Giáo sư tiến sỹ John A.Quelch, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard, là ủy viên ban quản trị, tư vấn và người phát ngôn của hàng trăm công ty, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan chính phủ ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. Trước đây, ông đã từng là Giám đốc Công ty Reebok International. Các nghiên cứu của GS. John Quelch chủ yếu tập trung vào hoạt động marketing toàn cầu và việc xây dựng thương hiệu tại các nước đã phát triển hoặc các nền kinh tế mới nổi. Ông là tác giả của gần 20 cuốn sách và nhiều bài báo về những lĩnh vực này trên các tạp chí hàng đầu thế giới, nổi bật như: Những nhãn hiệu toàn cầu mới (The New Global Brands), Quản trị marketing toàn cầu (Global Marketing Management), Các ví dụ về quản trị quảng cáo và xúc tiến thương mại (Cases in Advertising and Promotion Management),...
|
Dòng sông Bàn Thạch trong lòng đô thị Tam Kỳ. Ảnh: DŨNG TK |
GS. John Quelch đã sang Việt Nam nhiều lần, đã tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều lãnh đạo địa phương ở miền Trung. Ông cũng đã có một số kiến nghị về marketing thương hiệu cho quốc gia và địa phương, áp dụng cho Việt Nam. Trước khi diễn ra các hội nghị SOM III, GS. John Quelch đã đến làm việc tại tỉnh Quảng Nam và ở lại Hội An cùng với một đồng nghiệp chuyên làm tư vấn về du lịch. GS. Quelch đã nói với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam một ý rất hay về quảng bá hình ảnh địa phương - hay một quốc gia cũng vậy: “Hãy giữ lại danh thiếp và địa chỉ của những du khách (hạng sang), các nhà đầu tư và liên lạc định kỳ với họ qua email. Hãy thông báo với họ những đổi thay, những cái mới mẻ của mình trong các lĩnh vực liên quan, hỏi thăm sức khỏe và mời họ có dịp quay lại… Đó là cách tiếp thị trực tiếp hiệu quả mà tôi chưa thấy làm ở Việt Nam”.
“… Dịp ấy, anh Võ Ngọc Hoàng (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam) rất trọng thị GS. John Quelch, chính nhờ góp ý của GS. John Quelch mà Quảng Nam đã điều chỉnh để không sa vào công nghiệp ô nhiễm, để hướng đến công nghiệp có hàm lượng trí tuệ, sáng tạo hơn…”- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng Biên tập Vietnamnet, hiện là đồng sáng lập Diễn đàn toàn cầu Boston với GS. John Quelch, vừa nhắc lại với tôi qua email. Và tôi nhớ lại, GS. Quelch cũng nói rằng cần phải bảo vệ các bờ biển, phát triển những khu nghỉ mát hạng sang và giảm bớt các khách sạn dưới 3 sao, “Làn sóng du lịch ba lô luôn là mối đe dọa đối với sự bền vững của môi trường, cái mà các bạn rất cần và cũng là kinh nghiệm đau xót của nhiều nước đi trước…”.
Biển Rạn (Núi Thành). Ảnh: DŨNG TK |
Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái cao cấp là hướng ưu tiên trong quy hoạch phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố thuộc “Con đường di sản văn hóa miền Trung” mà có lẽ Quảng Nam có vai trò quan trọng. Sau APEC 2006, du lịch VIP trở thành cơ hội làm phong phú hơn các loại hình du lịch cho Quảng Nam và các khu du lịch cao cấp đã mọc lên ở ven biển. Thiết nghĩ, những tư vấn của GS. John Quelch vẫn còn nguyên ý nghĩa là “mách nước” đầy giá trị!
GS. John Quelch, khi nói về kinh tế biển cũng đã nhấn mạnh: “Nhiều thành phố biển trên thế giới đã thất bại trong việc đẩy mạnh khai thác kinh tế biển vì chỉ chú ý đến yếu tố khai thác và trợ giúp bên ngoài mà quên đi điều then chốt là tạo nên nội lực cho mình. Trong chiến lược dài hơi của mình, các tỉnh ven biển cần có lực lượng hùng hậu được đào tạo chuyên sâu từ những kiến thức của các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế để phục vụ sát thực cho khai thác kinh tế biển…”. Khi nói chuyện với các vị lãnh đạo Quảng Nam, ông luôn trực tiếp hoặc gián tiếp, nhấn mạnh đến việc bảo vệ môi trường.
Từ những ý kiến tư vấn của GS. John A. Quelch ở Quảng Nam gần 10 năm trước, tôi nghĩ, giữ cho được môi trường trong lành cũng chính là làm cho du lịch phát triển, công nghệ sạch phát triển; là cách tiếp thị hình ảnh địa phương hiệu quả và lâu bền… Tất cả cũng góp phần tạo sự thăng hoa của một đất nước, một địa phương, trong đó có Quảng Nam.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG