Giữa buổi chợ đông…

NGUYỄN ĐIỆN NAM 25/01/2014 13:13

(Xuân Giáp Ngọ) - Nhà khoa học nổi tiếng Trần Quốc Vượng từng khái quát đại ý rằng, Quảng Nam là vùng đất ở ngã tư đường nước, ngã tư quốc tế. Đây là nơi có địa văn hóa – kinh tế đặc biệt trong lịch sử, nơi gặp gỡ của các nền văn minh Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt, kết hợp với văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, rồi đến phương Tây. Nhiều kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, Quảng Nam hội tụ bản sắc văn hóa miền núi và miền biển, từng là một điểm đến của “con đường muối”, “con đường gốm sứ”, “con đường tơ lụa”… Chung quy, Quảng Nam là đất mở, sớm có sự giao lưu hội nhập, mà rõ nhất, đặc trưng nhất là đã sớm hình thành thương cảng quốc tế. Từ đó, con đường hàng hóa xuôi Nam ngược Bắc, vượt núi cao rừng thẳm luồn sâu vào nội địa Đông Dương, trải nghìn trùng sóng gió biển khơi để đến Trung Đông, Trung Hoa, Phù Tang… rồi qua tận các thành phố phương Tây hoa lệ. Và như thế, sự giao thương đã mở rộng, tự khắc dẫn đến hình thành những phiên chợ, ngôi chợ, điểm trung chuyển mậu dịch để mua bán, đổi trao hàng hóa.

Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Vậy chợ Quảng là cái gì, bán buôn gì? Vóc dáng chợ ra sao? Trải qua bao dâu bể thì đời chợ thế nào, sẽ đi về đâu trong cuộc sống thời toàn cầu hóa? Đó là những câu hỏi không thể trả lời hết trong một chuyên đề của tờ báo sinh thành trên đất Quảng Nam. Nhưng thôi thúc như sóng xô bờ, câu chuyện về đời chợ mà thực ra là đời người, với làm ăn kinh tế hay sinh hoạt văn hóa, vẫn khôn nguôi cuồn cuộn trong ký ức hoài niệm lẫn khao khát về tương lai…

Hẳn từ tuổi ấu thơ, chợ Quảng chập chững dăm ba mẹt hàng xén, chờm hởm bên vệ đường hay đầu làng cuối bãi, bắt đầu từ hàng đổi hàng sau mới dùng đến tiền giao dịch. Rồi lớn lên, chợ có hình hài, dựng bên bến sông nhiều ghe bầu thương lái, trải từ nguồn xuống biển, men theo sông Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang, Tam Kỳ, Bàn Thạch… Chợ cũng theo người mà đông, từ vạn ghe lên bờ, lên phố, lên phường, ra nơi đô hội. Chợ từ làng quê ra phố, ra thương cảng theo bước chân đô thị hóa, hiện đại hóa. Chợ từ tranh tre nứa lá dần có sạp, có quầy, có nhà tầng, ki ốt, cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị... với hàng hóa từ nông sản thô sơ đến chế biến tinh xảo, hàng cao cấp. Trên bước chân đi, khi mặc thêm chiếc áo lụa là, chợ cũng đánh mất nhiều điều xưa cũ trong hoài niệm đẹp nhưng làm sao khác được vì mỗi ngày mỗi mới, hàng mới, người mới, thời vận mới. Chiến tranh điêu linh cùng sông lở, làng trôi, cũng làm nhiều ngôi chợ vang bóng một thời giờ chìm vào tịch mịch.

Tất thảy vóc dáng cùng thân phận của chợ cho thấy chuyển dịch kinh tế, từ nông nghiệp lúa nước thuần nghề nông đi đến công nghiệp, sản xuất hàng hóa. Cái lẽ "phi công bất phú, phi thương bất hoạt...", chứng minh rõ ràng qua hình ảnh chợ.Vùng đất nào trù phú sản vật mà không có chợ khó mà tìm đường phát triển. Nơi nào chợ búa đông đúc, sầm uất, nơi ấy có người kiếm được cơ hội làm ăn.

Và không chỉ làm ăn, chợ là văn hóa nữa, nơi con người tìm thấy và sẻ chia thông tin, tình cảm; là ăn mặc và nói năng, ứng xử; là chỗ dạo chơi hội hè và cả giao duyên. Chợ Quảng, hay chợ Việt, nhận ra hồn cốt văn hóa xứ sở là ở đó. Vậy nên theo bước lưu dân, từ quê nhà đến nhiều miền Tổ quốc, qua tận nước ngoài, đâu có đông người Việt, người Quảng sẽ nhận thấy chợ có chất Việt, chất Quảng.

Quảng Nam xác định con đường trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nghĩa là phấn đấu sản xuất sản phẩm hàng hóa hiện đại, dồi dào, lại cần có chợ để tiêu thụ. Nông thôn mới cần có chợ mới. Phố mới cần chợ văn minh. Thành một tỉnh công nghiệp mà không đẩy cơ cấu dịch vụ thương mại lên hàng đầu thì cũng không tạo ra bước phát triển tiếp nào.

Thời buổi toàn cầu hóa, sau gia nhập WTO,  rồi sẽ đến AFTA – Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, hay TPP - Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, nôm na là Việt Nam vào “chợ thế giới” ngày càng sâu, đa dạng. Quảng Nam cũng phải tìm đường ra chợ ấy. Không chỉ hiện đại hóa hạ tầng chợ đầu mối, xây dựng phố chợ, chợ nông thôn mới để tiêu thụ nội địa, đất Quảng còn phải hướng đến thương mại điện tử, “chợ ảo” trên mạng toàn cầu. Trong sân chơi này nếu người Quảng không tham dự thì “không mợ chợ cũng đông”, chỉ nhận lấy thiệt thòi. Nhưng ra chợ mà xổ tung hết, phá bỏ luật lệ, chỉ tranh giành buôn bán mà thiếu ứng xử tinh tế, đánh mất bản sắc văn hóa, không giữ tín nghĩa, thì cũng bị khách quay lưng chẳng làm ăn được gì. Vậy nên, chọn con đường phát triển thương mại dịch vụ bền vững, bắt đầu từ chợ, là tìm một lối đi cho tương lai đất và người xứ Quảng.

Giữa chợ đời đang mở cửa thênh thang của đất nước, nhân loại, làm sao mua được cái may, mua được cơ hội làm ăn và kiếm tìm quả phúc? Lựa chọn tùy theo tư duy, tình cảm, song không thể bỏ qua tốc độ hội nhập, nếu chậm chân trù trừ với tâm thế “Buổi chợ đông con cá hồng em chê lạt” thì đến khi “Buổi chợ tan rồi con tép bạc cũng phải mua”.

Xuân Giáp Ngọ này, với gia tài quá khứ và hiện tại của chợ Quảng cùng khát vọng hội nhập, ta theo chân ngựa mà ra chợ!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữa buổi chợ đông…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO