Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng hiệu triệu những cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày hãy luôn giữ hình ảnh đẹp: “Sống trong tù kiên trung bất khuất; sống ngoài đời tình nghĩa thủy chung”. Nhân Đại hội đại biểu Hội Tù yêu nước tỉnh Quảng Nam lần thứ VI, Báo Quảng Nam có cuộc trò chuyện với ông Phạm Văn Đào - Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh về các phong trào thi đua nhằm khơi dậy sức mạnh ý chí, niềm tin và nhiệt huyết của những người từng trải qua một thời tranh đấu vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc, quê hương...
Đoàn cán bộ, hội viên tù yêu nước tiêu biểu và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Nam chụp hình lưu niệm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại thủ đô Hà Nội ngày 14.6.2016. Ảnh: Hội Tù yêu nước tỉnh cung cấp. |
Tiếp “lửa” cho tuổi trẻ
Thưa ông, chúng tôi được biết Hội Tù yêu nước có khó khăn đặc thù là số hội viên ngày càng ít dần, bởi những người từng trải qua lao tù bị di chứng thương tật lại thêm già yếu, giảm sút sức khỏe. Vậy, nhờ nguồn động viên nào mà hội giữ được “lửa” cho các phong trào thi đua yêu nước?
Từ các phong trào thi đua yêu nước, 5 năm qua Hội Tù yêu nước tỉnh đã được trao tặng 2 cờ thi đua (năm 2012, 2016) đơn vị dẫn đầu Khối thi đua các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh. Các huyện Hội Tiên Phước, Duy Xuyên, Quế Sơn được trao tặng cờ thi đua dẫn đầu. Hội các cấp hưởng ứng tích cực và thi đua lập thành tích xuất sắc trong các phong trào, được khen thưởng 799 tập thể và 1.045 cá nhân. |
Ông Phạm Văn Đào: Đúng là có nhiều khó khăn. Không cưỡng được xu thế mất mát, rơi rụng dần, đầu nhiệm kỳ có 11.250 hội viên, nay còn 8.850 hội viên đang sinh hoạt. Lại thêm nhiều hội viên tuổi tác ngày càng cao, suy yếu sức khỏe. Tuy nhiên, Hội Tù yêu nước tỉnh luôn được các cấp quan tâm giúp đỡ, nhiều hội viên nhận được chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước (có gần 11,6 nghìn người được hưởng chế độ trợ cấp theo Nghị định 31/2013- CP của Chính phủ). Đặc biệt, với Quyết định số 544/QĐ-CTN của Chủ tịch nước, về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể chiến sĩ cách mạng ở một số nhà tù thực dân đế quốc trước đây, đã cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn để hội phát động nhiều phong trào thi đua trong toàn tỉnh.
Ông có thể cho biết một số kết quả phong trào, hoạt động nổi bật của hội?
Ông Phạm Văn Đào: Nổi bật trước hết là hoạt động giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ. Trong 5 năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã chủ động tổ chức 452 cuộc giao lưu cùng các thế hệ trẻ, với hơn 43.097 lượt đoàn viên thanh niên, sinh viên, học sinh, lực lượng vũ trang tham dự. Với cách thức tuyên truyền bằng nhân chứng kể chuyện “việc thật, người thật” đã tạo sự lan tỏa, tiếp “lửa” cho tuổi trẻ về tình yêu quê hương đất nước, lý tưởng sống đẹp.
Hội Tù yêu nước tỉnh gặp mặt, phát hành tập 10 ký sự “Kiên trung bất khuất” nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh. Ảnh: Hội Tù yêu nước tỉnh cung cấp. |
Để xây nền cho hoạt động giáo dục truyền thống, Tỉnh Hội đã tiếp tục tổ chức sưu tầm, biên soạn và sử dụng những tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng trong các nhà tù thực dân đế quốc, theo tinh thần Chỉ thị 54 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đến nay, Tỉnh Hội đã xuất bản 11 tập ký sự “Kiên trung bất khuất” (riêng nhiệm kỳ V xuất bản được 2 tập), với hàng trăm ký sự tiêu biểu nêu gương “kiên trung bất khuất” của những người con quê hương xứ Quảng. Ở cấp huyện, Thị hội Điện Bàn xuất bản ký sự “Kiên trung bất khuất”, Huyện hội Tiên Phước tổ chức sưu tầm, biên soạn tập sách “Người Tiên Phước với các nhà tù thực dân đế quốc” có nội dung phong phú. Nhiều cơ sở xã, phường, thị trấn, kể cả huyện hội đã xây dựng được Kỷ yếu về Tù yêu nước.
Vun đắp tình đồng đội
Tất cả phong trào bắt đầu từ con người và vì con người. hội đã chú trọng chăm lo vun đắp nghĩa tình đồng chí, đồng đội như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Đào: Căn cốt xây dựng “ngôi nhà chung” của Hội Tù yêu nước ấm áp hơn là phải làm sao cho mỗi hội viên thấy tổ chức hội là nơi gửi gắm niềm tin yêu, sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc ốm đau, hoạn nạn. Trong 5 năm qua, các cấp hội đã phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương đề nghị Nhà nước hỗ trợ làm mới và tu sửa nhà ở cho 2.478 hộ hội viên; tổ chức thực hiện hỗ trợ nghỉ dưỡng cho hơn 2.133 hội viên. Hội đã vận động xây dựng các nguồn quỹ để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, thoát nghèo; đồng thời hàng năm trích quỹ để làm quà thăm hỏi động viên nhau lúc ốm đau, hoạn nạn, phúng viếng tiễn đưa đồng đội khi từ trần. Đến nay, quỹ Hội các cấp cơ sở đã đạt gần 6 tỷ đồng, quỹ góp vốn quay vòng hơn 6,57 tỷ đồng, quỹ Nghĩa tình đồng đội và quỹ khác gần 2,9 tỷ đồng. Nhờ đó, đã tổ chức thăm hỏi 5.085 lượt cán bộ hội viên ốm đau, bệnh tật (trị giá hơn nửa tỷ đồng), tặng quà hội viên già yếu, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn... nhân dịp lễ, tết cổ truyền, với 5.673 suất quà, trị giá hơn 1,1 tỷ đồng. Riêng Thường trực Ban Chấp hành Tỉnh hội còn vận động các nhà hảo tâm ủng hộ 337 phần quà, 24 sổ tiết kiệm, tổng trị giá 214 triệu đồng, để trao tặng cho 361 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Từ Đại hội lần thứ VI này, định hướng lớn của Hội Tù yêu nước Quảng Nam cho nhiệm kỳ tới (2017-2022) là gì, thưa ông?
Ông Phạm Văn Đào: Phương hướng tổng quát là phát huy sức mạnh ý chí và niềm tin, tinh thần “kiên trung bất khuất” của những người Tù yêu nước để xây dựng hội vững mạnh, cùng với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh viết tiếp trang sử dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp. Hội sẽ tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước để giữ mãi hình ảnh đẹp của những người Tù yêu nước, nêu gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Luôn nêu gương sáng Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói rằng quá khứ chỉ vinh quang khi hiện tại biết làm đẹp cho đời. Vậy, trong khi giữ niềm tự hào về truyền thống hào hùng thời quá khứ, vai trò nêu gương của người Tù yêu nước bây giờ như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Văn Đào: Rất nhiều mặt, nhiều lĩnh vực đời sống mà hội viên Tù yêu nước đã và sẽ phải nêu gương. Đầu tiên là tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở. Nhiều hội viên dù tuổi cao sức yếu vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội, đóng góp cho cộng đồng. Đặc biệt, toàn hội hiện có 166 hội viên tham gia vào cấp ủy đảng, 795 hội viên giữ các chức danh chính quyền, 1.984 hội viên tham gia công tác Mặt trận, đoàn thể. Trong số đó có không ít đồng chí gắn bó thâm niên là cán bộ cơ sở hàng chục năm công tác, không lương bổng, không vụ lợi cá nhân, mà phục vụ nhân dân vô tư, trong sáng. Ấn tượng phải kể đến là việc nỗ lực vươn lên nêu gương thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào chế độ đãi ngộ của Nhà nước. Toàn tỉnh có hơn 99% số hộ hội viên thoát nghèo nhờ vào lao động sản xuất, trong đó có 55 hộ được xem là khá giả mở rộng sản xuất hàng hóa, kinh doanh các loại hình dịch vụ đạt hiệu quả kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, đóng góp ngân sách hàng tỷ đồng. Ngoài ra, hội viên ở các tổ chức cơ sở hội còn tích cực nêu gương hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, ủng hộ xây dựng các công trình phúc lợi xã hội ở địa phương, với 36.340 ngày công, đóng góp gần 2 tỷ đồng, hiến 80.673m2 đất ở để xây dựng cơ sở hạ tầng... |
ĐĂNG QUANG (thực hiện)