Dọc ven sông Trường Giang, đoạn qua làng Đông Xuân (xã Tam Giang, Núi Thành) còn gìn giữ được cánh rừng ngập mặn tuyệt đẹp. Ý thức bảo vệ rừng đã ăn sâu vào máu thịt của mỗi người dân địa phương.
Rừng ngập mặn là vành đai xanh bảo vệ, nuôi sống ngư dân làng Đông Xuân. Ảnh: T.H |
Thiêng liêng Rừng Miếu
Từ cảng cá An Hòa, men theo bờ sông chạy uốn lượn qua làng Đông Xuân (xã Tam Giang) là đến khu Rừng Miếu. Xóm làng, nhà cửa ở Đông Xuân san sát hướng ra sông và ngút ngàn màu xanh của rừng ngập mặn. Nhìn loài còng bò trên vũng bùn san sát mép sông, nghe tiếng chim lảnh lót, tôi lạc vào cánh rừng bất tận tự lúc nào không biết. Ông Huỳnh Thế Bửu, người dân làng Đông Xuân đưa tôi lội nước hơn một tiếng đồng hồ dưới tán Rừng Miếu sum sê. Ông nói, từ thời thơ ấu đã nghe tên gọi Rừng Miếu. Trong khu rừng rộng hàng chục héc ta này còn rải rác nhiều ngôi miếu thờ cũ - một hình ảnh thường thấy ở nhiều xóm làng của cư dân miền sông nước. Theo ông Bửu, sự định danh tên gọi Rừng Miếu còn hàm nghĩa nhắc nhở con người cần có thái độ bảo vệ rừng cây.
Hơn 15 năm trước, cù lao Tam Giang trải rộng, bao phủ bốn bề sông nước, được bảo vệ bởi vành đai rừng ngập mặn. Thế nhưng, phong trào nuôi tôm nước lợ phát triển tự phát, ồ ạt đã khiến người dân triệt hạ rừng cây không thương tiếc để mở rộng diện tích ao nuôi. “Lá chắn” sóng gió bỗng dưng bị cạo trọc. Sau vài ba vụ thu hoạch tôm lợi nhuận cao, người dân phải trả giá đắt cho hành động đối xử thô bạo với thiên nhiên. Xóm làng xác xơ, nhà cửa hoang tàn bởi vài trận cuồng phong quét qua. Không ít người trắng tay, đầm đìa nước mắt với con tôm. Nhận thức được những sai lầm từ các thôn kế cận, người dân Đông Xuân, đặc biệt những cụ cao tuổi đã tập hợp lại cùng nhau bảo vệ rừng, thành lập lực lượng canh giữ, tuyệt đối không cho bất kỳ ai đến chặt phá lấy củi, đốn hạ cây mở rộng đất nuôi tôm. “Gần 10 năm trước, một phong trào trồng cây gây rừng đã khởi xướng, phát động rộng rãi đến các tổ đoàn kết. Từ ngư dân đến các cậu học trò cũng đều ra quân lượm nhặt những trái bần, mắm, đước gieo lại ở những khoảnh đất trống. Dưới sông trồng cây phòng hộ, còn trên bờ trồng phi lao, keo lá tràm. Một số trường hợp chặt cây lấy củi đã đưa ra trước đám đông cảnh cáo rất nghiêm khắc” - ông Bửu nhớ lại.
Tuy ở nơi đầu sóng ngọn gió nhưng vào mùa bão tố, Đông Xuân ít bị thiệt hại so với các làng khác của xã Tam Giang như Đông An, Đông Mỹ, Thuận An, Đông Bình. Người dân nơi đây kể, cơn bão năm 2009 càn quét qua làng dữ dằn lắm. Nhiều đoạn kè cảng cá bằng bê tông cốt thép bị sóng đánh tan tành, sạt lở kéo dài hàng chục mét. Trong khi đó, làng Đông Xuân - nơi có rừng ngập mặn che chắn chẳng thiệt hại gì. Nhiều tàu đánh bắt xa bờ neo đậu ngoài sông bị sóng đánh trôi dạt hàng trăm mét, nhưng các phương tiện đánh bắt của người dân vào rừng trú bão thì an toàn. Còn ông Phạm Văn Nhì - Trưởng thôn Đông Xuân không giấu niềm vui: “Đi khắp sông Trường Giang hiếm hoi lắm mới còn thấy giữ lại rừng ngập mặn như Đông Xuân. Ngày trước, nếu người dân tôi đối xử tệ bạc với thiên nhiên thì không có “lá chắn sóng” tuyệt đẹp như hôm nay đâu”. Theo thống kê, toàn xã Tam Giang có gần 30ha rừng ngập mặn nằm rải rác các thôn. Trong đó, Rừng Miếu chiếm khoảng hơn 20ha, chủ yếu là các loại cây mắm quắn, mắm sừng, đước, bần, cóc… mọc tự nhiên và do dân trồng. Hơn 10 năm qua, trên địa bàn chưa hề xảy ra vụ phá rừng nào.
Sinh kế bền vững
Ở làng Đông Xuân có sự phân công lao động rạch ròi, thanh niên đi biển, phụ nữ, người già đánh lưới, mò cua, bắt ốc. Cả thôn có hơn 200 hộ thì có 2/3 hộ dân làm nghề sông. Cá tôm, cua ốc sông Trường Giang khu vực Tam Giang khá phong phú. Hầu hết người dân có cuộc sống ổn định từ nghề thả lưới, lồng, soi… Bà Ngô Thị Hà thả lưới ven rừng ngập mặn bộc bạch: “Suốt mấy chục năm ni gia đình tôi sống nhờ con cua, con cá. Mỗi đêm, gia đình thả lưới kiếm hơn 100 nghìn đồng, có đêm “trúng mánh” thu nhập 400 - 500 nghìn đồng. Làng ni hơn 100 ngư dân bám sông. Thấy cua, cá ở Đông Xuân sản sinh nhiều, các vùng khác cũng đến đây khai thác”. Theo bà Hà, vì nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn, lá cây khi phân hủy sẽ tạo ra nguồn thức ăn dồi dào cho các loài thủy sinh, làm giàu nguồn lợi thủy sản tại địa phương nên người dân ra sức bảo vệ rừng. Chính ngư dân là lực lượng canh giữ rừng chủ chốt trước sự phá hoại của lâm tặc.
Ông Nguyễn Văn Lúc - cán bộ phụ trách thủy sản xã Tam Giang cho biết, những cánh rừng ngập mặn ngoài chức năng chắn sóng gió, bảo vệ làng mạc ít bị sạt lở đất còn giúp cá, tôm sinh sản nhiều, nuôi sống lại người dân. “Rất nhiều loại cua, ốc mà chỉ ở rừng ngập mặn Đông Xuân mới có được. Mỗi đêm, người dân có thể khai thác hơn 10 triệu đồng. Năm năm trở lại đây, cứ mỗi lúc nước rút, những bãi bồi trên sông còn sản sinh nhiều vô kể loài ốc đanh, người dân khai thác bán xuất khẩu. Việc bảo vệ rừng là cách giúp ngư dân đảm bảo sinh kế lâu dài” - ông Lúc khẳng định.
Đầu năm 2012, trường Đại học Nông lâm Huế đã về đây khảo sát, nghiên cứu phục hồi lại rừng. Theo đó, hỗ trợ địa phương ra mắt Câu lạc bộ bảo tồn rừng ngập mặn Đông Xuân. Tín hiệu vui nữa, năm ngoái, UBND tỉnh đã phê duyệt hơn 3,2 tỷ đồng cho dự án phục hồi gần 61ha rừng ngập mặn đang triển khai tại hai xã Tam Hòa và Tam Giang trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính quyền huyện Núi Thành, xã Tam Giang đang triển khai, xúc tiến những hạng mục cần thiết của chương trình.
BÍCH HẠNH