Bao bọc bởi hai con sông Thu Bồn và Lai Nghi, làng gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà, TP.Hội An) “chảy” qua trầm mặc của thời gian và lưu giữ những giá trị tinh hoa từ thuở mở ấp, lập làng.
Thợ gốm ở làng nghề hướng dẫn cách làm gốm. Ảnh: Q.TUẤN |
Lưu truyền chuyện làng
Qua năm tháng, các thế hệ người dân Thanh Hà vẫn truyền tai nhau về 3 giai thoại tổ nghề khai sinh làng gốm của mình. Nhiều người dân cho rằng 8 vị thủy tổ của 8 tộc tiền hiền là ông tổ của nghề gốm, có giai thoại lại nói ông Nguyễn Huấn – một người chăn trâu trong làng, chuyên lấy đất sét trên ruộng nặn thành chim rồi đốt bằng rơm sau đó đem thổi (con tò he ngày nay). Rồi có cả tích về hai chị em tên Phước và Tích đã dạy cho người làng Thanh Hà làm gốm. sau đó bà Tích ra bắc lập làng gốm mới, còn bà Phước ở lại gây dựng nên làng. Ba giai thoại hư hư thực thực nhưng là chứng tích cho thuở khai sinh lập làng, miệt mài lao động, kết tinh sáng tạo mới có được làng gốm Thanh Hà tồn tại và vang bóng mấy trăm năm qua.
Đều đặn hàng năm, cứ vào mùng 10 tháng Giêng và mùng 10 tháng Bảy âm lịch, người dân trong làng lại chung tay tổ chức lễ tế tổ nghề gốm tại khu miếu nghề Nam Diêu. Hoạt động này vẫn được các thế hệ đi trước duy trì, bảo tồn cho dù trong những năm tháng khốn khó nhất vào khoảng nửa cuối thế kỷ 20 tưởng như “ngọn lửa nghề” đã ở bờ vực tàn lụi. Đến bây giờ, đây đã là một nét đẹp thu hút đông đảo khách du lịch tham quan, khám phá. Theo các cụ cao niên, trong lễ tế xuân ngày mùng 10 tháng Giêng, có tục tống Long Chu, đưa ra sông Thu Bồn để cầu an, cầu những điều tốt đẹp cho cộng đồng và tống tiễn những điềm xấu. Còn vào mùng 10 tháng Bảy, diễn ra nghi thức rước kiệu thỉnh từ miếu ấp Thanh Chiếm – Thanh Hà và các hoạt động vui chơi sôi nổi chủ yếu liên quan đến gốm như: chuốt gốm, thi nấu cơm, nặn con thổi…
Theo nhiều chuyên gia, nghệ nhân, để một người thợ trẻ trở nên lành nghề cần ít nhất 5 năm trau chuốt, miệt mài với gốm. Vì vậy, đội ngũ những nghệ nhân cao tuổi đã một đời gắn bó với nghề thực sự là tài sản quý giá để làng Thanh Hà tìm cách khai thác, học hỏi những kỹ năng điêu luyện từ họ. Hiện ở làng còn hơn chục cụ cao niên am tường việc chuốt gốm, làm đất, đốt lò, làm ngói âm dương. Ông Nguyễn Văn An – Chủ tịch UBND phường Thanh An chia sẻ: “Vài năm gần đây chính quyền địa phương đã tích cực tổ chức để các cụ truyền lại nghề gốm cho thế hệ trẻ. Điều đáng mừng là tất cả nghệ nhân lớn tuổi đều tâm huyết, sẵn sàng truyền đạt mọi kỹ năng, kiến thức, những mong làng gốm tiếp tục “đỏ lửa” đến mai sau”. Được biết, ngoài “truyền lửa” nghề gốm, các cụ trong tộc Lê từng tham gia đội hát bội của làng trước năm 1975 đã chung tay phục hồi các trích đoạn tuồng để đưa vào lễ tế tổ và hướng dẫn lại cho lớp thiếu niên có đam mê.
Độc đáo những di tích
Bên cạnh các giá trị phi vật thể, tại làng gốm Thanh Hà vẫn còn quần thể di tích độc đáo gồm: đình, bia đá, giếng, phế tích lò gạch… Đình làng Xuân Mỹ (xây dựng cuối thế kỷ 18), miếu Tổ nghề (xây dựng năm 1866), miếu Âm linh (xây dựng 1868)… được xem là hồn cốt của làng gốm Thanh Hà ngày nay. Tuy không có niên đại lâu đời như hệ thống các nhà cổ trong phố cổ Hội An nhưng các nhà vườn, nhà ba gian với kết cấu truyền thống, lợp ngói âm dương từ chính làng nghề sản xuất, được xây dựng cách đây từ khoảng 50 đến 100 năm cũng là các di tích quý giá mà nơi này còn bảo tồn được. Theo ông Trương Hoàng Vinh – Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, ở làng Thanh Hà còn có di tích nhà ông Lê Bàn (di tích cấp tỉnh) được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 19. Đây là nhà ba gian - loại hình nhà ở nông thôn tiêu biểu thời kỳ đó.
Tài liệu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho thấy, hiện ở Thanh Hà còn 5 lò gốm truyền thống hình bầu đang sử dụng và một phế tích lò gốm. Ngoài ra, còn có khoảng 20 lò nung gốm mỹ nghệ, nung con thổi. Những di sản vật thể ở làng gốm Thanh Hà còn lưu giữ đến ngày nay đều có quy mô nhỏ nhưng lại phản ánh khá đầy đủ đời sống sinh hoạt, lao động của một làng quê đậm bản sắc ở ven đô Hội An hàng mấy trăm năm qua. Các quần thể di tích này được bảo tồn và là một điểm nhấn quan trọng trong việc vực dậy làng gốm Thanh Hà trong thời gian gần đây. Phát biểu tại lễ bế mạc Festival Gốm Thanh Hà 2018, ông Nguyễn Văn Lanh – Trưởng phòng VH-TT Hội An cho rằng: “Sản phẩm gốm Thanh Hà không chỉ được chuốt từ nước, lửa, đất mà có cả nước mắt, tâm hồn của các nghệ nhân”. Những giá trị vật thể lẫn phi vật thể ấy vẫn đang chậm rãi lưu giữ nét xưa của làng, đang từng ngày đưa Thanh Hà đến với bạn bè muôn phương.
QUỐC TUẤN