Giữ văn hóa vùng cao

ĐĂNG NGUYÊN 12/06/2015 09:53

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao Hiệp Đức luôn nhận được sự quan tâm đúng mức.

Theo ông Nguyễn Phước Niên - Trưởng phòng VH-TT huyện Hiệp Đức, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện trong những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh chính sách hỗ trợ đầu tư về định canh - định cư phát triển vùng dân tộc thiểu số, các thiết chế văn hóa của đồng bào cũng dần được xây dựng và hoàn thiện, trong đó chú trọng khôi phục nhà văn hóa truyền thống của đồng bào Ca Dong và Bh’noong ở 3 xã vùng cao Phước Gia, Phước Trà, Sông Trà.

Ngày hội văn hóa 3 xã vùng cao Hiệp Đức được duy trì tổ chức, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống cho đồng bào. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Ngày hội văn hóa 3 xã vùng cao Hiệp Đức được duy trì tổ chức, góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống cho đồng bào. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cùng với việc sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, huyện Hiệp Đức còn duy trì tổ chức Ngày hội Văn hóa - thể thao 3 xã vùng cao, lồng nghép tái hiện lễ hội đâm trâu, biểu diễn các điệu múa cồng chiêng, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, ẩm thực truyền thống của đồng bào Ca Dong, Bh’noong bản địa.

Ở Hiệp Đức hiện có khoảng 4.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong và Bh’noong, chủ yếu sinh sống ở 3 xã vùng cao Phước Gia, Phước Trà và Sông Trà. Đến nay, địa phương đã đầu tư xây dựng, phục hồi 4 nhà rông truyền thống, 27 nhà sàn và nhiều công trình, dự án liên quan... Nhằm khôi phục và phát triển nghề truyền thống, địa phương đã tổ chức các lớp dạy nghề đan lát, làm nỏ, xà lắc, xà vi, gùi, làm rượu cần... cho thế hệ trẻ đồng bào bản địa.

Già làng Hồ Văn Xem (làng Ông Tía, xã Phước Trà) chia sẻ, do điều kiện cuộc sống di cư từ vùng dưới chân núi Ngọc Linh trước đây, cùng sự giao thoa văn hóa với một số dân tộc khác trong thời gian dài, đã khiến bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Ca Dong và Bh’noong dần bị mờ nhạt, pha lẫn. Do vậy, bảo tồn bản sắc truyền thống là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, và làng Ông Tía là điển hình trong công tác này ở vùng cao Hiệp Đức. Ngoài nhà rông của người Ca Dong được đầu tư xây dựng, chính quyền địa phương còn khuyến khích đồng bào ra sức gìn giữ vốn quý trong văn hóa dân gian, văn hóa vật thể và phi vật thể, từng bước bảo tồn bản sắc, xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc.

Để văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao Hiệp Đức thực sự “sống dậy”, theo ông Niên cần có một đề tài nghiên cứu khoa học cụ thể về văn hóa, con người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn huyện. Trong đó, xác định cụ thể những giá trị văn hóa truyền thống điển hình của người Ca Dong và Bh’noong trên cơ sở bản sắc vốn có và sự tiếp biến, giao thoa văn hóa với các dân tộc trong quá trình cộng cư.

ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ văn hóa vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO