Giữ sạch môi trường

TRẦN HỮU 20/09/2016 09:03

Trong chuỗi hoạt động hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm nay, Bộ TN&MT đã cảnh báo về thực trạng ô nhiễm khí đốt ngoài trời, đồng thời đưa ra hành động cụ thể để giữ môi trường.

Nguy cơ ô nhiễm

Hoạt động đốt ngoài trời các phế phẩm nông nghiệp, đốt tại các bãi rác ngoài trời, đốt chất thải sinh hoạt và từ các làng nghề truyền thống, các cụm công nghiệp (CCN), khu công nghiệp (KCN) gây hậu quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó những nỗ lực khắc phục ô nhiễm môi trường dường như mới dừng lại ở khâu chống chế, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, chất thải nguy hại. Đến nay, toàn tỉnh có 6 KCN và 51 CCN đi vào hoạt động cùng với nhiều cơ sở phân tán, thì lượng khí thải ra môi trường không khí khá lớn. Hầu hết cơ sở sản xuất đều sử dụng lò hơi để cung cấp nhiệt cho quá trình sản xuất nên lượng thải này là tương đối lớn, hay các nhà máy sản xuất đặc trưng có ống khói lớn như nhà máy sản xuất xi măng (Thành Mỹ - Nam Giang), nhà máy sản xuất kính nổi (KCN Bắc Chu Lai) và các nhà máy sản xuất gạch tuynel phát thải một lượng khí thải lớn, trong đó chủ yếu là khí CO2. Với nguồn thải này thì tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu là khí CO, muội khói, NOx, SOx, mùi đặc trưng của loại hình sản xuất. Dễ nhận thấy là làng nghề như gốm, đúc đồng... làm phát sinh một lượng khí thải từ quá trình đốt nhiên liệu, dễ gây ô nhiễm môi trường không khí.

Ra quân dọn vệ sinh trên đường Bạch Đằng (TP.Tam Kỳ) hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”  năm 2016. Ảnh: T.H
Ra quân dọn vệ sinh trên đường Bạch Đằng (TP.Tam Kỳ) hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2016. Ảnh: T.H

Ông  Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cảnh báo, ảnh hưởng của đốt ngoài trời tới môi trường và sức khỏe cộng đồng là rất lớn nên đã đến lúc phải tuyên truyền sâu rộng cho các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng, nhất là cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, trong khuôn khổ hoạt động hưởng ứng chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”, thông qua buổi tập huấn, các cán bộ làm công tác môi trường, chăm sóc sức khỏe cho người dân sẽ cung cấp các kỹ năng, thông tin cần thiết về rủi ro phát sinh từ các hoạt động đốt ngoài trời tới sức khỏe và môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn, các biện pháp, giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa lượng chất thải rắn đem đốt; vai trò của các cấp chính quyền trong quản lý, triển khai các hoạt động giảm thiểu đốt ngoài trời.

Hành động vì môi trường

Đường Bạch Đằng (TP.Tam Kỳ) trở nên sạch sẽ hơn sau khi tổ chức thu gom rác thải. Từ một “con đường đen” về ô nhiễm do tình trạng buôn bán vỉa hè, từ năm 2015 chính quyền thành phố đã cấm hoạt động kinh doanh ăn uống vỉa hè tại đây nên đã trả lại sự trong lành cho môi trường. Dưới bãi biển Tam Thanh, mỗi sáng sớm, có vài ba công nhân thường xuyên với công việc nhặt rác. Để tạo mỹ quan cho bãi biển, chính quyền cương quyết dẹp bỏ tình trạng buôn bán hàng rong, sắp xếp đưa người kinh doanh vào vị trí đã quy hoạch. Ngoài ra, trong 2 ngày cuối tuần, tại chợ Tam Kỳ và khu vực siêu thị CoopMart, chính quyền đã thông qua nhiều hoạt động để khuyến khích sử dụng sản phẩm sinh thái và thu hồi sản phẩm thải bỏ chứa hóa chất độc hại. Tại vùng cao Đông Giang, chiến dịch đã thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Hàng trăm cán bộ, đoàn viên thanh niên đã cổ động trực quan, bằng nhiều hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời đẩy mạnh phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, các hoạt động hưởng ứng tại chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm nay sẽ chọn ra một “điểm nóng” về rác thải đô thị trên địa bàn để tổ chức thu gom, làm sạch. Mỗi cá nhân, tổ chức đều có thể tham gia bảo vệ môi trường thông qua những việc làm thật đơn giản như thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế sử dụng túi ni lon, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh đã đặt ra cho Việt Nam những thách thức cho công tác bảo vệ môi trường. Hiện tổng lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10 - 16% mỗi năm. Tại hầu hết đô thị, khối lượng CTR sinh hoạt chiếm khoảng 60 - 70% tổng lượng CTR đô thị. Mặc dù, tỷ lệ thu gom có tăng nhưng vẫn còn khoảng 15 - 17% CTR đô thị bị thải ra môi trường vứt vào bãi đất, hố đất, ao hồ, hoặc đốt lộ thiên gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị. Phát triển đô thị xanh trong nước gặp nhiều trở ngại như môi trường nhiều nơi ô nhiễm nghiêm trọng; dân số đông nên hạn chế quỹ đất xây dựng; tỷ lệ diện tích cây xanh còn quá ít so với yêu cầu của đô thị xanh.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ sạch môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO