Việc ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) quản lý, truy xuất nguồn gốc sâm Ngọc Linh, chống nạn sâm giả; di thực cây sâm hay mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý, tiếp tục đăng ký bảo hộ đối với 80 sản phẩm từ sâm Ngọc Linh… là nhiệm vụ mang tính cấp thiết.
Giai đoạn 2017 - 2018, từ sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, Trung tâm Sâm Ngọc Linh (Nam Trà My) đã phối hợp triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ giám sát IoT vào vùng sâm”. Được biết, ứng dụng công nghệ thông tin và internet của vạn vật (IoT) là giải pháp ứng dụng thông minh từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và internet vào khâu giám sát, quản lý quy trình sinh trưởng, khâu bảo vệ an ninh tại các vườn sâm. Qua đó giúp người trồng dễ dàng theo dõi được quy trình sinh trưởng của cây, dễ quản lý, chăm sóc và nâng cao được giá trị kinh tế. Việc truy xuất nguồn gốc điện tử cũng giúp minh bạch, công khai hồ sơ của cây sâm, giúp sản phẩm vươn ra được thị trường quốc tế, tăng sức cạnh tranh. Không dừng lại ở đó, IoT còn giúp theo dõi dịch bệnh, tăng cường đảm bảo an ninh cho các khu vực canh tác và hỗ trợ phân phối sản phẩm. Theo ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Sâm Ngọc Linh, IoT là công nghệ vốn phù hợp với đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, với vùng núi cao Ngọc Linh, việc ứng dụng công nghệ này cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, hệ thống cáp quang, đường điện lên vùng sâm chưa có, phải cấp thiết đầu tư. Vùng trồng sâm có nhiệt độ thấp, độ ẩm cao nên thiết bị IoT cũng sẽ dễ hư hỏng. “Trước mắt, công nghệ IoT sẽ áp dụng tại 2ha thuộc vùng sâm gốc Tắk Ngo, nếu thành công sẽ nhân rộng ra một số vùng” - ông Quý nói.
Giải pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng sâm giả, gây ảnh hưởng tới thương hiệu sâm quốc gia gần đây là mối băn khoăn lớn của trung ương và địa phương. Theo ông Trịnh Minh Quý, khó khăn hiện nay là việc kiểm định chất lượng sâm. Cả nước chỉ có 2 trung tâm kiểm định chất lượng sâm nằm ở 2 đầu đất nước. Việc lưu hành, bày bán sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My và nhiều nơi thiếu thiết bị test để phân biệt sâm thật, sâm giả. Để những hội chợ sâm núi Ngọc Linh tổ chức bài bản, không có tình trạng giả mạo, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia về sâm phải hoạt động tích cực. “Vì vậy, việc trang bị thiết bị phục vụ test nhanh sản phẩm tại các hội chợ rất cần thiết, vừa thuận lợi trong kiểm định, tăng thêm uy tín và chất lượng, giá trị của sâm núi Ngọc Linh trên thị trường” - ông Quý nói.
Ông Lê Minh Thảo - Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN cho hay, vấn đề kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm sâm, giữ danh tiếng của loài dược liệu quý hiếm là trăn trở không phải của riêng ai. Việc ứng dụng công cụ quản lý và truy xuất nguồn gốc là bài toán đặt ra, là câu chuyện liên quan đến nhiều ngành: nông nghiệp, công thương, KH&CN, thông tin & truyền thông… “Việc truy xuất nguồn gốc là cơ sở gắn tem thông minh lên sản phẩm, sẽ có người chịu trách nhiệm về sản phẩm. Không chỉ truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, giải pháp còn giúp quảng bá thương hiệu sâm ra cả nước và thế giới” - ông Thảo nói. Cũng theo ông Thảo, riêng ngành KH&CN, ngoài việc đã đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, Sở KH&CN đang hướng tới đăng ký bảo hộ cho 80 sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, đây cũng là hình thức giữ thương hiệu, chống nạn sâm giả hiện nay.
TRIÊU NHAN