Để tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ Đắk Mi, vào thời điểm Tết Kỷ Hợi, Ban quản lý, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Đắk Mi (Phước Sơn) tổ chức trực 24/24 giờ, tuần tra bảo vệ rừng thuộc lâm phận quản lý.
Ban quản lý, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Đắk Mi tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: THANH THẮNG |
Bám rừng ngày tết
Những ngày giáp tết, mọi người được nghỉ ngơi chuẩn bị đón cái tết đoàn viên cùng gia đình thì ở phía rừng các cán bộ kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Đăk Mi vẫn miệt mài tuần tra rừng. Theo các cán bộ kiểm lâm, những năm trước đây, lâm tặc thường lợi dụng lòng hồ thủy điện Đắk Mi để vận chuyển gỗ trái phép nên việc tuần tra kiểm soát trên lòng hồ cũng được lực lượng kiểm lâm chú trọng. Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019, các cán bộ kiểm lâm tuần tra trên lòng hồ thủy điện Đắk Mi, bằng ghe máy họ di chuyển dọc theo lòng hồ và phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới đến được điểm chốt chặn bảo vệ rừng.
Ông Huỳnh Đức Vũ - cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Đắk Mi cho biết, khi tuần tra trên lòng hồ lực lượng kiểm lâm phải huy động toàn bộ thiết bị và nghiệp vụ mới hoàn thành nhiệm vụ. “Lực lượng kiểm lâm thường gặp nhiều khó khăn bởi mặt nước tiếp giáp với rừng, lâm tặc có thể lợi dụng địa hình phức tạp để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Khi thấy lực lượng chức năng, lâm tặc liền thả gỗ xuống lòng hồ để tẩu tán tang vật. Một số khu vực trên địa bàn còn phức tạp và chưa được tuần tra thường xuyên nên vẫn còn những hạn chế tồn tại” - ông Vũ nói.
Lực lượng kiểm lâm tuyên truyền cách nhận biết cây dược liệu cho cộng đồng bảo vệ rừng. |
Ngoài lực lượng kiểm lâm, nhiều năm nay, các lực lượng bảo vệ rừng cộng đồng ở lâm phận rừng phòng hộ Đắk Mi vẫn thường xuyên đi tuần tra bảo vệ rừng. Dịp tết này, anh Hồ Văn Phi (thôn 3, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn) vẫn cùng hơn 11 hộ dân khác chia nhau thành từng nhóm tuần tra, bảo vệ cánh rừng phòng hộ Đắk Mi (thuộc xã Phước Kim). Ông Phi cho hay, mỗi tuần nhóm bảo vệ rừng sẽ đi tuần tra rừng một lần. Nếu phát hiện lâm tặc xâm phạm đến rừng của cộng đồng thì báo về cho chính quyền để xử lý.
Bảo vệ vùng dược liệu
Năm 2018, huyện Phước Sơn phát hiện vùng ba kích tím tự nhiên hơn 50ha trong lâm phận rừng phòng hộ Đắk Mi và giao cho ban Ban quản lý và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Đăk Mi quản lý, bảo tồn. Quần thể ba kích tím này nằm cách hồ thủy điện khá xa và được đánh giá cao về giá trị dược liệu. Nếu có phương án bảo tồn, nhân giống hiệu quả sẽ là hướng đi mới đối với ngành dược liệu Phước Sơn; đồng thời sẽ góp phần giảm nghèo cho đồng bào miền núi. Để giữ rừng ba kích tím mới phát hiện, lực lượng kiểm lâm đã lập tổ chốt chặn lòng hồ thủy điện Đăk Mi và bố trí nhiều cán bộ trực 24/24 giờ không để xảy ra phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép, phá hoại vùng dược liệu. Khu vực chốt chặn được xây dựng chu đáo bao gồm khu nhà ở, nơi làm việc, khu nhà ăn để thuận tiện cho cán bộ, nhân viên kiểm lâm “ăn ngủ” cùng rừng.
Ông Nguyễn Văn Tình - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Đăk Mi cho biết, hiện nay Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam đã trồng được 7,5ha cây sa nhân tím dưới tán rừng và giao cho đơn vị quản lý. Cùng với hơn 50ha cây ba kích tím tự nhiên mới phát hiện nếu được bảo tồn tốt sẽ góp phần nhân giống rộng rãi giúp người dân phát triển kinh tế. Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Đăk Mi đã triển khai nhiều kế hoạch ngăn chặn nạn phá rừng trái phép, lập chốt quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ vùng dược liệu trong lâm phận rừng phòng hộ Đắk Mi. “Trong năm nay, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng và phát triển cây dược liệu như cây sa nhân tím và cây ba kích tím để hỗ trợ cho người dân phát triển dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người dân vào bảo vệ tận gốc. Chúng tôi đã xác định được vùng cây dược liệu gốc và nhân rộng cây ba kích tím, sa nhân tím trên địa bàn cung cấp cho các hộ nhận khoán. Thời gian tới, thực hiện chủ trương của UBND huyện Phước Sơn, chúng tôi sẽ triển khai công tác bảo tồn, nhân rộng cây dược liệu dưới tán rừng” - ông Tình nói.
THANH THẮNG