Giữ vững khí tiết người cộng sản

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC 26/09/2013 09:57

Sáng mai 27.9, hơn 100 cựu tù yêu nước tiêu biểu của TP.Tam Kỳ có buổi gặp mặt ôn lại một thời ngục tù gian lao mà anh dũng.

Đoàn cựu tù chính trị Côn Đảo của TP.Tam Kỳ và người thân tham quan Bảo tàng huyện Côn Đảo.Ảnh: Điện Ngọc
Đoàn cựu tù chính trị Côn Đảo của TP.Tam Kỳ và người thân tham quan Bảo tàng huyện Côn Đảo.Ảnh: Điện Ngọc

Theo nhiều nguồn tư liệu và lời kể của các nhân chứng, nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (chính quyền ngụy gọi là Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt) do chính quyền Sài Gòn thành lập từ đầu năm 1970, làm nơi giam giữ hàng trăm tù chính trị từ 17 tuổi trở xuống. Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chia làm 2 khu: khu tù nam giam giữ hơn 400 người và khu tù nữ hơn 200 người. Đây là một trong những nhà tù đầy rẫy tội ác mà địch sử dụng để thủ tiêu ý chí đấu tranh của lực lượng trẻ yêu nước và muốn hướng thiếu nhi trở thành tay sai của chúng chống lại phong trào cách mạng. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, các thiếu nhi tù chính trị đã nổi dậy đấu tranh chống chào cờ ngụy, đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, tổ chức vượt ngục trở về với cách mạng. Vì vậy suốt trong 3 năm tồn tại, nhà lao thiếu nhi Đà Lạt không lúc nào thiếu vắng những cuộc đấu tranh và cũng không bao giờ người tù được hưởng những giây phút bình yên. Dù gian khổ hy sinh nhưng các tù chính trị thiếu nhi vẫn đấu tranh không mệt mỏi, không khoan nhượng, quyết giữ trọn khí tiết cách mạng của những người cộng sản trẻ tuổi cho đến ngày được trao trả theo Hiệp định Paris năm 1973.

“Dù tuổi cao, sức yếu nhưng với truyền thống cách mạng, những cựu tù yêu nước luôn tiên phong trong các phong trào, góp phần xây dựng TP.Tam Kỳ vững mạnh. Khí tiết của những người cộng sản luôn tỏa sáng để xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước phong tặng”.
(Chủ tịch Hội Tù yêu nước TP.Tam Kỳ - Đào Ngọc Diêu)

Còn trại giam tù binh Phú Quốc là một trong những trại giam lớn nhất ở miền Nam Việt Nam và các nước Đông Nam Á do thực dân Pháp dựng lên từ năm 1950. Đến năm 1967, chính quyền Sài Gòn cho mở rộng và xây mới với hơn 400 phòng, giam giữ hơn 40.000 tù nhân; trong đó có hơn 2.000 sĩ quan, hạ sĩ quan, 10 tỉnh ủy viên, 40 huyện ủy viên và hơn 200 chi ủy viên. Tại trại giam này, địch áp dụng hơn 45 hình thức tra tấn, dã man nhất là bọn chúng dùng đinh đóng vào đầu và các khớp xương tù binh, xả súng bắn vào trại giam, thủ tiêu bằng độc dược rồi vứt thi thể ở nhiều nơi hoặc chôn tập thể. Bằng chứng là vào năm 2008 tại đây đã khai quật được hố chôn tập thể đến 513 người. Theo thống kê, tại trại giam tù binh Phú Quốc đã có hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng bị địch giết hại. Ông Nguyễn Thanh Thiện - chuyên viên văn phòng Hội Tù yêu nước tỉnh, người đã nhiều năm bị giam cầm tại trại giam tù binh Phú Quốc, kể: “Mặc dù địch dùng mọi thủ đoạn để tra tấn với nhiều hình thức thừa sống thiếu chết nhưng anh em tù binh vẫn tổ chức đấu tranh đòi cấp phát lương thực, thực phẩm đầy đủ, đảm bảo chất lượng; đòi được học văn hóa, chống chào cờ ngụy, chống cưỡng ép chiêu hồi... Trước sự đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của người tù, bọn địch càng dùng các thủ đoạn dã man để đàn áp, khủng bố làm nhiều tù binh phải mang thương tật suốt đời”.

Trải qua hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, TP.Tam kỳ có hàng nghìn đồng bào yêu nước, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, tra tấn và sát hại dã man ở khắp các nhà tù của giặc. Hội Tù yêu nước TP.Tam Kỳ hiện có gần 500 hội viên, trong đó có 5 cựu tù chính trị nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), 24 cựu tù trại giam tù binh Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và 27 cựu tù chính trị nhà tù Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Lâu đời nhất là nhà tù Côn Đảo, do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1862. Qua 113 năm tồn tại, thực dân Pháp và Mỹ ngụy đã xây dựng tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim và 504 phòng biệt lập (còn gọi là “chuồng cọp”). Ngoài ra, bọn địch còn cho xây dựng 18 sở tù - nơi dành cho những người tù bị đày đi lao dịch khổ sai để làm ra của cải, vật chất phục vụ bộ máy hành chính. Tuy nhiên, âm mưu thâm độc của địch khi lập nên các sở tù này là để giết dần, giết mòn những người yêu nước chân chính. Nghĩa trang Hàng Dương ngày nay là minh chứng cho sự tàn bạo của kẻ thù với hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước qua nhiều thế hệ bị địch bắt tù đày đã lần lượt hy sinh đang yên nghỉ tại đây. Mỗi nắm đất ở nghĩa trang Hàng Dương là một dấu tích của biết bao sự kiện đấu tranh cách mạng đối với một liệt sĩ, mỗi thời kỳ đấu tranh. Ai đó một lần qua đây đã thốt lên rằng: “Nghĩa trang Hàng Dương vùi chôn bao số phận/ Hết lớp này, lớp khác dập lên trên/ Mặt phẳng lỳ không mô đất nhô lên/ Không bia mộ, không tên và không tuổi”. Nhà tù Côn Đảo là “địa ngục trần gian” khét tiếng nhưng cũng chính tại nơi đây các chiến sĩ cách mạng đã thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết của người cộng sản. “Bây giờ nghĩ lại vẫn còn có cảm giác rùng mình. Phụ nữ ở trong lao tù bao giờ cũng chịu nhiều đau khổ hơn nam giới. Những đòn tra tấn dã man, tàn bạo xảy ra với các chị em bị giam ở khu “chuồng cọp” thật kinh hoàng” - bà Nguyễn Thị Vân, cựu tù chính trị Côn Đảo (hiện ở thôn Thọ Tân, xã Tam Ngọc, Tam Kỳ) xúc động nói. Ông Đào Ngọc Diêu - Chủ tịch Hội Tù yêu nước TP.Tam Kỳ chia sẻ: “Dù tuổi cao, sức yếu nhưng với truyền thống cách mạng, những cựu tù yêu nước luôn tiên phong trong các phong trào, góp phần xây dựng TP.Tam Kỳ vững mạnh. Khí tiết của những người cộng sản luôn tỏa sáng để xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Đảng và Nhà nước phong tặng”.

NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ vững khí tiết người cộng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO