Có vẻ như mọi điều tiếng về mình, ông để qua một bên. Những nhọc nhằn thương khó cũng để dành riêng mình biết. Ông, lòng phẳng như mặt trống đồng mình đúc, giữ cho mình và giữ cho làng, một danh xưng Phước Kiều - làng đúc đồng, dẫu tiếng làng đã ít nhiều phai âm…
Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng. Ảnh: SONG ANH |
Người ta biết đến Dương Ngọc Thắng, phần nhiều từ câu chuyện kinh doanh của ông, và có vẻ như những thành công trên thương trường đã ít nhiều lấn lướt cái tinh tế của một nghệ nhân làng nghề. Nhưng người ta vẫn trọng thị ông. Vì nếu không có một Dương Ngọc Thắng lăn lộn chỗ này chốn khác, chịu khó tỉ mẩn dù với một sản phẩm nhỏ nhất; một Dương Ngọc Thắng hoạt ngôn, năng động bắt được dòng chảy của thương trường, thì sẽ khó lòng nào cái tên làng Phước Kiều được gọi lên nhiều như vậy. Và, dù không vẹn nguyên một làng đúc chiêng đồng, thanh la qua suốt 4 thế kỷ, Phước Kiều vẫn là một làng đúc đồng trên đất Dinh trấn Quảng Nam xưa, đi theo cách của riêng mình. Còn tên gọi làng qua những cuộc bể dâu, là còn đó những trân quý, còn đó một “tiếng thiêng” để người làm nghề soi rọi…
1. Và hẳn, ông cũng biết câu chuyện người ta xì xầm sau lưng mình. Rằng danh vị, giải thưởng chưa hẳn đã thực chất, rằng ông mượn tên Phước Kiều để làm giàu có cho riêng mình. Dương Ngọc Thắng nói, ông đủ tinh để chỉ cần nhìn qua một ánh mắt, là biết người ta thiện chí hay hằn học với công việc của mình. Và ông cũng đủ nhạy để biết nên để tâm chuyện gì và nên mặc kệ chuyện gì. Không tránh khỏi chuyện những chiếc chiêng cùng âm vang nhưng có cái thanh cái trầm. Càng không có chuyện cùng một lãnh địa lại thiếu những vằn vện, gai góc, cắc cớ nhau bằng những xa lạ vì chút hơn thua bởi cái được mất nghề nghiệp. Người bản lĩnh là người biết đi trên những sắc nhọn của mắt người đời, của lời thế gian, để tiếp nối tròn vẹn say sưa của mình. Lần này, danh vị nghệ nhân ưu tú được trao sau gần 40 năm ông gắn bó với nghề đúc đồng, có lẽ, phần nào đó cho thấy được cái năng lượng đủ để “đúc nên âm thanh” từ một người đàn ông đôi chút liều lĩnh, như Dương Ngọc Thắng.
Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng (sinh năm 1954), thông qua công ty của mình đã đào tạo được hơn 50 thợ cho làng nghề. Cùng với đó, ông đã có những sản phẩm xác lập kỷ lục Việt Nam như cặp súng thần công theo nguyên mẫu thời Nguyễn, hay mặt trống đồng có đường kính 1,1m, dày 20 cm… Mới đây nhất, công ty đã đúc thành công chiếc đồng hồ nước bằng đồng có kích thước cao 2,5m với tổng trọng lượng 500kg; 12 con giáp cung hoàng đạo; nồi lư lớn nhất từ trước tới nay, nặng 1.500 tấn… |
Ông nói mình may mắn, vì được sinh ra và chọn ngay cái nghiệp của gia tộc để làm nghiệp của cả cuộc đời. Và may mắn, vì đã thành công, từ cái bệ đỡ quá lớn của danh xưng Phước Kiều. Những người tộc Dương của làng đúc đồng đều ít nhiều giữ trong lòng mình niềm tự hào của một gia tộc có công khẩn hoang lập làng, và họ dư sức để giữ lòng kiêu hãnh đó qua nhiều thế hệ, còn bởi cái ngón nghề chính tộc này mang đến đất Quảng. Ngón nghề đó đã làm nên giá trị cho một ngôi làng ven sông Thu. Đúc cồng chiêng và câu chuyện thẩm âm cho chiêng, đã quá đủ để cái tên làng Phước Kiều vươn xa. Nhưng nếu cứ khư khư giữ rịt cái hào quang ngày cũ mà quên mất rằng, cuộc chơi mang tên cuộc đời đi qua rất nhiều lằn ranh, thì khó lòng nào đi cho tới những vinh quang khác. Lằn ranh giữa sự lựa chọn đứng yên và mặc nhiên rằng cái mới sẽ khỏa lấp cái cũ hay tiếp tục đối đầu với những thách thức từ một cuộc đi mới, để vẫn tỏa sáng từ cái giá trị cũ đó, là phụ thuộc hoàn toàn vào những người nắm giữ các ngón nghề gia truyền.
Dương Ngọc Thắng chọn cách đi ngược chiều gió, để bắt đầu cho một cuộc chơi liều lĩnh. Năm 2000, nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng thành lập công ty lấy tên gọi Công ty TNHH Làng đúc đồng truyền thống Phước Kiều. Trước đó, sau một quãng thời gian im hơi cùng sự lặng lẽ của các sản phẩm truyền thống Phước Kiều trên thị trường, Dương Ngọc Thắng tính toán cho mình một hướng đi mới, trên tinh thần vẫn làm sao để giữ mãi tăm tiếng của làng đúc đồng Phước Kiều. Và ông đã làm một cú chạy ngoạn mục, khi một mình chế tác ra những sản phẩm lưu niệm bằng đồng, và tự tay mang nó đi tiếp thị tại các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch dọc miền Trung. Tự cái thuở du lịch chỉ mới là con đường của những doanh nghiệp nước ngoài, thì Dương Ngọc Thắng đã biết, muốn nghề tồn tại, chỉ có thể bằng cách vận động để thích nghi với nhịp sống mới…
2. Nếu nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Tiển mang chiêng đồng, thanh la vào tận các bản làng Tây Nguyên để “tìm đường sống”, hay mày mò chữ nghĩa để định danh cho được vai trò đóng góp của làng nghề mình trong “Không gian cồng chiêng Tây Nguyên”, thì Dương Ngọc Thắng lại chọn đi một con đường táo bạo, và có vẻ chông gai hơn. Bởi một mình ông sẽ chọi lại cái điều tiếng rằng, sản phẩm của làng đúc Phước Kiều không phải là những bộ đèn chiếu sáng trang trí sân vườn hay phòng ốc, càng không phải là những vật phẩm lưu niệm gọn gàng bỏ túi, nó phải là chiêng, là thanh la, là bộ lư, bộ chuông đồng bóng loáng… Nhưng Dương Ngọc Thắng lại nghĩ, có vẻ rất đơn giản, rằng chỉ cần là chất liệu đồng, và được làm ra từ những bàn tay người thợ của Phước Kiều, được gò hàn từ chính phường đúc này, thì nó sẽ mang danh Phước Kiều. Nương theo xu thế thị trường để đầu tiên phải nuôi mình sống, phải làm cho nghề sống, bễ lò đỏ lửa, thì mới tính đến câu chuyện dài hơi hơn. Mẻ hàng đèn lưu niệm làm theo đơn đặt hàng đầu tiên, Dương Ngọc Thắng thất bại. Phải đến 3 lần vất đi làm lại, ông mới có được một sản phẩm phù hợp với du lịch, sau gần 20 năm chuyên chú vào các sản phẩm tâm linh. Lúc đó, Dương Ngọc Thắng đã tròm trèm 40 tuổi. “Coi như là bắt đầu một con đường mới, hoàn toàn khác so với cái thời làm hợp tác xã đúc đồng Phước Kiều hay ngay cả khi hợp tác xã giải thể, tách ra làm riêng. Một con đường mà vừa phải làm nghề, vừa phải làm quen với cách thức giao dịch, làm ăn theo kiểu quốc tế” - ông nói.
Những bước chập chững đầu tiên từ việc biến đổi các sản phẩm truyền thống trở thành những sản phẩm du lịch, Dương Ngọc Thắng gặp phải không ít lời ra tiếng vào. Nhưng ông nói, lúc đó, mình phải bất chấp hết, để quyết liệt đi theo con đường đã chọn. Bây giờ, những người đã từng phản đối mạnh mẽ khi ấy, đã có một số người bắt đầu quay về hợp tác với ông, hoặc đi theo con đường làm sản phẩm lưu niệm như ông. “Chỉ cần cái tên gọi Phước Kiều được gợi nhắc nhiều hơn, là đã góp phần gìn giữ cái tiếng quý của làng rồi” - ông nói. Còn chuyện ai đang làm gì, ai tranh cạnh thế nào, ai hờn ghen ra sao, ông nói, rồi từ từ sẽ có người hiểu chuyện. Dương Ngọc Thắng nói giờ mình vẫn còn xúc động, khi đến những khu du lịch lớn, có đặt sản phẩm lưu niệm của làng đúc đồng Phước Kiều. “Vui lắm chứ, mỗi lần người ta hỏi nhau là cái chuông này, cái đồng hồ nước bằng đồng này, cái mặt trống đồng này ở đâu ra, ai làm, và mình nghe người ta trả lời là ở làng đúc đồng Phước Kiều, Quảng Nam, là thấy vui rồi. Họ đâu có biết là của ông Thắng hay ông Tiển, ông Sang… làm. Họ chỉ biết nó từ làng đúc đồng Phước Kiều đi ra” - nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng chia sẻ. Mỗi một nghệ nhân đúc đồng có những kỹ thuật khác nhau để sản phẩm của họ khi đến với tay khách hàng, là một dấu mác riêng, dẫu đi ra từ cùng một nguồn cơn mang tên Phước Kiều.
Riêng Dương Ngọc Thắng, ông vẫn không dừng lại ở giới hạn tự mày mò để làm nên những sản phẩm bằng đồng khác biệt. Qua tận Thái Lan xem cách người ta làm đồ lưu niệm. Đến những phường đúc danh tiếng để học hỏi thêm các ngón nghề, kỹ xảo để làm nên những sản phẩm bỏ túi tinh tế. “Tuy vậy, tôi vẫn còn lấn cấn ở câu chuyện tiếp cận kỹ thuật tiên tiến khi làm nghề. Mình vẫn chủ yếu chế tác bằng thủ công, tự mò mẫm là chính, trong khi các nước trên thế giới họ đã đi đến tận đẩu tận đâu rồi” - ông nói. Và không chỉ có chuyện khó khăn về ứng dụng kỹ thuật, chuyện thợ trẻ của làng, chuyện làng sẽ làm du lịch… vẫn còn nhiều mắc mứu khiến người đàn ông lúc nào cũng suy tư. Chính những ưu tư khắc khoải đó, mới giữ lấy người vẫn mãi chung chiêng với tiếng làng đã có từ hàng mấy trăm năm qua.
SONG ANH