Giữ nếp nhà, mỗi người sẽ có mỗi cách khác nhau. Với những người xa xứ, nếp nhà, đôi khi đó là giữ tiếng nói, nấu một món ăn; đôi khi là ẩn ức “quy cố hương” bằng những hồi ức; hay bằng trồng một cây chuối, cây mận, cụm mã đề, cụm rau tần phòng khi con sốt ho…
Người Việt ở Úc tập trung chủ yếu ở hai bang New South Wales và Victoria. Đinh Nguyên định cư xứ sở Kangaroo này hơn 10 năm nay. Nơi cô sống - Canley Heights thuộc một trong 2 khu vực có số người Việt sinh sống đông nhất nước Úc, chiếm 1,3% dân số. Nên chuyện gặp và nghe người nói tiếng Việt không quá hiếm hoi với với lũ trẻ.
Dẫu vậy, con trai đầu của cô không nói rành tiếng Việt. Nó hiểu được nhưng phát âm vẫn khá khó với thằng bé 9 tuổi. Tiếng Việt như ngoại ngữ với nó.
Rút kinh nghiệm, đến đứa thứ hai, Đinh Nguyên thay đổi cách cho con tiếp cận và học. Kênh học nói nhiều nhất với bọn trẻ là những cuộc gọi về quê nhà. Cha mẹ là người Việt nên cả nhà giao kèo ở nhà phải nói tiếng Việt. Điều đó giúp bọn trẻ khá hơn một chút khi nghe và nói tiếng Việt, còn viết thì chưa, chỉ vài chữ “con yêu ba” “con yêu mẹ” “con nhớ Việt Nam”.
Trường học có môn tiếng Việt, con bé khoe mình đạt điểm xuất sắc ở môn này. Chỉ vậy thôi mà cha mẹ nó đã vui như Tết. Đôi khi trong những cuộc gọi về, con bé nũng nịu “con nhớ Việt Nam!”. Việt Nam với con bé 6 tuổi sinh ra và lớn lên ở Úc, không gì khác ngoài họ hàng nội ngoại.
Từ cơn thèm ăn món Quảng, có năm Tết không về được, quay quắt nhớ bánh tét, bánh tổ, Đinh Nguyên chọn cách khởi nghiệp bằng món ăn quê nhà.
Bánh quê, từ bèo, nậm, lọc, ít, ram cho tới các món thân thuộc như mỳ Quảng, thịt heo cuốn bánh tráng. Học nghề để lấy chứng chỉ, cộng với chút năng khiếu, đam mê, các món ăn của cô chinh phục được những khách hàng khó tính ở khu Cabramatta.
Nhiều người, lái xe cả tiếng đồng hồ để đến mua hàng, để được ăn món Việt. Là cô biết, rất nhiều người Việt dẫu ở đây ba bốn chục năm nhưng vẫn thèm quê như cô.
Ly Reese đến Indianapolis cách đây 3 năm. Indiana là một tiểu bang ở miền Trung Tây Hoa Kỳ. Tôi bảo mình đang nghe bản On the Banks of the Wabash (Trên bờ sông Wabash) khi nói chuyện với bạn.
Âm hưởng du ca và đồng quê ở bản nhạc có khiến bạn nhớ sông Thu Bồn quê mình trong bản Tiếng hát bên dòng sông, tôi không hỏi. Nhưng lớn lên với nhau, tôi biết bạn còn nhiều điều nặng lòng với đất này.
Sông Wabash, một nhánh sông của Ohio cắt đôi tiểu bang Indiana từ phía đông bắc tới phía tây nam và là nguồn cơn cho sự ra đời của bản nhạc này. Cũng như sông Thu Bồn hay Vu Gia nơi chúng tôi uống nước nguồn vậy.
Sống cùng gia đình chồng là người Mỹ, môi trường để nói tiếng Việt không nhiều, nên nỗi nhớ quê mẹ, không chỉ là tiếng Quảng, mà còn là tiếng Việt. Cũng như nhớ quay quắt món ăn của xứ sở. Thằng bé con gần 2 tuổi, đôi lần hiếm hoi gọi “mẹ”, rồi thôi. Ông bà, bố và cả gia đình bên nội không ai biết tiếng Việt.
Ly Reese rằng, muốn nghe tiếng Việt, thì chỉ có ở chỗ làm nails. Cũng vì muốn con nói được tiếng Việt, bạn tìm cho được người chăm trẻ là người Việt. Một nửa dòng máu Việt đang chảy trong người thằng bé, nên dẫu gì đi nữa, nó phải được biết đến những gì thuộc về Việt Nam.
Nhiều lần đi siêu thị cùng mẹ chồng, Reese chọn nguyên liệu nhập khẩu từ Việt Nam để nấu món Việt cho gia đình chồng thưởng thức. Bánh canh, bún Huế. Thậm chí cô làm cả món bánh tét, dưa món, tré. Hình thức thì không sai nhưng hương vị thì chẳng giống. Bạn nói thôi ráng vài năm nữa, thằng bé lớn hơn một chút và tài chính dư dả một chút, mình mới về quê được. “Mình nhớ quê, nhưng nhà bây giờ ở đây” - Reese nói.
Họ là hai trong số người bạn, người thân của tôi, khởi từ con sông Ái Nghĩa rời xa quê mẹ để đến lập thân lập nghiệp ở xứ người. Mỹ, Úc, Canada, Singapore, Nhật… Có người tìm cách thu xếp để mỗi năm được về chạm đất mẹ. Có người vài ba năm. Cũng có người rời đi gần 10 năm chưa lần về thăm quê, dẫu mọi thứ thuộc về và cả tình thâm vẫn còn ở cố xứ.
Những đứa trẻ lớn lên ở xứ người, tất nhiên, không giống cha mẹ nó, vốn sinh ra và lớn lên ở đất Việt. "Họ giữ cảm giác của người sống hai đời sống, một trong nền văn hóa sở tại mà họ đang cố hòa nhập, và một gần với bản chất hơn khi ở trong cộng đồng của mình và nói thứ tiếng của mình" (như nhà văn Mỹ gốc Việt Nguyễn Thanh Việt đã viết).
Những câu chuyện kể hằng đêm, với con, về quê xứ là cách để họ gần lại với quê nhà. Họ nhấm nháp ký ức bằng cách mở đầu: “ở đó, mẹ đã...”.
Đôi khi, nhìn cây mận, nhìn cụm rau mã đề trồng vườn sau, sẽ có những câu chuyện chế ra, cho con dễ hình dung về những thứ nằm lòng với họ nhưng không hề thấy ở xung quanh nơi con sống, như một ly chè, một tô bún mắm vỉa hè hay gánh mỳ dạo.
Những mường tượng đó, là chất liệu để bọn trẻ lớn lên, tự thành sợi kết nối với quê nhà. Sinh ra lớn lên và trưởng thành ở xứ khác, nên gốc Việt, là thứ neo buộc được đến đâu, thì hay đến đó vậy.
Như Tết về, nhiều người ở khu Cabramatta dẫn con đi lễ chùa. Dẫu chẳng phải phật tử nhưng họ thích đến đó, bởi hương trầm sẽ ủ nỗi nhớ mẹ nhớ nhà lên xanh um.
Quê cha đất tổ rồi vẫn ở đó trong tim họ, dù chút bụi đất bây giờ xa vạn dặm. Để một ngày nào đó, chỉ một mùi hương thoảng trong gió, những đứa trẻ sẽ bần thần rồi nhắn nhau “Tết này, về Việt Nam nghe!”.