Những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng diễn ra sôi động. Để hạn chế gian lận thương mại, ngành chức năng triển khai các giải pháp giữ ổn định thị trường.
Ổn định cung cầu
Những ngày này, cơ sở Trịnh Thị Mỹ Phước (thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức) nhộn nhịp sản xuất kẹo đậu phụng dẻo. Chị Phước cho biết, theo đơn hàng đã ký với các đối tác, sắp tới phải cung ứng 700 chiếc kẹo các loại. Sau khi đầu tư nhà xưởng khang trang, cơ sở đã chú trọng cải tiến bao bì, nhãn mác, sản xuất sạch đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và từng bước truy xuất nguồn gốc với nguồn nguyên liệu tại chỗ (Hiệp Đức và Thăng Bình).
“Kẹo đậu phụng dẻo là sản phẩm OCOP 3 sao đã có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Do nhu cầu tăng cao, mùa trung thu này chúng tôi tăng quy mô sản xuất và lượng kẹo đậu phụng dẻo cung ứng ra thị trường sẽ ngày càng nhiều hơn bởi cuối năm, dịp tết là vụ chính của năm” - chị Phước nói.
Gần đây, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam kiểm tra 49/195 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, xử phạt 9 cửa hàng với số tiền 69,5 triệu đồng. Ngành chức năng niêm yết số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể tố giác khi phát hiện dấu hiệu, hành vi sai phạm kinh doanh xăng dầu. “Có tình trạng cửa hàng xăng dầu ngừng bán nhưng không phải đầu cơ chờ tăng giá bán để thu lợi bất chính mà do hết hàng cục bộ” - ông Đoàn Ngọc Sơn nói.
Ở TP.Hội An, dọc theo theo các tuyến phố chính như Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Trần Hưng Đạo, các cơ sở bán bánh đậu xanh rất thu hút khách hàng là du khách tham quan.
Chị Anna Delvy (quốc tịch Đức) cho biết, nghe bạn bè giới thiệu bánh đậu xanh Hội An, nay thưởng thức rất thích. Loại bánh truyền thống các bạn chế biến rất kỳ công, có hương vị đặc biệt và khác xa với các loại bánh công nghiệp đang được bày bán khá nhiều ở mùa trung thu này.
Các shop thời trang ở TP.Hội An sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19 đã mở cửa và rộn ràng đón khách trở lại mua sắm. Các mặt hàng túi xách, quần áo, dày giép bằng vải và da trông rất bắt mắt, cầu kỳ.
Chị Trần Nguyễn Hằng - chủ shop thời trang ở đường Cửa Đại nói: “Cơ sở kinh doanh của chúng tôi nhận nhiều hàng hóa của các cơ sở sản xuất ở Hội An - hàng hóa chất lượng không lẫn vào đâu được. Từ nay đến cuối năm do nhu cầu cao nên kỳ vọng lượng hàng hóa bán ra tăng cao so với cùng kỳ, doanh thu, lợi nhuận vì thế cũng sẽ tăng cao”.
Quan sát ở các chợ truyền thống, siêu thị, siêu thị mini ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình… nhận thấy sức mua sắm của người dân tăng cao do kinh tế đang hồi phục.
Ngoài các mặt hàng đang chuộng là bánh trung thu, đèn lồng, các loại trống còn có các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, nước uống…), hải sản, trái cây. Bên cạnh cơ sở bán hàng chính, không ít tiểu thương mở thêm cửa hàng khác để đón đầu khách, tăng lượng hàng hóa bán ra.
Kiểm soát thị trường
Theo Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, thường ở những thời điểm lễ, tết, hàng giả, hàng nhái; hoạt động buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa không rõ nguồn gốc nguy cơ sẽ diễn ra ở nhiều địa bàn, do đó cần nỗ lực hơn để kiểm soát hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng và lành mạnh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, trong tháng 8 đơn vị đã tiến hành 58 vụ kiểm tra, phát hiện, xử lý 20 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách 37 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm đơn vị tăng cường kiểm soát các mặt hàng xăng dầu; chấn chỉnh thương mại điện tử; kiểm tra, xử phạt không niêm yết giá bán hàng và bán hàng không theo giá niêm yết.
Đơn vị chỉ đạo các đội quản lý thị trường giám sát, xử lý vi phạm sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu nhằm hạn chế ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, nhất thiết không để tồn tại hành vi lợi dụng thị trường biến động để thu lời bất chính.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, các lực lượng công an, biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, thuế, quản lý thị trường cần đẩy mạnh thông tin truyền thông tạo chuyển biến nhận thức của các doanh nghiệp, cơ sở để sản xuất, kinh doanh hàng hóa lành mạnh, đồng thời ứng dụng khoa học, công nghệ mạnh mẽ hơn để quản lý, kiểm soát, đấu tranh hiệu quả hơn với các hành vi gian lận thương mại. Các ngành chức năng cần tập trung lực lượng, phương tiện xử lý mạnh tay các đối tượng chủ mưu, các đường dây, ổ nhóm phức tạp để răn đe.
“Cần kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường biển, đường bộ, đường hàng không, khu vực biên giới và chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân, ngăn chặn tình trạng tích trữ, đầu cơ, găm hàng, gây biến động cung cầu, giá cả hàng hóa” - ông Bửu nhấn mạnh.