Giữ nghề dệt thổ cẩm Xê Đăng

PHƯƠNG THUẬN- TRUNG LÊ 21/03/2018 14:29

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Xê Đăng vốn có từ lâu đời. Đây là nghề thủ công tạo ra sản phẩm phục vụ cho con người hàng ngày, đồng thời góp phần giữ gìn bản sắc độc đáo của người Xê Đăng.

Phụ nữ Xê Đăng dệt thổ cẩm tại nhà. Ảnh: P.THUẬN - T.LÊ
Phụ nữ Xê Đăng dệt thổ cẩm tại nhà. Ảnh: P.THUẬN - T.LÊ

Để không có sự mai một và pha tạp trong nghề dệt thổ cẩm của người Xê Đăng, Hội LHPN huyện Nam Trà My đã tổ chức lớp mở đào tạo, truyền nghề dệt thổ cẩm tại xã Trà Cang. Lớp học thu hút 33 học viên tham gia, với đối tượng là phụ nữ Xê Đăng trong độ tuổi lao động, những người đã qua đào tạo nghề dệt thổ cẩm muốn nâng cao tay nghề, có nguyện vọng đăng ký học nghề. Cô giáo truyền nghề của lớp học không ai khác là chị Trần Thị Kim Hoa - một phụ nữ Xê Đăng, nghệ nhân có thâm niên trong nghề đã mấy chục năm nay. Với sự am hiểu về nghề dệt từ khi còn là thiếu nữ và hơn hết là sự am hiểu về tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ trong xã, chị Kim Hoa tận tụy truyền nghề lại cho các chị em trong làng. Nhờ thế, các thiếu nữ Xê Đăng ngày nay đã đam mê, yêu nghề dệt truyền thống mà cha ông gìn giữ từ bao đời nay. Chị Kim Hoa rất vui mừng vì các học viên trẻ đều hăng say học hỏi và tự tay làm ra sản phẩm từ công đoạn dệt cho đến may vá để mặc vào những ngày lễ hội truyền thống của đồng bào.

Những ngày đầu mở lớp còn gặp rất nhiều khó khăn. Các học viên đến học còn rất bỡ ngỡ và lúng túng trước các kỹ thuật đan dệt. Hơn nữa, để dệt nên một tấm dồ, tấm thổ cẩm đẹp, có hoa văn tinh xảo, đòi hỏi bàn tay phải khéo léo và sự bền bỉ, đam mê. Bên cạnh đó, nhận thức của các học viên trẻ tuổi về bảo tồn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa thổ cẩm của người Xê Đăng chưa cao nên chị Kim Hoa phải lặn lội đến từng nhà các học viên để tuyên truyền, vận động, khơi dậy niềm tự hào và lòng yêu nghề truyền thống. Chị Kim Hoa tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã theo mẹ học nghề dệt thổ cẩm này. Khi được chính quyền địa phương quan tâm mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, tôi đã đứng dạy 6 lớp, vận động chị em phụ nữ trong xã tham gia lớp học. Đến nay, hầu hết chị em sau khi tham gia lớp học đã tự dệt ra sản phẩm riêng cho bản thân mình, từ đó tạo nên một sắc phục dân tộc đặc sắc riêng ở huyện Nam Trà My”.

Không phụ công sức, tấm lòng của chị Kim Hoa - một người con Xê Đăng,  các học viên chăm chỉ học tập, bây giờ làm thành thạo các công đoạn để tạo ra một tấm thổ cẩm mang đậm bản sắc văn hóa người Xơ Đăng. Từng nét hoa văn, họa tiết mà các học viên gửi vào tấm dồ, tấm thổ cẩm nói lên sự khéo léo, sáng tạo của người miền núi. Lớp học đã  đào tạo truyền nghề dệt thổ cẩm và  tạo việc làm, góp phần cải thiện thu nhập cho các học viên, từng bước xóa đói giảm nghèo; tạo ra sản phẩm văn hóa của địa phương, nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa và không để mai một làng nghề truyền thống. Đặc biệt, lớp học đã góp phân đào tạo nguồn nhân lực cho ngành tiểu thủ công nghiệp, có lực lượng trình độ kỹ thuật và tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp nông thôn. Chị Phạm Thị Thùy Dương - học viên lớp học tâm sự: “Tôi rất vui khi được làm thành viên của lớp học nghề dệt thổ cẩm này, từ nay tôi biết thêm một cái nghề mới và tranh thủ làm trong những lúc rảnh rỗi”.

Gìn giữ, bảo tồn các làng nghề, không chỉ lưu giữ được những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống mà còn mang lại nguồn lợi kinh tế thiết thực. Và mỗi khi có lễ hội cúng máng nước, ăn trâu huê... người Xê Đăng ở Nam Trà My lại khoác lên mình những trang phục truyền thống như váy, khố, tấm dồ để dự lễ, vui chơi, tạo nên những sắc màu tươi mới với những hoa văn, họa tiết riêng biệt...

PHƯƠNG THUẬN- TRUNG LÊ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ nghề dệt thổ cẩm Xê Đăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO