“Diện tích rộng lớn, địa hình hiểm trở, lực lượng kiểm lâm mỏng nên gặp nhiều thách thức trong quản lý, bảo vệ rừng…” là chuyện thường được nghe mỗi khi xảy ra vụ việc phá rừng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiểm tra thực tế hiện trường vụ phá rừng Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước). Ảnh: P. VINH |
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, số công chức bảo vệ rừng hiện nay thiếu 70 người so với định mức. Diện tích rừng lớn, có 142km đường biên giới với nước bạn Lào, địa hình hiểm trở nên tuyệt đối không để xảy ra phá rừng là điều rất khó.
Thiếu nhân lực!
Hơn 10 năm nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị “cứng rắn” về chính sách quản lý, bảo vệ rừng. Những cung đường, dòng sông gỗ lậu bây giờ ít xuất hiện, tạo thành “điểm nóng” như trước đây, nhưng lại xuất hiện kiểu tận diệt rừng tự nhiên bằng cách đốn hạ, rồi đốt cháy để chiếm đất trồng rừng. Điển hình nhất là vụ mất hơn 120ha rừng phòng hộ tại xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) từ năm 2010 đến nay. Đó là theo báo cáo của Sở NN&PTNT, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - Lê Trí Hiệu dẫn giải rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến phá rừng, trong đó có việc Hạt kiểm lâm Tiên Phước và Nam Quảng Nam sáp nhập, đóng tại huyện Phú Ninh nên việc kiểm soát rừng gặp khó. Trong khi đó, kiểm lâm địa bàn xã Tiên Lãnh chỉ có một người, không đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ rừng. Ông Võ Hồng Nhiệm - Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh thông tin, toàn xã có hơn 2.000ha rừng phòng hộ, giáp ranh với nhiều địa phương, trong khi chỉ có một kiểm lâm địa bàn phụ trách nhưng thay đổi nhân sự liên tục. Tiền chi trả giao khoán bảo vệ rừng mỗi héc ta là 200 nghìn đồng/năm nhưng chi trả chậm nên quản lý, bảo vệ rừng gặp khó…
Không đồng tình với các ý kiến trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Tấn Đức cho rằng, cấp xã, huyện nêu nguyên nhân diện tích rừng phòng hộ lớn, lực lượng kiểm lâm ít là không đúng. Ông nêu dẫn chứng, huyện Tiên Phước có hơn 4.000ha rừng phòng hộ, tập trung ở các xã Tiên Lãnh, Tiên An, Tiên Hiệp và Tiên Ngọc. Trong đó, xã Tiên Lãnh hơn 2.500ha. Khi Hạt kiểm lâm Tiên Phước sáp nhập về Hạt kiểm lâm Nam Quảng Nam thì bộ máy giữ nguyên. Tại huyện này có Trạm kiểm lâm với 6 cán bộ quản lý rừng, diện tích rừng như vậy là không lớn, số người nhiều chứ không phải ít.
Phá rừng không chỉ xảy ra ở vùng cao mà cả ở khu vực trung du, gần với đồng bằng. Đơn cử như tình trạng phá rừng phòng hộ Đông Tiển (thuộc xã Bình Trị, Thăng Bình) diễn ra năm này qua năm nọ. Mỗi lần tuần tra truy quét, các lực lượng giữ rừng của xã Bình Trị được hỗ trợ 50 nghìn đồng/người/ngày. Rừng phòng hộ đều có bố trí cán bộ kiểm lâm cấp huyện. Nhưng theo lãnh đạo UBND xã Bình Trị, cán bộ kiểm lâm đứng điểm rất ít có thời gian trực tiếp bảo vệ rừng, chỉ đến xã làm việc khoảng 1 - 2 lần/tuần. Có những trường hợp khi phát hiện vụ việc phá rừng, chính quyền gọi điện thoại báo Hạt Kiểm lâm huyện nhờ can thiệp, nhưng khi lực lượng kiểm lâm huyện xuống đến nơi thì lâm tặc đã “cao bay xa chạy”.
Giải pháp nào?
Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để xảy ra phá rừng thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam mà trực tiếp là Trạm Kiểm lâm quản lý địa bàn huyện Tiên Phước chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao. Chính quyền địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Ngành chức năng và chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng. “Riêng diện tích rừng bị phá, ngoài việc buộc các đối tượng vi phạm trồng lại rừng theo quy định, tham mưu xây dựng phương án trồng lại rừng phòng hộ theo quy hoạch. Đồng thời tham mưu chính quyền địa phương xây dựng phương án giao đất rừng sản xuất cho người dân để trồng rừng sản xuất vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa tăng diện tích rừng và độ che phủ của rừng” - ông Hưng nêu giải pháp. Về khắc phục hậu quả phá rừng Tiên Lãnh, ngành nông nghiệp đề xuất triển khai phương án giao rừng cho hộ và cộng đồng quản lý, gắn với việc cắm mốc ranh giới các loại rừng ngoài thực địa. Xây dựng đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dự án thủy điện Sông Tranh 3 cho những diện tích rừng nằm trong lưu vực để tăng cường nguồn kinh phí thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng. Tiếp tục rà soát những diện tích đất quy hoạch phòng hộ ít xung yếu để chuyển đổi tăng quỹ đất địa phương bố trí cho người dân sản xuất.
Cách quản lý, bảo vệ rừng lâu nay chủ yếu tuần tra tại các cánh rừng chủ yếu là tại mặt đất. Đội ngũ kiểm lâm khó kiểm soát được toàn bộ hiện trạng rừng trong thời gian ngắn. Lực lượng chức năng thường đi tuần tra để bảo vệ rừng, có khi rừng bị phá cả năm mới phát hiện. Nhiều nơi cho dù có tăng cường kiểm lâm nhưng rừng vẫn bị tàn phá. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhìn nhận: “Gần đây mình bảo vệ rừng bằng cách cấm người vào. Nhưng xu hướng mới mà nhiều nước từng áp dụng thành công là cho người ra vào tự do. Vấn đề là phải tuyên truyền để nâng tầm hiểu biết của người dân về bảo vệ rừng”. Lãnh đạo chính quyền tỉnh cho biết thêm, sẽ đề xuất sử dụng hệ thống phần mềm cập nhật ảnh vệ tinh mua của nước ngoài, hệ thống này sẽ cung cấp chi tiết trạng thái rừng trên địa bàn tỉnh mỗi tuần một lần. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, kiểm lâm sẽ kịp thời xử lý. Thay vì kiểm soát dưới đất, kiểm lâm sẽ giám sát địa bàn rừng từ trên cao bằng ảnh vệ tinh. Các nhóm bảo vệ rừng sẽ được trang bị iPad để theo dõi.
TRẦN HỮU