Giữ nghề đan lát và dệt thổ cẩm

TÂM AN - LÊ QUÂN 31/12/2016 06:35

“Hoạt động văn hóa dựa vào cộng đồng trong phát triển nông thôn mới” được UNESCO hỗ trợ tại Quảng Nam, ngoài những đóng góp cho quá trình xây dựng nông thôn mới nói chung, đã phát hiện và gìn giữ những tập tục văn hóa cùng nét đặc sắc trong nghề truyền thống của người Cơ Tu tại Tây Giang.

Dệt thổ cẩm Cơ Tu là một trong những nghề truyền thống lâu đời cần gìn giữ và phát triển thành nét văn hóa đặc trưng. ảnh: A.T
Dệt thổ cẩm Cơ Tu là một trong những nghề truyền thống lâu đời cần gìn giữ và phát triển thành nét văn hóa đặc trưng. ảnh: A.T

Xã A Nông và xã Lăng (Tây Giang) được chọn thí điểm mô hình phát triển hoạt động văn hóa dựa vào cộng đồng, với hai nghề chính là dệt thổ cẩm và đan lát truyền thống. Sau gần một năm, các hoạt động này đã giúp người dân dần phục hồi nghề truyền thống. Chị Alăng Thị Kim – Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Arớt (xã A Nông) cho biết: “Với bà con dân tộc ở thôn Arớt, nghề dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống lâu đời. Nhưng vì không sản xuất được nhiều nên bà con ít quan tâm, không có ai chịu khó học hỏi, nghề dệt càng mai một”.

Từ sau khi có các hoạt động hỗ trợ, các hộ ở Arớt đã quay lại với nghề dệt thổ cẩm. Các tổ, nhóm dệt được thành lập, các lớp học bài bản cũng được ra đời, với sự chỉ dẫn của các giáo viên của dự án và người có kinh nghiệm dệt thổ cẩm lâu năm. Chị Kim cho hay: “Qua các lớp tập huấn, các nhóm hộ trong thôn cơ bản nắm bắt được mục tiêu cụ thể của chương trình là gìn giữ nghề truyền thống của làng, nâng cao đời sống văn hóa gắn với công việc lao động hàng ngày”. Bản thân chị Alăng  Thị Kim – cán bộ nòng cốt tham gia xây dựng kế hoạch cho thôn Arớt cũng thừa nhận, khi dự án được thực hiện tại địa phương, những cán bộ như chị mới có cách tiếp cận mới trong việc nâng cao đời sống văn hóa và phát triển cộng đồng. “Qua nhiều lần họp thôn, bà con đã mạnh dạn phát biểu ý kiến, cộng đồng đề xuất ý tưởng, như việc vận động đi lấy tre, gỗ, nứa làm dụng cụ dệt, rồi phải tập trung học hỏi kinh nghiệm, rồi tìm đầu ra cho sản phẩm của các nghệ nhân trong thôn…”. Tất cả ý kiến này được đưa vào chương trình hành động hỗ trợ thí điểm mô hình hoạt động văn hóa dựa vào cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.

Tương tự như Arớt, nhưng ở thôn Pơning, xã Lăng gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc hỗ trợ người dân giữ nghề đan lát. Bởi ở địa phương này, nghề đan lát và sản phẩm của nghề đan lát chiếm một vị trí khá quan trọng trong đời sống của đồng bào Cơ Tu. Bên cạnh đáp ứng và phục vụ cho nhu cầu về sinh hoạt, sản xuất tại chỗ, nghề này còn là một phần đời sống văn hóa. Trưởng thôn Bh’ling Phát nói: “Cái gùi rất gần gũi với đàn ông, đàn bà Cơ Tu khi lên rẫy. Nhưng hiện nay ở thôn Pơning rất ít người biết đan lát, lớp trẻ không ai chịu học, những người già am hiểu kỹ thuật đan thì còn không mấy người. Khi có dự án giữ nghề ở làng chúng tôi thì quý lắm”. Mô hình phát triển nghề đan lát ở thôn Pơning còn hướng tới tạo ra sinh kế, tạo thu nhập cho đồng bào. Ngay từ khi mới bắt đầu thực hiện tại thôn Pơning, người đồng bào Cơ Tu đã tự vận động một số nghệ nhân – những người am hiểu, có tâm huyết với nghề làm nòng cốt. Nhóm nghệ nhân này cũng chính là những người trực tiếp truyền dạy các kỹ năng nghề cho lớp trẻ trong thôn. Học viên là phụ nữ (đan lát trước nay chủ yếu đàn ông Cơ Tu làm), thanh niên đến học ngày một đông hơn, đã khích lệ rất nhiều với việc truyền dạy của các nghệ nhân.

Bà Susan Vize – Quyền trưởng đại diện của Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhận định: “Đời sống giàu văn hóa sẽ ảnh hưởng tích cực đến nhận thức của người dân. Nếu chỉ phát triển hạ tầng cơ sở mà không có các hoạt động văn hóa, cộng đồng sẽ trở nên nghèo nàn. Qua một số mô hình mà tỉnh Quảng Nam thực hiện, tôi đánh giá cao tâm huyết của lãnh đạo địa phương trong việc phối hợp với chúng tôi phát hiện, phát triển các nét văn hóa đặc trưng của từng vùng. Đáng chú ý là ở các vùng miền núi, văn hóa đặc trưng, nghề truyền thống của họ cần được gìn giữ và phát triển, đồng hành với tiến trình phát triển nông thôn mới mà tỉnh Quảng Nam đang thực hiện”.

TÂM AN - LÊ QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ nghề đan lát và dệt thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO