Việc thực hiện các kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xem là liều vắc xin giúp cán bộ, đảng viên tăng “sức đề kháng”, ra sức tu dưỡng, không để suy thoái, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Tập trung kiểm tra dấu hiệu suy thoái
Lần đầu tiên sau 25 năm tái lập tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát (KT-GS), kỷ luật của Đảng giai đoạn 2021 - 2025.
Việc ban hành nghị quyết thể hiện nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác KT-GS. Mục đích phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Theo ông Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết 19 về tăng cường công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng giai đoạn 2021 - 2025 và các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác KT-GS, kỷ luật của đảng cho cấp ủy, cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở.
Đồng thời, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT cấp ủy các cấp tổ chức quán triệt nghiêm túc, sâu sắc Nghị quyết 19 đến cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý nhằm tăng cường nhận thức, nắm vững quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện.
Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong hệ thống chính trị để việc thực hiện nghị quyết được thống nhất, đồng bộ, nhanh chóng đi vào thực tiễn đời sống.
Với nhận thức mới, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả và quyết tâm chính trị cao trong công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng; ngay trong quý 1.2022, bên cạnh việc tham mưu Tỉnh ủy ban hành chương trình KT-GS, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chương trình, kế hoạch KT-GS riêng.
Các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy trước đây chủ yếu tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức thực hiện chương trình KT-GS của Tỉnh ủy, không tổ chức KT-GS theo ngành, lĩnh vực phụ trách nhưng nay đã ban hành kế hoạch KT-GS của mình.
Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Phan Thái Bình khẳng định, UBKT các cấp chủ động, tích cực tham mưu, giúp cấp ủy về công tác KT-GS, kỷ luật của Đảng. Tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện để chấn chỉnh, khắc phục không để sai phạm nhỏ trở thành sai phạm lớn. Chú trọng kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp và đảng viên là cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ cấp ủy cùng cấp quản lý...
Đặc biệt, tập trung kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như kinh tế, tài chính; đầu tư công, xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và nhất là công tác cán bộ nhằm chống chạy chức, chạy quyền.
Tăng “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên
Từ kết quả KT-GS và thi hành kỷ luật Đảng những năm qua, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho hay, có một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu; đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, thiếu tu dưỡng rèn luyện, dẫn đến suy thoái, biến chất, vi phạm kỷ luật của Đảng.
Nhìn nhận về những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Đảng ta nhấn mạnh tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ.
Tập trung xây dựng hoàn thiện chính sách, phát hiện đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đồng thời xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.
Kinh nghiệm trong tổ chức cho thấy, người đứng đầu phải bản lĩnh, thể hiện sự nghiêm minh, chính trực qua việc nêu gương, biết lắng nghe, cầu thị, không định kiến với những lời góp ý thẳng thắn.
Đối với công tác cán bộ, không để lợi ích nào cám dỗ, bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen vì động cơ không trong sáng, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác này.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), ngày 25.10.2021, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) ban hành Kết luận 21 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Kết luận 21 được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm, ủng hộ. Nội dung kết luận được Trung ương ban hành lần này không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị, sâu rộng hơn về nội dung và phạm vi. Vì vậy, khi tổ chức thực hiện sẽ liên quan đến cả hệ thống chính trị, nhiều người, nhiều cơ quan, đơn vị.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, học tập và triển khai thực hiện nghiêm túc các kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với Kết luận số 01 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đây được xem là liều biệt dược, vắc xin giúp cán bộ, đảng viên tăng cường “sức đề kháng”, ra sức tu dưỡng, rèn luyện không để rơi vào suy thoái, biến chất, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.