(QNO) - Khoảng mười năm trở lại đây, ngôi làng nhỏ quê tôi trở thành địa chỉ du lịch nổi tiếng với cái tên rất thanh bình: làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh, Tiên Phước).
Được gọi là làng cổ, có lẽ vì nơi đây tập hợp khoảng 8 ngôi nhà rường bằng gỗ mít lợp ngói âm dương với kiến trúc hai gian ba chái được chạm trổ rất tinh xảo, tuổi thọ của các ngôi nhà này đều trên 150 năm tuổi. Trong đó, nhà ông Nguyễn Đình Hoan là ngôi nhà cổ nhất Quảng Nam. Kết hợp với nhà gỗ là không gian ngõ đá chè tàu. Vùng trung du, núi đồi nhấp nhô và những đồng ruộng bậc thang khiến cho khung cảnh nơi đây thật nên thơ và yên bình. Thế nhưng, trong cơn lốc đến chóng mặt của quá trình đô thị hóa, khung cảnh của làng cũng dần mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Làm thế nào giữ được nếp xưa cho ngôi làng cổ? Thiển nghĩ của người viết là hai vấn đề cơ bản:
Về không gian địa lý
Thực tế hiện nay, chưa có một quy hoạch mang tính tổng thể cho không gian của làng. Tất cả là đầu tư manh mún, thiếu nhất quán, nếu không muốn nói là “phản cảm”.
Đầu tiên là cái bảng “Đường vào làng cổ Lộc Yên” được làm sơ sài bằng xi măng giả gỗ, viết chữ theo kiểu thư pháp treo ngay đầu đường vào làng.
Thứ đến là con đường làng bằng bê tông, thỉnh thoảng được lát mấy viên gạch men sứ giữa đường. Lề đường chính, từ đầu đến cuối làng được “tô điểm” bằng rất nhiều loại cây: sưa, dâu đất, cau cảnh, cau làng, cây bành (đào tiên), chè tàu… Ven đường, cứ vài trăm mét là “mọc lên” những bảng hiệu đỏ, với nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường. Gần đây, trục chính đường làng được đầu tư bờ đá. Người dân đã đổ thêm đất hai bên đường bê tông để chất đá, mở rộng mặt đường. Nhưng chính họ cũng lo lắng: mùa mưa kéo dài, bờ đường sẽ dễ bị bung, lở.
Sau cùng là không gian nhà vườn. Bên cạnh những ngôi nhà cổ thấp thoáng dưới ven đồi hoặc những khu vườn xanh tươi vẫn giữ được nếp xưa, người dân nơi đây, vì nhiều lý do, đã xây những cổng nhà theo kiến trúc hiện đại (dù “đặc sản” của những ngôi nhà cổ là ngõ đá chè tàu). Và kiểu ngõ đá là lối kiến trúc mở, nên nếu án ngữ trước hai bờ ngõ đá cái cổng sắt như biệt thự, nhìn rất khó hài hòa.
Một không gian xanh, hài hòa, thân thiện với môi trường là điều nhân dân Lộc Yên ao ước và sẵn sàng thực hiện. Nó phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, như cái bảng hiệu, đến cổng làng, đường làng và không gian sống, không gian sinh hoạt cộng đồng... Nó phải mang tính tổng thể và nét đặc trưng Lộc Yên mà không mất đi vẻ yên bình cổ xưa vốn có. Phải chăng, cần một quy hoạch và đầu tư mang tính tổng thể về cảnh quan, trên cơ sở tham khảo ý kiến các chuyên gia và cả người dân đã bao đời gắn bó ở nơi đây?
Về không gian văn hóa
Người dân Quảng Nam nói chung, người Lộc Yên nói riêng vốn hào hiệp, chân chất, vồn vã, hiếu khách. Họ là những người giàu tình làng nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Họ là những nhân vật chính kiến tạo văn hóa làng. Đến những thập niên cuối thế kỷ XX, nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa của làng quê Việt. Như các lễ cúng Thanh minh, hội săn đầu năm, hội bài chòi… Trẻ con có rất nhiều trò chơi: rồng rắn đi đâu, tít te, đố lá, ông làng… Trong nhà ai có trẻ con đều có nôi tre, võng dù. Trưa trưa, lời mẹ ru con, bà ru cháu à ơi bên tiếng đưa kẽo kẹt. Miền quê yên ả theo hai mùa nắng mưa…
Văn hóa là dòng chảy không ngưng nghỉ. Thế nên cái thời “làng lên phố”, nhiều nét văn hóa làng bị mai một. Cách ứng xử của người Lộc Yên vẫn đẹp, nhưng những phong tục và lễ hội thì nhạt dần, mất dần một cách đáng quan ngại. Để gìn giữ nét đặc sắc của văn hóa phong tục, chắc chắn cần phải khôi phục lại những gì đã trở thành dĩ vãng, nhằm tạo cảm xúc đẹp cho du khách về văn hóa Lộc Yên.
Sớm mai, nhìn làn sương bồng bềnh như chiếc khăn choàng lên đỉnh Bằng Mây, tôi mơ về một diện mạo vừa mới vừa cổ kính của ngôi làng. Một cổng làng bên cây cổ thụ in bóng thời gian. Đường làng quanh co mềm mại bởi ven đường có những hàng chè tàu nép dưới hàng cau được chăm chút tỉ mỉ. Những ngôi nhà ẩn hiện trong khu vườn sum suê cây trái (lòn bon, dâu đất, thanh trà, cau, quế…), có thể đầu tư thành những homestay dành cho khách du lịch. Ngõ đá chè tàu trải dài hoặc chất tầng bậc từ các ngôi nhà mở rộng men theo bờ vườn, mở ra các ngả đường. Mùa tiếp mùa, các đồng ruộng bậc thang xanh lúa xanh bắp…
Lộc Yên đang cần sự đầu tư thân thiện, tích cực và có chiều sâu để gìn giữ, khôi phục nét đẹp riêng, cổ kính cho làng quê Việt.