Đã từ lâu, làng Trung An (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) đã nổi tiếng với nghề đan lờ phục vụ trong và ngoài tỉnh. Tuy nghề khá bấp bênh, mai một đi nhiều, nhưng người dân nơi đây vẫn rất tâm huyết và cố gắng giữ nghề qua từng mùa nước nổi. Ông Trần Nhớ - người dân trong làng cho hay, nghề đan lờ của làng đã có cả trăm năm nay. Mấy năm gần đây sức tiêu thụ giảm dần do trời khô hạn và một phần bởi ao hồ cũng thu hẹp, cạn kiệt dần, nhưng ai ngờ năm nay lại “cháy” hàng, ông phải tranh thủ làm luôn trưa mới kịp giao cho khách.
Ông Trần Nhớ tranh thủ đan lờ để kịp giao cho khách. Ảnh: QUỐC TUẤN |
Trước kia, gần như cả làng Trung An đều gắn bó với nghiệp đan lờ với khoảng 200 hộ, nay chỉ còn khoảng 40 hộ gắng bám theo nghề dù bấp bênh. Hộ giữ nghề cũng chỉ có người lớn tuổi, còn lớp trẻ đa số đều tìm cho mình công việc ổn định hơn. Vào mùa, mỗi ngày một người làm nhanh và thạo nghề chỉ làm được khoảng ba cái lờ lớn, bán theo giá hiện nay được khoảng 90 nghìn đồng. Như nhà ông Nhớ, mùa lờ năm nay vợ chồng ông bán khoảng 400 lờ nhỏ và 160 lờ lớn, được tổng cộng 10 triệu đồng, trừ chi phí, tính ra vợ chồng ông thu nhập chưa tới 1 triệu đồng/tháng.
Cứ tới tháng 10, tháng 11 âm lịch, người dân trong làng bắt đầu đi mua tre về chặt, vót phơi khô và bắt đầu đan lờ, để đến khoảng tháng 6 âm lịch năm sau có hàng giao cho khách. Cứ đến mùa giao hàng, người dân trong làng lại lóc cóc đạp xe chuyển lờ đi khắp nơi trong tỉnh. Ông Nhớ cho hay: “Lờ của Trung An còn được chuyển ra tới Huế. Ngày đi giao hàng, từ 3 giờ sáng, tôi đạp xe chất gần trăm cái lờ nhỏ ra Huế, hồi chưa làm hầm Hải Vân phải dắt 3 tiếng mới qua đèo, đến khi xuống đèo cũng chỉ dám dắt bộ. Bây giờ có xe máy rồi nhưng vẫn thích đạp xe đi giao hàng, cũng là tiết kiệm để kiếm thêm chút đỉnh”.
Long đong và bấp bênh là vậy nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn gắng giữ nghề của cha ông. Nhiều con em trong làng trưởng thành, vươn xa cũng từ những chiếc lờ nhỏ bé ẩn chứa bao mồ hôi, công sức của các đấng sinh thành. Ông Lê Phàn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa cho biết: “Chúng tôi đã có đề án lập tổ làng nghề, tiến tới thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nghề đan lờ ở làng Trung An. Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất, UBND thị trấn cũng đã tổ chức hội thi đan lờ để quảng bá rộng rãi hơn làng nghề này. Tuy nhiên, số hộ đồng ý tham gia tổ làng nghề hiện nay không nhiều nên công tác triển khai vẫn còn gặp khó khăn”.
QUỐC TUẤN