Văn hóa

Giữa hai bờ hư thực

HỨA XUYÊN HUỲNH 31/01/2024 13:35

Vượt qua con suối nhỏ từng mang tên Hổ Khê, khách hành hương đặt chân vào vùng đất lành, càng đi về vùng núi phía tây càng đến gần với non thiêng Yên Tử. “Ranh giới” tâm linh ấy đã vạch ra từ mấy trăm năm trước, bỏ lại phía sau lưng là cõi thực, đời thường…

tct-61921(3).jpg
Dốc đá dẫn từ khu tháp tổ lên chùa Hoa Yên rợp bóng cây. Ảnh: H.X.H


1. Tôi vừa có dịp hành hương lên đỉnh thiêng Yên Tử (Quảng Ninh). Bắt đầu từ chùa Lân, tức thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, khách hành hương đi về hướng tây có ngang qua con suối nhỏ.

Trong bóng trúc, ngang qua đường tùng cổ thụ để hướng lên khu tháp tổ, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, rồi khách cứ leo dốc lên mãi trước khi dừng ở đỉnh cao nhất, nơi có chùa Đồng.

Có lối đi khác, bằng 2 chặng cáp treo. Nhưng điểm dừng của mỗi chặng thường đủ xa để khách leo thêm quãng dốc trước khi đến viếng những chốn linh thiêng như khu tháp tổ hay chùa Đồng. Dù đi theo lối nào, vẫn thấy tràn ngập màu xanh bạt ngàn.

Rừng trúc gợi cho khách hành hương nhớ đến tên của dòng thiền mà ngài sơ tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã chọn: thiền phái Trúc Lâm…

Lúc đứng ở sân chùa Hoa Yên, nhìn lại về phía khu tháp tổ dưới chân dốc đá, tôi thấy thấp thoáng những vạt trúc Yên Tử. Mới hay, các đại biểu sau lần dự Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc (Vesak) ở Hà Nội đã lên đỉnh Yên Tử phát tâm trồng trúc…

Năm nay 2024, chẵn 730 năm kể từ ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông xuất gia. Đó là lần xuất gia đầu tiên, năm 1294, ở hành cung Vũ Lâm thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay. Vị vua võ công hiển hách từng 2 lần đánh thắng Nguyên Mông (1285, 1288) chưa hề ngừng lo nghĩ chuyện thế tục.

Bởi theo sử chép, chỉ một năm sau khi nhường ngôi cho con, ngài xuất gia nhưng cũng ngay trong năm đó “thượng hoàng thân đi đánh Ai Lao, bắt được người và súc vật không kể xiết”.

Tôi vừa ngang qua rừng trúc, đi trong bóng mát của những cội xích tùng cổ hơn 700 năm tuổi được cẩn thận đánh số ở rừng quốc gia Yên Tử, nên muốn nhắc đến sự kiện “xuất gia lần 2” của vị Phật hoàng. Ấy là năm 1299.

“Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh”. “Đại Việt sử ký toàn thư” chỉ chép vậy, mãi đến khi thượng hoàng viên tịch mới nhắc lại câu chuyện tu hành. Quãng giữa đó, chỉ thấy liệt kê những biến cố liên quan đến cuộc hôn nhân của công chúa Huyền Trân.

Cuối năm 1308 được chính sử nhắc đến bằng những dòng ngắn gọn và buồn bã. Khi ấy, vua Chăm Chế Mân đã mất một năm, công chúa Huyền Trân cũng được đón về lại Đại Việt chừng 3 tháng.

“Mùa đông, tháng 11, ngày mùng 1, mặt trời có hai quầng. Ngày mùng 3, thượng hoàng băng ở am Ngọa Vân trên núi Yên Tử. Bấy giờ thượng hoàng xuất gia ở ngọn Tử Phong núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ” (Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Văn hóa - Thông tin 2009, trang 342).

Kể từ đó, chính sử nhường chỗ cho dã sử, để có thêm vài truyền thuyết dân gian được “kể” tiếp, mà ly kỳ nhất là chuyện cung tần mỹ nữ buộc phải dừng chân ở bờ bên này suối Hổ Khê.

2.
Trong 2 lần xuất gia của thượng hoàng, không thấy “Đại Việt sử ký toàn thư” nhắc chuyện cung nữ.

Nửa cuối thế kỷ 15, sử gia Ngô Sĩ Liên dựa vào bộ “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu và “Sử ký tục biên” của Phan Phu Tiên để viết “Sử ký toàn thư”, sau đó được các sử gia khác khảo đính, viết thêm các phần tục biên cuối thế kỷ 17 để hoàn tất bộ sử lớn “Đại Việt sử ký toàn thư”.

Có chăng, là ở “Đại Việt sử ký tiền biên” của Ngô Thì Sỹ (cuối thế kỷ 18) và “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn (giữa thế kỷ 19), nhưng không quá bi thương mà chỉ được hiểu như chuyện “giải cung” mỗi khi vua băng hà hay xuất gia.

Đại loại, mùa thu, thượng hoàng lên núi Yên Tử, xả thân ở am Ngọa Vân, cung tần mỹ nữ người nào không muốn về thì cấp ruộng và cho dựng nhà ở chân núi…

Thế rồi, chẳng rõ tự bao giờ, con suối nhỏ “từng mang tên Hổ Khê” được gọi bởi tên khác: suối Giải Oan.

Hôm tôi đến, suối Giải Oan đang mùa cạn. Trên tấm bia đá giới thiệu địa danh dựng ở bờ tây dẫn nguồn từ “Sở VH-TT Quảng Ninh” có khắc: “Suối Giải Oan.

Nơi các cung tần mỹ nữ trầm mình xuống suối để tỏ lòng trung với vua Trần Nhân Tông khi vua đến Yên Tử tu hành”. Chỉ vỏn vẹn 29 chữ thôi, mà xáo động bao nhiêu tâm tình trong mấy thế kỷ, kể cả nghi vấn ở thời hiện tại. Không còn là chuyện kể trong dân gian nữa, mà đã thành tên gọi, thành bia đá, thành nỗi trắc ẩn.

Thoáng thấy nhóm du khách mặc áo màu lam dừng viếng hương bên bờ suối trước khi vào chùa. Nhiều người vẫn tin rằng, thuở xưa, các cung tần mỹ nữ vì không lay động được ý chí xuất gia của thượng hoàng, không được đi tiếp và không muốn quay về nên gieo mình xuống con suối này để tỏ lòng trung.

Đàn tràng được lập bên suối để giải oan, chùa dựng gần đó để hương khói. Suối thay tên mới, và cứ thế chảy vào tâm thức dân gian một dòng nước đủ sức chia đôi bờ tục lụy. Bờ này là đời thường, bờ kia dành cho không gian hành đạo…

Vẫn còn đây dòng suối cũ, chùa cũ, làng cũ. Ngôi làng trong truyền thuyết, nơi những cung phi may mắn được cứu sống sau lần trầm mình đã được vua cho làm nhà, cấp ruộng dưới chân núi, lấy chồng sinh con…, giờ mang tên làng Nương, làng Mụ.

Một số nhà nghiên cứu muốn “lật xới” từng trang sử để quả quyết rằng, không có ai gieo mình nơi dòng suối ấy. Có chăng, chuyện giải cung đối với cung tần mỹ nữ đã xuất hiện ngay từ lần xuất gia đầu tiên ở hành cung Vũ Lâm, chứ không phải đợi đến 5 năm sau ở Yên Tử. Nhưng thời gian dằng dặc như đang phủ mờ tất cả…

3.
Đêm trước khi rời vùng đất thiêng, tôi nghỉ lại Legacy Yên Tử, nơi được cho là tái hiện đường nét đặc trưng của cung điện cổ thời Trần. Khu nghỉ chân này nằm ở bờ đông, cách suối Giải Oan chừng mươi phút chạy xe điện. Tức ở về phía “đời thường”.

Có gì đó thân quen lắm, mãi tôi mới nhớ ra: phải rồi, những mái vòm!

Mái vòm ở khu nghỉ chân bờ đông suối Giải Oan được lấy ý tưởng từ mái vòm thấp dày trên khu tháp tổ của ngài Điều Ngự Giác Hoàng. Trong một lần lên khu tháp tổ viếng hương, kiến trúc sư người Mỹ Bill Bensley đã tìm thấy nguồn cảm hứng thiết kế cho trung tâm tĩnh dưỡng và nghỉ dưỡng dưới chân núi.

Mái vòm là một điểm nhấn. Rồi những đường nét của cửa tháp, của ngói mũi hài… từ thế kỷ 13 cũng phảng phất trong công trình kiến trúc vừa xây mới hồi đầu thế kỷ 21.

Kể cũng lạ, ngôn ngữ kiến trúc ở Yên Tử dường như chưa từng gián đoạn. Chỉ riêng ngôi tháp tổ mang tên Huệ Quang kim tháp, nơi lưu giữ một phần xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông, có phần đế xây dựng từ thời Trần, phần thân phục dựng từ thời Lê, sang cuối thế kỷ 20 được trùng tu.

Những địa danh mang tên Giải Oan, như suối, như chùa, vẫn đang được vây phủ bởi truyền thuyết hư ảo. Ở phía bờ tây, hư ảo theo khói sương ngưng đọng mấy trăm năm trên non thiêng Yên Tử giờ lại thấy hiển hiện giữa đời thường, như qua bóng dáng một mái vòm. Ngày đầu xuân, lần giở trang sử xưa và hồi tưởng dăm câu chuyện cũ, tôi lại như thấy hai bờ hư thực đã quyện vào nhau, để người đời tự soi chiếu lấy mình.

Ảo mà như gần ngay trước mắt, thực mà vẫn thấm đẫm huyền tích.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữa hai bờ hư thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO