Trước tình trạng suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi hải sản ven bờ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa có buổi làm việc với Sở NN&PTNT tìm giải pháp xử lý.
Lực lượng kiểm ngư bắt giữ các tàu giã cào Quảng Ngãi khai thác trái phép trên vùng biển Quảng Nam.Ảnh: QUANG VIỆT |
Suy giảm bởi chính người hưởng lợi
Theo đánh giá của ngành thủy sản Quảng Nam, nguồn lợi hải sản trên các vùng biển của tỉnh ngày càng suy giảm nghiêm trọng, bởi tình trạng khai thác quá mức của ngư dân. Các kiểu khai thác tận diệt như dùng điện, cào kéo với mắt lưới quá nhỏ đã khiến cho nhiều loài hải sản quý bị tuyệt chủng vì cá non bị chết mà các loại cá lớn không thể duy trì nguồn sinh sản. Lực lượng thanh tra thủy sản đã nhiều lần phục bắt và xử phạt nhưng tình trạng trên vẫn không lắng xuống. Như trường hợp tàu cá QNa-01287 của ngư dân Võ Xuân Hưởng (Núi Thành), chỉ trong vòng 1 tháng đã bị bắt và xử phạt đến 2 lần bởi hành vi đánh bắt hải sản trái phép. “Tỉnh đã có định hướng phát triển thế mạnh khai thác hải sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá phù hợp. Vậy nhưng, kiểu đánh bắt “truyền thống” vẫn hiện diện do một bộ phận ngư dân chưa thể có phương tiện công suất lớn để chuyển đổi ngư trường từ tuyến bờ sang lộng hoặc xa bờ. Vì đời sống khó khăn, vì sinh nhai nên nhiều khi họ phải sản xuất trái phép trên biển” - ông Ngô Văn Định, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam nói.
Từ đầu năm đến nay, qua 9 đợt tuần tra, kiểm soát, lực lượng kiểm ngư của tỉnh đã bắt giữ, xử phạt 28 trường hợp khai thác hải sản trái phép với số tiền hàng trăm triệu đồng. Trong đó đáng lo nhất là “sự hủy diệt” của các tàu giã cào đôi và giã cào tốc hành của các địa phương khác xâm nhập đánh bắt. Để tránh sự chồng lấn quản lý vùng khai thác hải sản ở khu vực tiếp giáp, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp với 2 địa phương láng giềng là TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi ký kết ranh giới phân vùng quản lý khai thác hải sản cho mỗi địa phương. |
Trong khi đó, Sở NN&PTNT cho biết, lực lượng thanh tra thủy sản của tỉnh hiện có 7 biên chế nhưng chỉ 4 thành viên túc trực trên tàu kiểm ngư có công suất 385CV và 1 ca nô có công suất máy 85CV kèm theo để tuần tra, xử lý sai phạm trong nghề cá của tỉnh. Lực lượng ít, phương tiện không đủ, Quảng Nam lại có đến 2 cửa biển (Cửa Đại, TP.Hội An và An Hòa, Núi Thành) nằm cách nhau quá xa nên khó xử lý kịp thời nhiều tình huống. “Từ Núi Thành đến Hội An hay ngược lại phải mất ít nhất 5 tiếng đồng hồ nên có khi chúng tôi điều tàu đến thì đối tượng đã tẩu thoát rồi. Tỉnh cũng mới chỉ cho phép chúng tôi thực hiện 10 chuyến tuần tra, kiểm soát trong 1 năm nên nhiều khi không bao quát được hết nạn hủy diệt hải sản ven bờ” - ông Nguyễn Văn Khánh, cán bộ thanh tra Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết.
Hiện tại có nhiều khung xử phạt các trường hợp tận diệt nguồn lợi hải sản ven bờ. Áp dụng mức xử phạt như thế nào vẫn đang là trăn trở của lực lượng chức năng, vì dù sao cũng trực tiếp liên quan đến đời sống của ngư dân trong tỉnh. Có nhiều ngư dân không thể nào huy động được vài triệu đồng để nộp phạt nên đành để lực lượng chức năng giam giữ tàu cá trong nhiều tháng. Do đó, vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm, cũng là trăn trở trong quản lý nghề cá của tỉnh là làm sao hỗ trợ thiết thực, giúp ngư dân chuyển nghề để sinh kế phù hợp hơn.
Cần thêm nhiều cơ chế, chính sách
Khai thác hải sản là thế mạnh của Quảng Nam, nhưng các trường hợp đánh bắt trái phép với quy mô và cường độ lớn vẫn diễn ra là điều rất đáng tiếc. Nhiều lần khi bị bắt giữ, các cặp tàu hành nghề giã cào đôi có tổng công suất lên đến 1.000CV có hành vi chống trả, đe dọa, manh động với lực lượng kiểm ngư. Quảng Nam đã có quy định không cấp phép thêm cho các tàu cá hành nghề lưới kéo nhưng sản xuất trá hình với nghề này vẫn… đều đặn diễn ra. Ngành chức năng cho rằng, lúc làm đăng ký, đăng kiểm cho tàu cá, ngư dân mượn ngư lưới cụ và khai báo là hoạt động bằng nghề khác; nhưng sau khi được cấp phép thì họ bám biển bằng nghề lưới kéo. Lực lượng mỏng không thể luôn hiện diện trên chiều dài vùng biển ven bờ để tuần tra, kiểm soát. Trước đây cũng đã huy động được đông đảo ngư dân ở các xã Duy Hải (Duy Xuyên), Bình Hải (Thăng Bình) và Tam Tiến (Núi Thành) xây dựng mô hình quản lý nghề cá ven bờ nhưng hoạt động được chăng hay chớ rồi… xóa sổ. Rõ ràng, Quảng Nam đang thiếu những giải pháp thiết thực về cơ chế, chính sách để tăng cường quản lý và hỗ trợ ngư dân, nhằm giải quyết nạn hủy diệt nguồn lợi hải sản.
Để phần nào giải quyết tình trạng trên, ông Ngô Văn Định cho biết: “Chúng tôi đang có kế hoạch triển khai các phương án như mật phục, ngụy trang để khống chế các đội tàu khai thác hải sản trái phép ở khu vực ven bờ. Đối với hành vi chống đối, chúng tôi sẽ áp dụng mức phạt cao nhất để răn đe. Công tác tuyên truyền cũng sẽ được triển khai sát sườn hơn, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong ngư dân”. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để bảo vệ nguồn lợi hải sản, song hành với đẩy mạnh tuyên truyền trong ngư dân, nên xem xét để có giải pháp đồng bộ, hài hòa giữa khai thác và bảo vệ hải sản. Khi huy động ngư dân trực tiếp tham gia bảo vệ nguồn lợi thì phải giúp họ ổn định sinh kế hơn bằng thụ hưởng một phần nguồn lợi đó. Khi ngư dân tương đối ổn định về kinh tế và có được các kiến thức cơ bản về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì nạn tận diệt sẽ ngày một giảm đi. Vậy nên có cách thức để hỗ trợ họ chuyển đổi nghề, ngư trường là cấp thiết. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh nên quan tâm hơn, thể hiện sự sát cánh với lực lượng thanh tra thủy sản.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, muốn chấn chỉnh nạn khai thác hải sản ven bờ, công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi của ngành thủy sản phải đi vào thực chất. Lực lượng kiểm ngư cần hoàn thiện lại cơ cấu hoạt động, cả nhân lực lẫn phương tiện, xử lý mạnh tay các trường hợp tận diệt thủy sản. Ngành thủy sản phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, đặc biệt là các địa phương có nghề cá để có những giải pháp sát với thực tiễn. Sở NN&PTNT cần nghiên cứu, tham mưu tỉnh có cơ chế, chính sách phù hợp, giúp ngư dân chuyển đổi nghề, chuyển đổi ngư trường sản xuất hợp lý hơn trong thời gian đến.
NGUYỄN QUANG VIỆT