Dần dà, phố không chỉ có những cao ốc, nhà máy hay con đường hiện đại, phố còn cần những khoảng xanh trong lành, cần một hệ sinh thái bền vững để thị dân có một cuộc sống hài hòa với thiên nhiên.
Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh: Q.TUẤN |
1. Cuối tuần trước, Đà Nẵng được WWF (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới) trao danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia” năm 2018 cùng với 21 đô thị khác trên thế giới. Đây là sự động viên cho những nỗ lực của thành phố đã tạo dựng trong nhiều năm qua, nhất là trong bối cảnh Đà Nẵng hướng đến một thành phố du lịch an lành, “đáng sống”. Việc Đà Nẵng được vinh danh “Thành phố xanh quốc gia” không chỉ dừng ở mặt danh hiệu, nó tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực như: quảng bá hình ảnh thành phố đến bạn bè trong nước và quốc tế; nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và các bên liên quan trong quá trình phát triển bền vững; lợi thế trong việc thu hút tài trợ từ các dự án liên quan đến môi trường, năng lượng xanh hay biến đổi khí hậu… Ông Marco Lambertini – Tổng Giám đốc WWF cho rằng: “Những chính sách liên quan đến khí hậu (một cách tiến bộ) của chính quyền địa phương sẽ làm giảm tác động của giao thông, nhà ở hay các lĩnh vực phát thải nhiều carbon đến môi trường, qua đó tạo nên thành phố xanh, khỏe mạnh và đáng sống hơn cho con người”.
Một góc thành phố Hội An nhìn từ cầu Cửa Đại. Ảnh: Q.TUẤN |
“Thành phố xanh quốc gia năm 2018” không phải là danh hiệu liên quan đến môi trường đầu tiên mà Đà Nẵng đạt được, năm 2011 Đà Nẵng được trao danh hiệu “thành phố bền vững về môi trường ASEAN” hay năm 2012 đạt “thành phố có hàm lượng carbon trong khí thải ra môi trường thấp nhất thế giới”… Ngay từ năm 2008, Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường”, trong đó các mục tiêu, tiêu chí đề án cũng đã tính đến mục tiêu thành phố xanh mà quốc tế đang hướng đến. Với cam kết giảm 25% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và các kế hoạch như: dự án xe buýt nhanh BRT, áp dụng xăng sinh học E5 RON 92 trên toàn thành phố, xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày… đã giúp Đà Nẵng gây ấn tượng mạnh với WWF.
Tuy vậy, Đà Nẵng vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều để xứng đáng với danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia” bởi theo thống kê diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người của thành phố hiện đạt 7,3m2² /người trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hiệp quốc là 10m2²/người. Sở hữu những hệ sinh thái rộng lớn và đa dạng như: Hải Vân, Sơn Trà, Bà Nà..., Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng “màu xanh” cho phố. Hồi đầu năm nay, thành phố đã phối hợp với một số đơn vị trồng mới hơn 1.000 cây xanh để phục hồi sinh cảnh tại bán đảo Sơn Trà.
2. Trong bối cảnh nhiều đô thị hiện đại trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm trầm trọng, nhiều thành phố ở nước ta dần chú trọng đến tính sinh thái, sự trong lành của đô thị hơn. Một điểm tích cực là hầu hết đô thị ở khu vực duyên hải miền Trung đều ít nhiều tạo được dấu ấn trong việc quy hoạch “đô thị xanh” hay cải thiện môi trường đô thị. Tham dự cuộc thi thành phố xanh quốc gia năm 2018 cùng với Đà Nẵng còn có 2 thành phố khác trong khu vực là Hội An (Quảng Nam) và Đông Hà (Quảng Trị). Theo kết quả của WWF cả 2 đô thị trên đều vượt qua vòng loại để lọt vào top 40 của cuộc thi. Trước Đà Nẵng, TP.Huế cũng đã được nhận danh hiệu “Thành phố xanh quốc gia năm 2016” cho thấy nỗ lực của các đô thị miền Trung trong việc ứng xử hài hòa với môi trường. Phát biểu ở lễ trao giải “Thành phố xanh quốc gia 2018” tại Đà Nẵng, ông Văn Ngọc Thịnh – Giám đốc Quốc gia WWF Việt Nam cho rằng: “Cùng với Huế, Đà Nẵng có thể trở thành thành phố tiên phong và truyền cảm hứng cho các thành phố khác trong cả nước về phát triển xanh và bền vững”.
Một lợi thế không nhỏ cho các thành phố khu vực miền Trung khi hầu hết đô thị đều ở quy mô vừa và nhỏ, nhiều thành phố hướng đến phát triển du lịch và ít chịu tác động của công nghiệp nặng. Tại Quảng Nam, cả hai thành phố Tam Kỳ và Hội An cũng đều đang tích cực hướng đến việc phát triển xanh, bền vững. Trong khi Tam Kỳ tập trung triển khai xây dựng và nâng cấp hạ tầng đô thị, hạ tầng kinh tế gắn với bảo tồn cảnh quan tự nhiên, bảo tồn làng quê do công ty Tư vấn Nikken Sekkei (Nhật Bản) tư vấn đồ án quy hoạch chung thì Hội An cũng đang tích cực hướng đến mục tiêu tiêu “thành phố môi trường”, đô thị sinh thái vào năm 2030. Trong bối cảnh, Tam Kỳ định hướng mở rộng không gian đô thị về đông hay Hội An chủ động giãn vùng phát triển ra ven đô thì việc ứng xử hài hòa với các hệ sinh thái như: sông, đầm, cồn, bàu… là điều quan trọng để tăng màu xanh cho phố.
QUỐC TUẤN