Giữ nghệ thuật tạo hình Cơ Tu

XUÂN HIỀN 18/08/2014 08:59

Cuối tuần qua, tại Tam Kỳ, Sở VH-TT&DL phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức hội thảo “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật tạo hình của dân tộc Cơ Tu”. Hội thảo đã nhận được nhiều đề xuất, giải pháp, định hướng bảo tồn từ các nhà nghiên cứu.

Dù điêu khắc hay vẽ, nghệ thuật tạo hình truyền thống của đồng bào Cơ Tu luôn thể hiện những nét mộc mạc, màu sắc đơn giản.  Ảnh: XUÂN HIỀN
Dù điêu khắc hay vẽ, nghệ thuật tạo hình truyền thống của đồng bào Cơ Tu luôn thể hiện những nét mộc mạc, màu sắc đơn giản. Ảnh: XUÂN HIỀN

Nguy cơ mai một

Theo TS. Trần Tấn Vịnh: kiến trúc nhà cửa, trong đó đáng kể nhất là gươl, phù điêu, nhà mồ… là sáng tạo văn hóa vật chất quan trọng của đồng bào Cơ Tu, liên quan chặt chẽ đến không gian sinh tồn của cộng đồng. Làm thế nào để giữ gìn di sản kiến trúc, nghệ thuật tạo hình của đồng bào Cơ Tu là yêu cầu bức thiết hiện nay, bởi cuộc sống đang tạo rất nhiều áp lực lên những giá trị văn hóa truyền thống. “Hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có Tây Giang xây dựng được Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu, giữ gìn gần như nguyên vẹn kiến trúc, nghệ thuật tạo hình của đồng bào. Vấn đề là phải làm sao để đồng bào hiểu được tầm quan trọng, giá trị của chính những tác phẩm do bàn tay cha ông mình tạo dựng” - ông Vịnh nói.

Các địa phương như Trà My, Phước Sơn, vẫn chưa có một hình mẫu về nhà làng truyền thống, bởi gần như những nhà sinh hoạt cộng đồng tại đây đều được dựng bằng bê tông, mái lợp tôn theo kiểu mái bằng của dân tộc Thái. Dọc cung đường từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My, bên cạnh những ngôi nhà xây kiên cố theo Chương trình 167 là những ngôi nhà mái lá nền đất đồng bào dựng lên để ở. Chính vì vậy, việc nhiều nhà làng xây lên hoặc dựng theo kiểu mới phá vỡ truyền thống dẫn đến bị bỏ hoang cũng là điều dễ hiểu.

Trong số những nguyên nhân dẫn đến việc bỏ hoang nhà làng, một phần vì các giá trị nghệ thuật tạo hình truyền thống đã không được đưa vào. Như trước đây, ở các gươl truyền thống của đồng bào Cơ Tu thường thấy hình ảnh con trâu trong nghệ thuật tạo hình với những nét vẽ mộc mạc, màu sắc đơn giản, thể hiện trên vách ván bên cạnh những con vật quen thuộc của núi rừng. Hình đầu trâu còn được các nghệ nhân Cơ Tu điêu khắc trên tấm ván bao quanh nhà, có thể nằm ở hai đầu hồi hoặc ở mặt tiền gươl. Những đầu trâu này ngoài chức năng trang trí còn có ý nghĩa về mặt tâm linh, gửi gắm những ước vọng về một cuộc sống no đủ của dân làng... Tuy nhiên, hình ảnh này dần bị thay thế hoặc được vẽ, khắc họa không tuân theo những giá trị truyền thống.

Nguy cơ mai một của nghệ thuật tạo hình truyền thống Cơ Tu, ngoài những nguyên nhân như áp lực phát triển kinh tế, quy hoạch không gian sinh tồn, thiếu vật liệu từ tự nhiên…, còn bởi sự tiếp biến văn hóa, tiếp thu không có chọn lọc từ số đông đồng bào. Điều này gây nên biến dạng trong việc bảo tồn nghệ thuật tạo hình của đồng bào Cơ Tu.

Tìm hướng bảo tồn

Tham gia hội thảo, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, giá trị nghệ thuật kiến trúc và tạo hình Cơ Tu ở Quảng Nam khá độc đáo, đa dạng với gươl, nhà mồ, phù điêu… Và, các đại biểu cũng có cùng nỗi lo các giá trị này đang đối diện với nguy cơ biến dạng, mai một. Ông Tôn Thất Hướng (cán bộ công tác tại Sở VH-TT&DL) chia sẻ, để bảo tồn, cần xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với tập tục cũng như truyền thống của đồng bào; bên cạnh đó, cần có cơ chế tài chính hợp lý để phục dựng và hỗ trợ nghệ nhân. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người có nhiều năm nghiên cứu các loại hình phù điêu, mỹ thuật cho rằng, việc bảo tồn hay phục dựng cần phải tôn trọng yếu tố gốc, hạn chế việc gây nên những biến đổi trong sản phẩm của nghệ thuật tạo hình truyền thống. Việc bảo tồn “tĩnh” - tức khoanh vùng trong phạm vi di sản, hoặc bảo tồn “động” - bảo tồn gắn với khai thác, quảng bá, phát triển… cũng đặt ra nhiều vấn đề trong việc gìn giữ, phát huy nghệ thuật tạo hình truyền thống này. Bảo tồn “tĩnh” sẽ giúp cho những sản phẩm văn hóa truyền thống ít bị tác động, tuy nhiên lại rất khó phát huy hết giá trị của nó. Trong khi bảo tồn “động” gắn với việc khai thác, quảng bá, phát triển… sẽ giúp nâng cao đời sống đồng bào, tạo điều kiện tốt hơn trong công cuộc bảo tồn di sản. Nhưng một khi đã đưa vào khai thác để “làm kinh tế” sẽ rất khó giữ yếu tố gốc cũng như tránh những tác động bên ngoài.

Cùng với các vấn đề nêu trên, theo nhiều nhà nghiên cứu, quan trọng hơn cả là phải giữ được các giá trị văn hóa tinh thần thể hiện trong mỗi nét điêu khắc, hình tượng trang trí... Theo TS. Trần Tấn Vịnh, cần sưu tầm các hệ thống tri thức bản địa liên quan đến quá trình xây dựng, từ việc khai thác nguyên liệu, đến việc dựng nhà, các khâu, công đoạn hoàn thành; đồng thời sưu tầm hệ thống hình tượng, họa tiết, tượng điêu khắc trang trí trên toàn bộ kiến trúc gươl… Bởi, dựa vào đó mới có thể hiểu và tạo cho các sản phẩm của nghệ thuật tạo hình truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn trong chính không gian sống của đồng bào. Có như thế nghệ thuật tạo hình truyền thống của đồng bào Cơ Tu mới thật sự mang đầy đủ ý nghĩa…

XUÂN HIỀN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ nghệ thuật tạo hình Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO