Nằm nép mình bên dòng sông Ly Ly, từ lâu, làng An Lạc thuộc xã Duy Thành (Duy Xuyên) đã nổi tiếng với nghề làm bánh in đậu xanh. Là chủ cơ sở lớn nhất nơi đây, ông Huỳnh Tấn Ánh cho biết, nghề này có từ rất xưa theo kiểu cha truyền con nối. Hiện tại, ngoài 4 thành viên trong gia đình, ông Ánh còn thuê thêm 4 lao động về cán bánh, lăn bánh, bình quân mỗi người có mức thu nhập 150 nghìn đồng/ngày. “Hằng năm, từ giữa tháng 10 âm lịch đến ngày cận Tết, cơ sở của tôi sản xuất gần 30 tấn bánh in đậu xanh và các loại kẹo, đạt tổng doanh thu 850-900 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, tôi lãi ròng gần 200 triệu đồng” - ông Ánh hồ hởi. Không riêng gì ông Ánh, hàng chục hộ dân khác ở xã Duy Thành cũng có nguồn thu nhập khá từ việc sản xuất bánh in đậu xanh. Bên chén trà nóng hổi và mẻ bánh vừa mới ra lò, ông Lê Văn Điện ở thôn Thi Thại chia sẻ: “Tranh thủ lúc nông nhàn, tôi làm thêm bánh bán, bình quân một tháng kiếm hơn 4 triệu đồng mà lại giữ được cái nghề truyền thống”.
Theo nhiều người dân trong nghề, việc làm bánh in không khó song để có một chiếc bánh thơm ngon phải hội đủ các nguyên tắc kỹ thuật như nhào bột, hấp, khuấy nước đường và đặc biệt là không bỏ các hóa chất khác. Nhờ vậy, trải qua nhiều thế hệ nhưng bánh in đậu xanh Duy Thành vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã đẹp đáp ứng thị hiếu khách hàng, người dân nơi đây mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, bước đầu mang hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, một số hộ đăng ký thương hiệu nên được khá nhiều người biết đến. Ông Huỳnh Quang Trung – chủ cơ sở sản xuất bánh in đậu xanh ở thôn An Lạc nói: “Trước đây tôi làm bằng thủ công nên sản lượng bánh thấp, việc đảm bảo hình thức mẫu mã lại có phần hạn chế dẫn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Còn bây giờ, ngoài việc đưa các mẫu mã mới vào sản xuất thì tôi còn đầu tư gần 100 triệu đồng để mua sắm máy sấy bánh bằng điện thay củi vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa tăng sản lượng lên gấp 3-4 lần so với trước”.
Ông Lê Trung Xuân – Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết, nghề làm bánh in đậu xanh ở địa phương nổi tiếng hơn 100 năm qua. Lúc xưa, chỉ có người dân thôn An Lạc bám víu với nghề này nhưng giờ đã lan tỏa ra các thôn khác. Theo số liệu thống kê mới nhất, xã Duy Thành hiện có không dưới 20 hộ sản xuất loại bánh này, tập trung chủ yếu tại các thôn An Lạc, Thi Thại, Vân Quật, tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động địa phương. Sản phẩm được tiêu thụ mạnh ở các vùng lân cận và một số tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Huế… Qua đó, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn và tiếp tục lưu giữ nghề gia truyền mà cha ông để lại. Ông Xuân nói: “Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nghề làm bánh in đậu xanh của Duy Thành tiếp tục phát triển. Và, cũng mong muốn các ngành cấp trên quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay để người dân mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư mua sắm máy móc hiện đại”.
Ở một xã thuần nông, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn thì cách lựa chọn nghề làm bánh in trong những lúc nông nhàn, đặc biệt là vào dịp tết đến xuân về nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập là một trong những hướng đi hiệu quả.
HOÀI NHI