Giữ rừng ở Vườn quốc gia Sông Thanh

TẤN SỸ 25/02/2022 07:31

Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, nhất là đoàn viên thanh niên và các già làng... là cách mà Vườn quốc gia Sông Thanh triển khai trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

Già làng Hiên Giăng đang tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Ảnh: TẤN SỸ
Già làng Hiên Giăng đang tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Ảnh: TẤN SỸ

Tuổi trẻ tiên phong

Đắc Pring là xã khó khăn của huyện Nam Giang, gần 1.300 đồng bào Ve, Tà Riềng sinh sống chủ yếu dựa vào rừng. Khi được Vườn quốc gia Sông Thanh phát động trồng cây và xây dựng các mô hình sinh kế, người dân nhiệt tình hưởng ứng. Người dân thường xuyên tập trung tại xã để cùng với các lực lượng chức năng tham gia trồng cây gây rừng.

Anh Bùi Thế Anh - Bí thư Huyện đoàn Nam Giang cho biết, năm 2022 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) toàn huyện sẽ trồng 5.000 cây xanh. Riêng tại xã Đắc Pring, hơn 300 ĐVTN tham gia trồng 1.200 cây lim xanh tại 4 thôn. Không chỉ phối hợp trồng cây, ĐVTN Nam Giang cũng tham gia tích cực trong công tác bảo vệ rừng.

“Hơn 90% lực lượng giữ rừng chuyên trách ở Vườn quốc gia Sông Thanh đều nằm trong tuổi đoàn. Chúng tôi thường xuyên quán triệt tư tưởng ĐVTN để nâng cao ý thức trong công tác giữ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn quốc gia” - anh Bùi Thế Anh nói.

Trồng cây tại xã Đắc Pring, Nam Giang. Ảnh: Tấn Sỹ
Trồng cây tại xã Đắc Pring, Nam Giang. Ảnh: Tấn Sỹ

Theo ông Hiên Nhơm - Chủ tịch UBND xã Đắc Pring, mỗi năm xã vận động người dân trồng từ 500 đến 1.000 cây gõ, giổi các loại. Năm nay, có sự tham gia của lực lượng ĐVTN nên người dân rất phấn khởi.

“Việc trồng cây gỗ lâu năm, rồi trồng dược liệu dưới tán rừng đã tạo điều kiện cho người dân có thêm nguồn thu nhập. Thời gian đến, xã cũng đề xuất Vườn quốc gia Sông Thanh quan tâm hỗ trợ thêm giống cây dược liệu, hay triển khai mô hình chăn nuôi, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Một khi người dân có thu nhập từ rừng, họ sẽ tham gia trồng và giữ rừng tốt hơn” - ông Hiên Nhơm chia sẻ.

Ông Phạm Hữu Nghĩa - Chủ tịch Công đoàn Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết, ngoài tổ chức tại xã Đắc Pring, đơn vị đồng loạt triển khai tại 12 xã của huyện Nam Giang và Phước Sơn.

Dự kiến sẽ có 30ha rừng được trồng trong đợt này. Ngoài mục đích phục hồi diện tích rừng bị suy thoái, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, việc trồng rừng còn giúp người dân nâng cao nhận thức trong quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời lan tỏa phong trào trồng cây để lâu dài số diện tích rừng này sẽ phục vụ cho chính đời sống của người dân.

Người già gương mẫu

Chúng tôi tìm đến thôn 49 (xã Đắc Pring) đúng lúc già làng Hiên Giăng đang cùng với cán bộ Vườn quốc gia Sông Thanh đi tuyên truyền cho người dân về công tác bảo vệ rừng. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, cán bộ Vườn quốc gia Sông Thanh dùng tiếng Kinh, già Giăng phiên dịch qua tiếng Ve để tuyên truyền, vận động.

Những nội dung như: không phát rừng già làm nương rẫy, không chặt hạ cây gỗ làm nhà, không săn bắn, đặt bẫy động vật rừng trái phép trong lâm phận vườn quốc gia; rồi việc cung cấp thông tin về những đối tượng lạ mặt vào khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ… đều được cán bộ Vườn quốc gia Sông Thanh và già Giăng tuyên truyền cặn kẽ đến người dân. Cách tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” đã giúp người dân xã Đắc Pring hiểu và thay đổi nhận thức của mình.

“Trước kia, bà con dùng súng tự chế đi săn bắn thú rừng nhiều lắm, nhưng giờ đây được sự tuyên truyền của cán bộ, nên bà con tự giác nộp hết súng săn rồi. Mình già rồi, không đi rừng được nữa, thì đem tiếng nói, uy tín để vận động bà con. Mình nói rừng cũng giống như nhà, cây gỗ cũng giống như con, nên bà con phải biết giữ nhà, thương con, có như thế mới mang lại cuộc sống yên vui cho làng. Nói nhiều lần bà con cũng nghe và làm theo” - già Hiên Giăng nói.

Ông Đinh Văn Hồng - Phó Giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết, việc lấy vai trò của già làng, người có uy tín và phong tục tập quán tốt đẹp trong công tác giữ rừng để tuyên truyền vận động đã giúp người dân thay đổi dần quan niệm làm nhà phải khai thác gỗ quý hiếm, hay ngày tết phải có thịt thú rừng trong nhà.

“Ngoài nỗ lực của Vườn quốc gia Sông Thanh, ý thức giữ rừng của cộng đồng các dân tộc thiểu số Cơ Tu, Ve, Tà Riềng, Giẻ Triêng… được xem là yếu tố quan trọng để giữ cho những cánh rừng nơi đại ngàn mãi xanh. Và giữ cho các loài động vật quý hiếm có đất sinh trưởng, phát triển bền vững” - ông Hồng nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ rừng ở Vườn quốc gia Sông Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO