Những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh trong gia đình, cộng đồng tại Nông Sơn đã giảm bớt nhờ sự tích cực vào cuộc của các tổ hòa giải ở cơ sở.
Trước đây, gia đình các ông Nguyễn Viết Một và Từ Trị (ở thôn Bình Yên, xã Phước Ninh) có làm đơn xin chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp cho nhau để dễ bề canh tác, có xác nhận của UBND xã Quế Phước (cũ). Theo đó, ông Trị trao cho ông Một mảnh đất sản xuất hoa màu ở tờ bản đồ số 7, thửa số 353 diện tích 1.100m²2 để sản xuất và nộp thuế cho Nhà nước. Đồng thời ông Một cũng trao lại cho ông Trị mảnh đất sản xuất với diện tích 460m2² tại bản đồ số 13, số thửa 102 xứ đồng Ông Đô. Tuy nhiên, đến giữa tháng 12.2013, gia đình ông Một khai thác keo xong thì gia đình ông Trị đến thu dọn và tiến hành trồng keo trên phần đất ông Một vừa khai thác và chưa được sự thống nhất của nhau. Sau khi ông Một làm đơn gửi lên Ban nhân dân thôn Bình Yên phản ánh, ngay lập tức ông Nguyễn Văn Thắng - Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Bình Yên, thành viên Hội đồng hòa giải xã Phước Ninh, đến hiện trường xem xét và tiến hành hòa giải giữa hai bên. Qua nhiều lần tổ chức hòa giải, phân tích, nói rõ ngọn ngành, ông Thắng và Hội đồng hòa giải xã Phước Ninh đã thành công khi gia đình ông Một và ông Trị thống nhất hòa giải với nhau. Theo đó, gia đình ông Trị thanh toán 4 triệu đồng tiền san ủi và khai phá thêm đất cho gia đình ông Một và hai bên hoàn trả đất lại cho nhau. Đó là một trong nhiều vụ việc mà cá nhân ông Thắng và Tổ hòa giải thôn Bình Yên hòa giải thành công thời gian qua. Bây giờ, nhiều người quen gọi ông Thắng với cái tên trìu mến “ông Thắng hòa giải”…
Tổ hòa giải ở cơ sở tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Ảnh: T.LÊ |
Nhiệt tình với công tác hòa giải ở cơ sở, mỗi khi xóm làng có chuyện thì ông Thắng là một trong những người đầu tiên có mặt tại nơi xảy ra tranh chấp để xác minh, tìm hiểu rõ nguyên nhân, thảo luận, tìm hướng tháo gỡ vướng mắc. Ông rất khéo léo, vận dụng cả lý và tình trong mỗi lần hòa giải. Việc đơn giản, ông áp dụng tình làng nghĩa xóm để giảng hòa; việc căng thẳng thì phổ biến pháp luật để giáo dục, răn đe... nên các vụ tranh chấp xảy ra ở địa phương đều được hòa giải thành. Trong những vụ hòa giải thành công, có những vụ phức tạp liên quan đến đất đai, nhưng cũng có những vụ nhỏ như tranh chấp bồi thường thiệt hại hoa màu do trâu bò phá hại, tranh chấp về các công trình trên đất… Ví như vụ hòa giải bồi thường khi bò của gia đình ông Trần Văn Hải ăn lúa trên đám ruộng của gia đình bà Trương Thị Mận. Sau khi xem xét và tiến hành hòa giải, hai bên thống nhất gia đình ông Hải bồi thường cho gia đình bà Mận 12 bao lúa tươi (tương đương 7 bao lúa khô).
“Tôi chỉ làm cầu nối để giữ gìn tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết trong cộng đồng, vun đắp sự hòa thuận trong từng gia đình. Việc hòa giải các vụ tranh chấp ở địa phương cũng là mong muốn góp phần mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức pháp luật của bà con nhân dân trong thôn”. (Ông Nguyễn Văn Thắng - Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Bình Yên, xã Phước Ninh) |
Những trường hợp qua nhiều lần hòa giải nhưng không đi đến thỏa thuận, ông Thắng và các thành viên trong tổ hòa giải đã kịp thời chuyển về bộ phận Tư pháp xã tiếp tục hòa giải, không để tồn đọng, kéo dài ở tổ. Chia sẻ về việc làm của mình, ông Thắng nói: “Tôi chỉ làm cầu nối để giữ gìn tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết trong cộng đồng, vun đắp sự hòa thuận trong từng gia đình. Việc hòa giải các vụ tranh chấp ở địa phương cũng là mong muốn góp phần mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức pháp luật của bà con nhân dân trong thôn”.
Hiện nay, toàn huyện Nông Sơn có 39 tổ hòa giải ở các thôn với 257 hòa giải viên. Trong thời gian qua, mạng lưới hòa giải cơ sở đã kịp thời phát hiện, giải quyết ngay nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn, không để phát sinh thành các vụ việc lớn, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Có được thành công đó chính là nhờ sự quan tâm chú trọng đến công tác kiện toàn, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Qua từng năm, hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng nâng cao về chất lượng và mang lại những hiệu quả thiết thực trong cộng đồng dân cư. Ông Phan Đường - Trưởng phòng Tư pháp huyện Nông Sơn cho biết, trong năm 2014, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện đã phối hợp với UBND 7 xã tuyên truyền Luật Hòa giải cơ sở và bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở cho 350 lượt cán bộ, công chức các xã trên địa bàn huyện. Đồng thời tổ chức tuyên truyền ở 39 thôn trên địa bàn, thu hút gần 5.000 lượt người dân tham dự. “Những năm gần đây, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện đã đi vào nền nếp và tương đối ổn định. Công tác hòa giải ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành trong số các vụ việc phát sinh hàng năm tăng cao góp phần ngăn chặn kịp thời mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở và góp phần hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Đồng thời tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân” - ông Đường cho hay.
TÂM LÊ - ANH ĐÔNG