Thủy sản

Giữ thương hiệu "mực cơm Bình Minh"

VIỆT QUANG 05/07/2024 09:40

Từ cách đánh bắt và chế biến riêng, người dân xã Bình Minh (Thăng Bình) đã xây dựng và nỗ lực giữ gìn thương hiệu “mực cơm Bình Minh”.

anh muc
Mực cơm được tiêu thụ tại bến cá Tân An. Ảnh: Q.VIỆT

Ngư dân Lê Văn Mai (thôn Tân An, xã Bình Minh) vừa cập tàu bán mực cơm ở bến cá Tân An. Ông Mai ra khơi bằng nghề lưới chụp, khai thác mực ở ngư trường cách vùng biển Cù Lao Chàm chừng 5 hải lý.

Ông cho biết, nhờ dò được luồng mực cơm lớn nên đánh bắt được 2 tạ chỉ sau 1 đêm. Với giá bán 120 nghìn đồng/kg, ông Mai bán được 24 triệu đồng, trừ chi phí thu được hơn 20 triệu đồng.

“Mực cơm hoạt động mạnh nhất từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch. Tranh thủ đang mùa mực cơm nên sau khi bán, tôi chuẩn bị các nhu yếu phẩm rồi lại ra khơi” - ông Mai nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh (thôn Hà Bình, xã Bình Minh) là chủ cơ sở hấp mực cơm để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Bà Thanh cho biết, mỗi sáng sớm thu mua 1 tạ “mực nháy” (cách gọi mực cơm tươi rói mới đưa từ biển vào) rồi về vệ sinh thật sạch.

Mực cơm sau đó được cho vào các rổ tre, đưa vào lò hấp chừng 5 phút để mực căng phồng rồi vớt đưa vào giàn cho ráo nước, đóng gói, dán nhãn cung ứng ra thị trường.

“Chỉ cần nhìn mắt con mực cơm sáng nháy là tôi biết mực đó rất tươi. Mực tươi khi hấp xong có màu đỏ hồng, rất bắt mắt. Nghề này không quá vất vả, chỉ cần chỉn chu các công đoạn là sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng. Nguyên liệu mực cơm rất sạch, quá trình hấp không dùng chất bảo quản nên đảm bảo an toàn thực phẩm” - bà Thanh nói.

Ông Lê Xuân Tới - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết trên địa bàn có hơn 100 tàu thuyền khai thác mực cơm ở tuyến bờ và tuyến lộng. Hầu hết ngư dân đánh bắt mực cơm từ tối đến tờ mờ sáng là cập bến bán mực tươi.

Cách bảo quản mực cơm của ngư dân là phân chia ra từng loại theo kích cỡ rồi bỏ vào từng khay nhựa, dùng đá lạnh xay mịn rải lên từng lớp, đưa vào ngăn giữ lạnh trên tàu thuyền.

Nhờ mực cơm sau khai thác còn rất tươi, không hao hụt nên ngư dân thu được giá trị kinh tế cao sau mỗi chuyến biển. Trên địa bàn hiện có chừng 150 hộ dân làm nghề hấp mực cơm. Thương hiệu “mực cơm Bình Minh” đã hình thành, tạo sinh kế ổn định cho cả ngư dân lẫn các cơ sở hấp mực.

Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Thăng Bình là người Bình Minh, có thời gian làm Chủ tịch UBND rồi Bí thư Đảng ủy xã nên rất rành về thương hiệu “mực cơm Bình Minh”.

Ông Hùng cho biết, mực cơm Bình Minh có giá trị ẩm thực cao nhất là thời điểm vừa mới hấp xong còn nóng hổi đem chấm với nước mắm gừng, ớt sẽ thưởng thức độ giòn, ngọt của thịt mực và độ béo thơm của cơm mực. Đó chính là hương vị đặc trưng của “mực cơm Bình Minh”. Chính hương vị có một không hai đó đã thành hình nên thương hiệu nổi tiếng “mực cơm Bình Minh” vang danh cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ thương hiệu "mực cơm Bình Minh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO