Giữ mạch nguồn dân ca

NGUYỄN HẢI TRIỀU 21/09/2016 09:00

Dân ca là thể loại văn nghệ dân gian mà bất cứ dân tộc, vùng miền nào cũng có. Nếu ví dân ca như một dòng chảy thì mạch nguồn của nó luôn thấm đẫm chất trữ tình, được bảo lưu, phát triển từ đời này sang đời khác. Dân ca là món ăn tinh thần đặc biệt, trong đó nhân dân là người thưởng thức và cũng là người sáng tác để làm giàu đời sống văn hóa trong cộng đồng…

Miền đất khu 5 có cả một kho tàng dân ca đồ sộ, bởi các làn điệu, thể loại, tính chất... bộc bạch tình cảm vừa mộc mạc, bình dị nhưng cũng không kém đằm thắm, trữ tình của mảnh đất và con người ở đây. Dân ca là tiếng lòng của bao thế hệ, nơi ẩn chứa những nỗi trăn trở lo toan của người cha trước nghiệt ngã cơm áo cuộc đời; những nỗi đau xé lòng của quê hương trước quân bạo tàn xâm lược; ý chí quật khởi của bao lớp người ra đi “chưa hết giặc chưa về”; nỗi lòng trắc ẩn của người vợ “vọng phu” một đi không trở lại năm xưa; và có cả những tiếng lòng “chiều chiều ra đứng ngõ sau”, những nỗi niềm cố xứ thỏ thẻ một tiếng quê ngàn đời “à ơi… chiều chiều lại nhớ…”.

Dân ca đi vào đời tôi từ những ngày thơ ấu. Khoảng trời mênh mông trong ký ức tuổi thơ đầy ắp những câu hát dân ca, những tiếng ru hời. Biền bãi quanh làng tôi ngày ấy chiều lên mênh mang giọng hò khoan của các bà, các chị hái dâu, gánh lúa. Có những đêm trăng sáng, tôi theo mẹ đi xem hát đối đáp. Rồi giọng ầu ơ của bà, của mẹ ru em tôi; của bác Bảy, thím Chín, bà Điểu bên xóm ru con ru cháu… cứ thế từng ngày đắp đầy trong tâm hồn tôi những câu hát, những mạch nguồn yêu thương quê xứ cho đến bây giờ.

Tôi nhớ năm lên mười một, mười hai tuổi, quê tôi đang những mùa chinh chiến. Sau Hiệp định Paris - 1973, làng tôi trở thành vùng giáp ranh, “ban ngày quốc gia, ban đêm cộng sản”. Có những đêm khi cả nhà đang nằm dưới hầm tránh đạn pháo, bỗng nghe tiếng hát dân ca từ chiếc loa phóng thanh của các anh “địch vận” quân giải phóng phát ra bên kia sông Đại Hồng với những câu hát bài chòi của “Quảng Nam tung cánh chim bằng”, “Chờ con má nhé”, “Gởi lòng con đến cùng cha” (tên bài hát sau này tôi mới biết)… Mẹ tôi và những người phụ nữ lén đưa tay lau nước mắt. Tiếng hát dân ca ngày ấy như dấu ấn ghi vào đời tôi niềm đam mê cho mãi đến sau này, trên bước đường rong ruổi của cuộc đời.

Sau giải phóng, tôi nhập cuộc vào đời sống sôi động với ước vọng cống hiến của tuổi trẻ như một lẽ đương nhiên. Tôi bắt đầu tập tò sáng tác lời cho các làn điệu dân ca, viết kịch dân ca trong phong trào văn nghệ quần chúng. Khi biên giới Tây Nam đang cần những bước quân hành trận mạc, tôi ra đi. Những câu hát dân ca vẫn thường hiện hữu trong từng lá thư tôi gửi về mẹ già; trong từng ngóc ngách tâm hồn tôi mỗi khi nhớ về quê hương cố xứ. Trở về, công tác ở Phòng VH-TT huyện nên công việc tôi làm lại luôn gắn kết với những câu hát dân ca quê mình. Đã mấy chục năm, dân ca luôn song hành, luôn động viên, là niềm tin, tình yêu trong tôi và sự nghiệp tôi đang theo đuổi, gắn bó.

Nhìn lại hiện tại, dân ca, hát ru, hát bội… hình như đang đứng bên bờ vực của sự lãng quên trong đời sống xô bồ thời hiện đại. Trong các cuộc liên hoan nghệ thuật của tỉnh, huyện gần đây, hay trong các lần tổ chức văn nghệ làng xã, người hát dân ca ngày một già đi và thưa thớt; người kế thừa thì không nhiều, và nếu có thì chẳng mấy mặn mà. Thế hệ trẻ hầu như xa lạ với các làn điệu dân ca. Cũng chả trách vì họ từ tuổi thơ đâu mấy người có điều kiện nghe những lời ru mượt mà của bà của mẹ. Những bà mẹ trẻ bây giờ ru con bằng máy hát, bằng những điệu nhạc sôi động xập xình thu sẵn. Tình yêu quê xứ, làng xóm, khói đồng, rơm rạ trong tiềm thức họ chỉ như chuyện cổ tích xa xôi… Tôi có một người bạn rất mê dân ca. Cô là người từ thời trẻ đã gắn bó với văn nghệ quần chúng, tham gia hội diễn ở tỉnh lần nào cũng đoạt huy chương. Một hôm cô mở một đĩa hát dân ca trong nhà để nghe thì đứa con gái buột miệng: “Mẹ tắt giùm con. Thời buổi này nghe chi thứ nhạc như đám ma ấy, buồn chết!”.

Nhiều năm trở lại đây, thấy được giá trị của dân ca đối với đời sống tinh thần, ngành văn hóa cũng đã có nhiều chương trình, hoạt động thiết thực nhằm bảo lưu những giá trị tinh thần vô giá này. Tuy nhiên, kết quả đạt được không mấy khả quan. Sở VH-TT&DL từng có đề án “Đưa dân ca vào trường học” bằng cách bỏ kinh phí xây dựng những đội hát dân ca ở các trường điểm như Thăng Bình, Đại Lộc…, nhưng chỉ xong một lần rồi đâu cũng vào đấy và bỏ ngỏ. Đưa tiêu chí xây dựng các câu lạc bộ dân ca ở các xã nông thôn mới, mở lớp học hát dân ca trên từng địa phương, nhưng rốt cuộc tham gia học phần đông là người cũ. Người mới không nhiều, học thời gian ngắn, nắm bắt nửa vời nên học xong về chẳng biết dụng vào đâu. Tiền bỏ ra như muối bỏ biển! Sự thờ ơ dân ca của cộng đồng đã đến mức đáng chê trách.

Vừa mới đây, tâm sự với một vài người có trách nhiệm trên lĩnh vực văn hóa của huyện, tôi có đề nghị một hình thức quảng bá dân ca trong cộng đồng bằng cách tổ chức những lớp dạy dân ca miễn phí, đại trà ở các nhà văn hóa từ huyện đến xã. Cách tổ chức không nên rườm rà mà chỉ như một tụ điểm tự do theo sở thích. Mỗi tuần một vài buổi tối ai thích thì đến học, lâu dần thành nếp theo kiểu “mưa lâu thấm đất”. Nếu làm được như vậy biết đâu tình yêu dân ca đối với cộng đồng có thể nảy nở đâm chồi trở lại chăng? Nhưng khi nói ra ý tưởng này thì người có trách nhiệm lại sợ trách nhiệm; rằng không quản lý được sẽ gây tình hình phức tạp như “mất an ninh”, “tạo kẽ hở cho kẻ xấu quậy phá sẽ gây phiền phức cho mình…” và tỏ vẻ ngần ngại không đồng tình. Tôi buồn. Những người có trách nhiệm mà suy nghĩ như vậy thì chẳng khác nào làm hiệp sĩ mà anh chỉ muốn chiếc áo giáp của mình cho dày thêm chứ không cần thanh kiếm. Không có kiếm thì làm sao bảo vệ tha nhân? Cứ sợ trách nhiệm thì chức quyền của anh chỉ là lực cản của xã hội!

Ở Đại Lộc bây giờ vẫn còn có những người máu thịt với dân ca như anh Nguyễn Văn Thành, Vũ Thanh Mận, Trần Thanh Nam…, họ đều là cán bộ hưu trí. Cách đây mấy năm các anh đã tập hợp được một số người yêu thích và thành lập câu lạc bộ dân ca. Các anh cho xây dựng những vở diễn thời kháng chiến như “Đội chim chèo bẻo”, “Quê hương dậy sóng”… rồi tổ chức đi biểu diễn ở các địa phương. Đi diễn ở địa phương nào trong huyện cũng được bà con ủng hộ, hoan nghênh. Điều ấy cho thấy sức sống của dân ca trên quê hương này còn mãnh liệt nếu ta biết khai thác, khơi dậy.

Mong rằng mỗi chúng ta, những người từng sinh ra và gắn bó máu thịt trên quê hương Quảng Nam yêu dấu, nơi có những làn điệu dân ca mượt mà làm giàu tâm hồn con người và đất đai, ta cần phải biết khơi gợi cho những mạch nguồn dân ca quê xứ được mãi mãi truyền lưu.

NGUYỄN HẢI TRIỀU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ mạch nguồn dân ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO