Giữ tiếng chuông làng

THANH THẮNG 16/12/2016 08:52

Nhiều năm qua, hai gia đình ở Bình Định Nam (Thăng Bình) gìn giữ 2 chiếc chuông đồng xưa và xem như bảo vật của làng, nhưng giá trị đích thực của chuông vẫn còn là ẩn số.

Ông Hòe chỉ những chữ Hán in trên chuông đồng. Ảnh: THANH THẮNG
Ông Hòe chỉ những chữ Hán in trên chuông đồng. Ảnh: THANH THẮNG

1. Là một trong 2 gia đình ở Bình Định Nam may mắn được giữ chuông đồng tại nhà, gia đình ông Đặng Đình Thành (SN 1968, trú thôn Thanh Sơn, Bình Định Nam, Thăng Bình) đang giữ chiếc chuông của dòng họ Đặng ở làng Thanh Đăng, thôn Thanh Sơn, Bình Định Nam. Theo truyền tụng, chiếc chuông này được dòng tộc họ Đặng giữ cách đây hàng trăm năm, cứ thế truyền từ đời này sang đời khác. Chuông được sử dụng trong thời khắc chuyển giao giữa các mùa trong năm và đặc biệt đánh vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới để mong được nhiều may mắn. Ngoài ra, còn được sử dụng trong ngày giỗ tổ 24.12 âm lịch hàng năm. Bà Nguyễn Thị Thuận (SN 1942, mẹ ông Thành) cho biết, chiếc chuông này của 3 tộc họ ở địa phương (Đặng, Dương và Lê) nhưng không biết ra đời năm nào. Đường kính chiếc chuông 60cm, phần thân chuông cao 1m, đỉnh treo chuông mang hình đôi rồng chầu ngậm ngọc đấu lưng nhau, thân chuông được khắc toàn chữ Hán, có bốn núm chuông đại điện cho 4 mùa trong năm. Âm thanh chuông rất thanh nên nổi tiếng khắp trong vùng, vì thế nhiều lần bị lấy trộm nhưng rồi vật lại về với chủ. “Thời trước, ba lần trộm lẻn vào đình trộm chuông, nhưng khi vừa khiêng khỏi đình thì bỗng nhiên gió luồn vào chuông phát ra âm thanh lạ khiến chúng bỏ chạy” - bà Thuận kể. Trải qua nhiều biến cố, thời kỳ chống Mỹ có nhiều lần chuông bị thất lạc, sau đó dòng họ Đặng đã tìm lại được nhưng bị mảnh bom làm thủng một lỗ nhỏ vì thế âm thanh của chuông không còn được thanh như ban đầu. Cũng theo bà Thuận, có nhiều cá nhân và nhà chùa đến hỏi thăm với ý mua lại chiếc chuông nhưng gia đình và dòng họ nhất quyết không bán hay trao tặng cho ai vì đó là vật báu của gia đình và dòng họ.

2. Khác với gia đình ông Thành, gia đình ông Dương Đình Hòe (SN 1954, trú tổ 6 thôn Đồng Đức, xã Bình Định Nam) cũng đang giữ một chiếc chuông đồng lớn nhưng đây là chiếc chuông do con trai ông Hòe tìm được dưới lòng đất. Ông Hòe cho biết, năm 2006 con trai ông là Dương Đình Hợp (SN 1993) đi rà sắt cách nhà chưa đầy 20m thì phát hiện chiếc chuông lớn nằm sâu dưới lòng đất 1,5m rồi đưa chuông về nhà. Hay tin gia đình ông Hòe đào được chuông lớn, nhiều người đến xem, nhiều người ở miền Bắc vào trả giá cao nhưng ông Hòe nhất quyết không bán. Chiếc chuông của gia đình ông Hòe đang giữ có đường kính 60cm, thân chuông cao 1,2m và có 8 núm chuông, quanh chuông được ghi toàn chữ Hán, đỉnh treo chuông mang hình đôi rồng chầu ngậm ngọc đấu lưng nhau. Với vốn am hiểu lịch sử địa phương, cụ Huỳnh Cai (85 tuổi, trú tổ 6, thôn Đồng Đức, Bình Đình Nam) cho hay, sau lưng nhà ông Hòe là núi Chùa. Trước đây trên núi này có một ngôi chùa nhưng chiến tranh loạn lạc ngôi chùa bị phá, nhà chùa sợ chuông rơi vào tay giặc nên đã cử người đem chôn chuông xuống đất. Sau thời gian địa hình thay đổi nên không ai nhớ rõ nơi đã chôn chuông. “Tôi rất mong các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu sớm vào cuộc nghiên cứu làm sáng tỏ để gia đình tôi được hiểu hơn về các giá trị lịch sử của chiếc chuông” - ông Hòe chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Kết - cán bộ văn hóa xã Bình Định Nam (Thăng Bình), trên địa bàn xã hiện nay còn hai chiếc chuông được người dân giữ gìn rất cẩn thận. Hiện địa phương rất cần sự vào cuộc và nghiên cứu của cơ quan chức năng liên quan để cho người dân biết giá trị đích thực của từng chiếc chuông.

THANH THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ tiếng chuông làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO