Hôm nay 19.5, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của An ninh vũ trang tỉnh và kỷ niệm 54 năm Ngày truyền thống BĐBP Quảng Nam.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với Đại tá Văn Ngọc Quế - Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh về quá trình xây dựng và phát triển của lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam - nay là BĐBP tỉnh. Đại tá Văn Ngọc Quế chia sẻ:
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai lê máy chém từ thành thị đến nông thôn để đàn áp cách mạng, leo thang chiến tranh nhằm chia cắt lâu dài đất nước. Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, các địa phương lần lượt triển khai, chấp hành ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam, ngày 19.5.1961, tại xã Bh’lô, huyện Hiên (nay là xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), Tổ cảnh vệ - tên gọi đầu tiên của An ninh vũ trang Quảng Nam được thành lập. Quân số ban đầu gồm 7 người, do đồng chí Đinh Ngọc Cân làm tổ trưởng.
Niềm vui của các chiến sĩ biên phòng bên cột mốc biên giới đã hoàn thành. Ảnh: THANH NGUYÊN |
- PV: Đồng chí cho biết quá trình xây dựng lực lượng trong những ngày đầu thành lập?
- Đại tá Văn Ngọc Quế: Ngay sau khi ra đời, các chiến sĩ An ninh vũ trang tỉnh đã vào sinh ra tử, vừa xây dựng củng cố lực lượng, vừa chiến đấu diệt ác, trừ gian, phá kìm, mở rộng vùng giải phóng, đảm bảo an toàn cho cơ quan lãnh đạo cách mạng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và bảo vệ nhân dân. Mặc dù lực lượng còn mỏng, vũ khí thô sơ, nhưng với ý chí quyết tâm cao; tinh thần dám đánh, quyết thắng, An ninh vũ trang tỉnh cùng với quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường, mưu trí sáng tạo, góp phần to lớn làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
- PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn đóng góp của lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam trong hành trình làm nên Chiến thắng mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta?
Ghi nhận những đóng góp của lực lượng BĐBP tỉnh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 10 tập thể và 9 cá nhân, cùng nhiều huân chương, huy chương và các phần thưởng cao quý khác. |
- Đại tá Văn Ngọc Quế: Ra đời trong chiến tranh, chiến đấu trong lòng địch, vận dụng cách đánh biệt động, du kích, cán bộ chiến sĩ An ninh vũ trang Quảng Nam đã vào tận sào huyệt của địch để đánh gần 1.000 trận lớn nhỏ, làm cho kẻ thù hoang mang dao động, suy sụp tinh thần. Tiêu biểu là trận đánh vào tháng 4.1963, khi Mỹ - Diệm huy động 3 sư đoàn chủ lực ngụy mở cuộc hành quân lớn nhất ở Nam Trung Bộ, đánh vào mật khu Đỗ Xá tại huyện Trà My. Trước tình thế đó, Đại đội 33 An ninh vũ trang tỉnh đã phối hợp với các lực lượng địa phương chiến đấu, bảo vệ an toàn cơ quan Khu ủy và Bộ Tư lệnh khu 5. Tháng 7.1963, địch huy động lực lượng cấp trung đoàn liên tiếp mở các cuộc hành quân “Lam Sơn 7”, “Lam Sơn 8”, đánh vào dọc phía tây huyện Hiên hòng triệt phá hành lang bắc - nam. Bộ đội địa phương, du kích và lực lượng An ninh vũ trang tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, kiên trì đánh trả địch trong 2 tháng liền, làm thất bại cả hai cuộc hành quân, bảo vệ được căn cứ, hành lang giao thông... Cùng với đó, hàng loạt các trận đánh giành thắng lợi của lực lượng An ninh vũ trang ở rộng khắp các địa bàn trong tỉnh. Nhằm củng cố sức mạnh chiến đấu, An ninh vũ trang Quảng Nam còn tích cực đấu tranh mở rộng vùng giải phóng, tạo hành lang kết nối giữa căn cứ với vùng địch chiếm đóng; phối hợp với bộ đội chủ lực và nhân dân địa phương, cùng tham gia chiến đấu anh dũng trong đội hình chiến dịch.
- PV: Trong bối cảnh hiện tại, BĐBP tỉnh đã có những hoạt động gì để củng cố chủ quyền, đảm bảo an ninh biên giới, thưa đồng chí?
- Đại tá Văn Ngọc Quế: Ngay sau khi bước ra khỏi chiến tranh, để tiếp tục khẳng định chủ quyền trên thực địa cũng như tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác hai bên biên giới Việt Nam - Lào, trong các năm 1977 - 1979, An ninh vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng cùng phía bạn Lào vượt suối, băng núi để xác định tọa độ, đặt 17 mốc quốc giới. Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để BĐBP thực thi chức năng nhiệm vụ; thực hiện kế hoạch tăng dày, tôn tạo hệ thống 60 cột mốc hiện đại, vững chắc trên tuyến biên giới hoàn thành vào năm 2014. Ngoài ra, BĐBP tỉnh còn chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai nhiều hoạt động giúp tỉnh Sê Kông (Lào) xây dựng trường học, trạm y tế; hỗ trợ khám chữa bệnh, chăm lo người có công với cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến; xây dựng Khu liên hợp kiểm soát cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc; tổ chức kết nghĩa giữa thôn - bản, các đơn vị bảo vệ biên giới... Không ngại khó, ngại khổ, hình ảnh các chiến sĩ BĐBP dầm mình trong mưa bão, hiểm nguy để phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; tham gia thực hiện nhiều chương trình, dự án dân sinh ý nghĩa cho đồng bào biên giới, vùng dân tộc thiểu số,... đã trở nên quen thuộc với người dân trong tỉnh.
Năm mươi tư năm, một chặng đường đủ dài để cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh cùng nhìn lại trong quá trình xây dựng và phát triển. Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác dân vận, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo trong tình hình mới... giữ vững hào khí cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
ĐĂNG NGUYÊN (thực hiện)