suốt 15 năm hoạt động trong điều kiện chiến tranh ác liệt, TTXGP đã đi từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh, luôn duy trì “mạch máu” thông tin chính thống và có mặt ở hầu hết mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam. Tin, ảnh của TTXGP từ Quảng Trị đến Cà Mau, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng... luôn nóng hổi tính thời sự. TTXGP không chỉ cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước mà còn giúp Trung ương Cục miền Nam, các Khu ủy phân tích, nhận định tình hình để đi đến những quyết định có tính chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường. Không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên TTXGP.
Thông tin do VNTTX Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ và sau đó do TTXGP phát, từ những tin đầu tiên về những vụ thảm sát ở Phú Lợi (Bình Dương); Chợ Được, huyện Thăng Bình; Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam); tấm gương kiên trung của Trần Thị Lý, cái chết bất tử của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, tới tin về chiến thắng Ấp Bắc (Tiền Giang), Núi Thành (Quảng Nam); về phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ở các đô thị miền Nam, nổi bật là tin Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu; tin quân dân miền Nam đánh bại Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965)... đã gây tiếng vang lớn làm nên uy tín của TTXGP.
Ngày 12.5.1976 là thời khắc lịch sử của ngành thông tấn cách mạng. Việt Nam Thông tấn xã cùng Thông tấn xã Giải phóng, hai người anh em ruột thịt, tuy hai mà một, đã chính thức hợp nhất với tên gọi là Thông tấn xã Việt Nam, hòa với khí thế cách mạng chung của toàn dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Khi Mỹ trực tiếp đưa quân vào chiến trường miền Nam, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành một trong những chiến trường chống Mỹ ác liệt nhất. Những tên đất, tên làng vùng chiến khu xưa như: Đồi tranh Dốc Nón, Nước Oa, cầu Chìm, làng Hồi, sông Trà Nô, cầu Bà Huỳnh, làng Ông Tía (Quảng Nam)... đã đi vào lịch sử. Các trận đánh thắng lớn như: Hòn Chiêng, Cấm Dơi, Nông Sơn, Trung Phước, Thượng Đức, Bồ Bồ, đặc biệt là chiến thắng Chu Lai, Núi Thành - trận đầu thắng Mỹ, đều được phóng viên TTXGP Trung Trung Bộ đưa tin ảnh kịp thời chuyển về Tổng xã, cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước để thông báo cho nhân dân cả nước và thế giới rằng “Việt Nam dám đánh Mỹ và trận đầu đã thắng Mỹ”.
Trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, phóng viên TTXGP có mặt khắp từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau. Những tin tức chính xác kịp thời của TTXGP từ các trận đánh đã góp phần động viên, cổ vũ toàn quân, toàn dân đập tan mọi âm mưu của kẻ thù, quyết chiến quyết thắng quân xâm lược Mỹ và tay sai. Tháng 6.1969, khi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, với tư cách là cơ quan phát ngôn của Chính phủ Lâm thời, TTXGP là cơ quan đầu tiên phát tin ảnh về sự kiện lịch sử này cùng với các văn kiện của Chính phủ, làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, TTXGP tung ra hai cánh quân lớn cùng với một số phóng viên VNTTX bám sát các đơn vị chủ lực, thông tin nhanh các trận đánh, về tình hình chiến trường, các bước tiến quân như vũ bão của bộ đội, tiếp quản các vùng giải phóng... Lực lượng được tổ chức thành từng nhóm có đủ phóng viên tin, phóng viên ảnh, kỹ thuật viên, điện báo viên để làm tin, phát tin kịp thời mọi lúc, mọi nơi. Ở các mặt trận khắp chiến trường miền Nam, phóng viên TTXGP là những nhà báo đầu tiên có mặt tại các “địa điểm đánh dấu mốc” ghi lại thắng lợi vang dội của quân dân các địa phương. Với hàng loạt tin, bài chuyển theo đường Morse, teletype, hàng nghìn tấm film, ảnh được chuyển về VNTTX ở Hà Nội kịp thời báo cáo với Trung ương và cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài nước, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của một hãng thông tấn trong chiến tranh cách mạng. Thông tin của TTXGP đã góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Vững tay bút, chắc tay súng
Bên cạnh nhiệm vụ thông tin, đội ngũ công tác ở TTXGP còn trực tiếp cầm súng chiến đấu và trở thành những chiến sĩ thực thụ. Trong chiến dịch càn quét của Mỹ mang tên Junction City vào hậu cứ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam năm 1967, đội du kích cơ quan TTXGP đã kiên cường bám trận địa, phối hợp cùng với du kích các cơ quan Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, bộ đội địa phương, quân chủ lực bẻ gãy trận càn lớn của địch.
Nhiều cán bộ, nhân viên của TTXGP kiên cường chiến đấu với quân địch và đã hy sinh. Ở khu 5, phóng viên Dương Tấn Nhường hy sinh tại mặt trận Quảng Đà năm 1968 khi đang trên đường xuống vùng đồng bằng Điện Bàn, Quảng Nam lấy tin. Nhiều trận đánh thắng địch vang dội có sự tham gia của các nhà báo - chiến sĩ TTXGP Trung Trung Bộ đã được ghi vào sổ vàng lịch sử. Như ngày 20.4.1968 bắn cháy máy bay trinh sát L19 tại cầu Chìm, Trà My; ngày 15.9.1968 bắn diệt 14 lính Mỹ tại dốc Bình Minh; ngày 10.12.1968 bắn diệt 2 lính Mỹ ở đồi Dốc Nón; ngày 10.4.1969 bắn diệt 17 lính Mỹ ở thôn 4, Trà My... Trường hợp hy sinh tập thể đó là vào đêm 21 rạng sáng ngày 22.5.1972, một loạt bom kinh hoàng đã rải xuống căn cứ Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà, 10 đồng chí đã hy sinh, trong đó có 5 đồng chí bị vùi trong hang đá (2 đồng chí Hoàng Quốc Thăng và Võ Công Thu là người của TTXGP). Trong chiến dịch giải phóng Đắk Tô, Tân Cảnh, nhân viên Đài Minh ngữ TTXGP Trung Trung Bộ Hoàng Minh Ngọc, quê ở Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, đã dũng cảm chiến đấu với một đại đội địch và đã hy sinh anh dũng vào ngày 1.10.1972…
Trong hai cuộc kháng chiến, cả nước có hơn 400 nhà báo - liệt sĩ; trong đó riêng TTXGP, hơn 240 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu trên khắp chiến trường miền Nam, tương đương 50% quân số của TTXGP thời điểm cuối năm 1974. TTXGP nói riêng và VNTTX nói chung là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo và nhân viên kỹ thuật hy sinh nhiều nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Với những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngay trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, TTXGP đã được Trung ương Cục miền Nam khen tặng 16 chữ vàng “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”. TTXGP cũng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Huân chương Thành đồng hạng Nhì (1967), Huân chương Giải phóng hạng Nhất (1975) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật của TTXGP được tặng các danh hiệu Dũng sĩ Diệt xe cơ giới, Huân chương Chiến công Giải phóng, Huân, Huy chương Quyết thắng...