Giữ nghề dệt lụa Mã Châu

HOÀNG LIÊN 19/10/2017 12:01

Hợp tác xã (HTX) Tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên) giải thể, nghề dệt truyền thống có nguy cơ mai một. Đúng lúc đó, ông Trần Hữu Phương - truyền nhân đời thứ 18, thành lập Công ty TNHH Dệt Mã Châu để giữ nghề của cha ông truyền lại...

Cơ sở ông Trần Hữu Phương chật vật níu giữ nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Cơ sở ông Trần Hữu Phương chật vật níu giữ nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Cải tiến sản xuất

Dệt lụa truyền thống là một chuỗi các công đoạn vô cùng phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức, từ trồng dâu nuôi tằm, ươm kén, canh sợi, nhuộm màu, tẩy (trụi), cán (là, ủi)… Bởi vậy, nghệ nhân làng nghề Mã Châu luôn nghĩ ra đủ cách để cải tiến sản xuất với sự ra đời của hàng chục loại máy cải tiến, nhằm rút ngắn thời gian, giảm nhân công lao động, song vẫn đảm bảo chất lụa tơ tằm 100%. Ông Trần Hữu Phương, truyền nhân đời thứ 18 của làng nghề cho biết, hiện 99% các công đoạn trong dệt lụa tơ tằm ở làng Mã Châu hiện đã cải tiến nhưng cũng chỉ dừng lại ở chỗ tự cải tiến, sử dụng động cơ thay cho công sức con người, tiết kiệm thời gian chứ chưa áp dụng công nghệ tiên tiến. Bởi một khi đã áp dụng công nghệ tự động rồi thì không còn là tơ tằm truyền thống nữa. Cũng nhờ cải tiến một số công đoạn mà chất lượng lụa tơ tằm cũng ổn định hơn. Vải lụa vốn khó sử dụng, hay bị co giãn, giặt xong ủi không phẳng dù giặt giũ nhẹ nhàng, vải lụa hay bị sống lại. Chỉ với khâu cán vải, trước phải sử dụng bàn gỗ bên dưới, bên trên cả khối đá nặng cả trăm ký, thanh niên lực điền mới kham nổi. Giờ, các khâu tẩy, nhuộm, ủi, cán, sấy… đều dựa vào dây chuyền lò cấp hơi, vải đều và đẹp hơn, không bị sống, nhăn.

Dù nỗ lực cải tiến sản xuất nhưng dệt truyền thống vẫn không thể cạnh tranh nổi với dệt công nghiệp sử dụng máy móc hiện đại, lại pha trộn giữa sợi tơ tằm và sợi cotton. Không chỉ làng dệt Mã Châu mà cả xứ lụa Hà Đông, Bảo Lộc hiện cũng chạy theo thị trường. Làng dệt ở Bảo Lộc đã nhập máy ươm tơ công nghiệp của Ý, máy dệt của Nhật Bản, yếu tố truyền thống lu mờ dần. Sự xuất hiện tràn lan sản phẩm lụa của Trung Quốc pha trộn sợi cotton có giá thành rẻ… cũng là tác nhân “giết chết” sản phẩm truyền thống. “Trong guồng cạnh tranh khốc liệt, chỉ với mặt hàng truyền thống, e sẽ khó sống nổi. Để sống được, cơ sở của tôi vừa sản xuất lụa công nghiệp, vừa duy trì dòng lụa truyền thống cao cấp nhằm bảo tồn những cái gì gọi là tinh túy của cha ông để lại. Phần lớn dòng lụa cao cấp này xuất khẩu sang các nước ở mức cầm chừng, sức tiêu thụ nội địa rất yếu” - ông Phương nói. Cơ sở ông Phương vừa tạo được máy đa năng có thể dệt lụa, sa tanh, lãnh, đuỗi, có thể dệt cả sa, nhiễu (sản phẩm mới, khó dệt nhất). Chiếc máy dệt sa, nhiễu đầu tiên do ông Phương tạo ra đã xuất bán đi nước ngoài. Việc sản xuất máy không khó, từ gỗ, sắt cơ khí nhưng cái khó là chi tiết phức tạp, rối rắm. Chế tạo ra máy dệt đã khó, nhưng dệt sa, nhiễu còn khó hơn, đòi hỏi thợ phải có ít nhất 30 năm gắn với nghề mới làm được.

Bảo tồn lụa truyền thống

Năm 2017, HTX Tơ lụa Mã Châu chính thức giải thể do không đủ số lượng xã viên theo Luật HTX. Cũng thời điểm này, Công ty TNHH Dệt Mã Châu do ông Trần Hữu Phương đứng tên pháp nhân chính thức đi vào hoạt động. Ông Phương chia sẻ, việc lập công ty là nỗ lực lớn của gia đình ông và một số hộ tâm huyết với xứ lụa, với nghề của tổ tiên. Cơ sở dệt của ông Phương hiện có 8 nhân công, phần lớn tuổi đã 50. Để trụ được, ông Phương một mặt vẫn sản xuất vải lụa pha cotton theo nhu cầu thị trường lấy ngắn nuôi dài; một mặt, ông kiên trì theo đuổi nghề dệt truyền thống với chất vải lụa cao cấp 100% tơ sợi kén. Ông cũng mày mò khôi phục lại bí kíp nhuộm màu của người xưa với 20 màu các loại được tạo từ các loại cây, hoa, trái trong tự nhiên như lõi cây chè, hoa hòe, cây già, hạt cau, tro bếp, phèn chua… cho màu nhẹ, trang nhã, thân thiện. Chị  Trần Thị Yến, con gái ông Phương, về quê cùng cha xây dựng lại thương hiệu “lụa Mã Châu”. Yến cho biết, việc giữ bí quyết tạo màu tự nhiên là phương cách độc đáo của cha ông, cần phải giữ gìn. Cái khó là nguyên liệu để tạo màu tự nhiên tìm kiếm không dễ do các bãi bồi hoang sơ còn rất ít, nhiều loại cây tự nhiên bị cạn kiệt, như cây già, phải thuê người ra mua ở Cù Lao Chàm với giá 200.000 đồng/kg.

“Chúng tôi đang phối hợp với Sở Khoa học công nghệ tiến hành đề tài nhuộm màu tự nhiên cho lụa tơ tằm với một số màu chủ lực truyền thống. Đây cũng là cơ hội để nghiên cứu, nâng cao tay nghề, từ sự giúp sức của các nhà khoa học, nhà quản lý. Sản phẩm vải nhuộm màu nhân tạo là nguy cơ đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, chưa kể chất thải tạo màu công nghiệp cũng đe dọa môi trường, nguồn nước thải” - chị Yến nói. Theo chị Yến, do công ty mới thành lập, chưa đủ lực, nên chỉ duy trì được một cơ sở trưng bày lụa tơ tằm truyền thống tại Duy Xuyên và một showroom trên đường Nguyễn Thái Học (Hội An). Sản phẩm chủ yếu là sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài, song chỉ mới xuất khẩu qua trung gian, qua môi giới của các công ty du lịch, lữ hành nên lợi nhuận giảm đi. Nguy cơ mất thương hiệu lụa Mã Châu truyền thống rất lớn, bởi nhiều cửa hiệu thuận tình kinh doanh lụa Mã Châu 100% sợi tơ tằm, song không chịu sử dụng thương hiệu “lụa Mã Châu” mà tự ý để tên của thương hiệu mình trên vải. Nhiều đại lý vải đánh tráo thương hiệu, vì lợi nhuận pha trộn giữa lụa tơ tằm 100% với lụa pha sợi cotton có giá thành thấp, cố tình thật - giả lẫn lộn để đánh lừa người tiêu dùng, du khách…

Làm gì để lụa truyền thống, một sản phẩm đặc trưng của xứ Quảng được thịnh hành và vinh danh khắp đó đây như một thời vang bóng? Đó không chỉ là trăn trở của cha con ông Phương, mà còn là câu hỏi đặt ra cho các nhà chức trách trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ nghề dệt lụa Mã Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO