Giữa hai kỳ đại hội

TIÊU ĐÌNH 19/04/2014 12:41

Hạ tuần tháng 4 này, Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Quảng Nam tổ chức Đại hội lần thứ VIII (2014 - 2019). Và điểm nhấn giữa hai kỳ đại hội với những thành tựu đạt được là niềm tự hào của anh em văn nghệ sĩ ở mảnh đất “chưa mưa đà thấm...”.

Từ 6 chi hội chuyên ngành với 135 hội viên, đến nay Hội VHNT Quảng Nam đã thành lập thêm Chi hội Văn nghệ dân gian - miền núi và kết nạp 44 hội viên mới. Cùng với sự phát triển đều khắp và vững chắc trên các lĩnh vực văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, vẫn có thể nhận ra những điểm nhấn rõ nét, tạo ấn tượng mạnh cho một chặng đường đi tới của văn nghệ Quảng Nam. Trước tiên, phải kể đến việc hoàn thành công trình xây dựng cơ quan hội (số 5 Nguyễn Chí Thanh, TP.Tam Kỳ) với tổng vốn đầu tư trên 3,7 tỷ đồng. Bước ngoặt này đã chấm dứt tình trạng hơn 10 năm hội phải thuê tạm nhà dân để làm việc. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ gần 300 triệu đồng để hoàn thiện từng bước cơ sở vật chất bên trong và xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp bên ngoài cơ quan hội.

Các đại biểu tham dự Đại hội Hội VHNT Quảng Nam lần thứ VII - 2009. Ảnh: N.T.M
Các đại biểu tham dự Đại hội Hội VHNT Quảng Nam lần thứ VII - 2009. Ảnh: N.T.M

Từ năm 2008, với sự tham mưu tích cực của Ban Chấp hành Hội VHNT Quảng Nam, UBND tỉnh cũng đã ban hành quy chế “Giải thưởng VHNT Đất Quảng” 5 năm và “Tặng thưởng VHNT Quảng Nam” hằng năm. Giải thưởng 5 năm được xét trao lần thứ I - 2009 cho 49 tác giả, nhóm tác giả với tổng số tiền thưởng trên 600 triệu đồng. Hiện nay, hội đang chuẩn bị để xét trao Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II cho những tác phẩm VHNT giai đoạn 2008 - 2013. Về tặng thưởng hằng năm, đã xét trao trong các năm từ 2009 - 2013 cho 60 lượt tác giả, nhóm tác giả với số tiền thưởng 40 triệu đồng mỗi năm. Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ viết về đề tài chiến tranh cách mạng theo tinh thần Chỉ thị 54-CT/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam và kinh phí hỗ trợ tác phẩm viết về Quảng Nam (300 triệu đồng/năm, thực hiện từ năm 2010), Quảng Nam đang là một trong những tỉnh có mức đầu tư cho VHNT khá lớn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã cấp kinh phí để hội xây dựng website với tên miền:

vanhocnghethuat.quangnam.gov.vn

Về hoạt động của hội, với tinh thần mở rộng mối quan hệ giao lưu với các tỉnh bạn, đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh để tổ chức những hoạt động quảng bá tác phẩm, kích hoạt sáng tạo, hội đã tổ chức cho nhiều lượt hội viên đi dự các trại sáng tác do Bộ VH-TT&DL, Ủy ban toàn quốc các hội VHNT Việt Nam và các hội chuyên ngành trung ương tổ chức như tham gia trại sáng tác ở Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Yên, Nghệ An…. Các hoạt động sáng tác, giới thiệu tác giả - tác phẩm, hội diễn, hội thi, hội thảo, triển lãm… cũng được tổ chức đều đặn và hiệu quả. Trong thời gian gần đây, cùng với sự chủ động đi thực tế sáng tác theo nhóm, theo từng chuyên ngành từ nguồn quỹ hỗ trợ của Chính phủ, đề tài chiến tranh cách mạng theo tinh thần Chỉ thị 54/CT-TU của Tỉnh ủy và Chỉ thị 03-CT/TW về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng đã được chú trọng đúng mức. Qua tổ chức các hoạt động chuyên môn, hội viên có điều kiện giao lưu với các tỉnh bạn và tham quan những di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh nổi tiếng trong nước để làm giàu vốn sống, làm mới cảm xúc và nâng dần tính chuyên nghiệp trong sáng tác.

Năm 5 năm qua, trong hàng nghìn tác phẩm của hội viên được công bố, một số công trình tập thể, cá nhân gây được tiếng vang như tuyển thơ văn “Quảng Nam - 15 năm một vùng văn học”, tuyển nhạc “Quê hương xứ rượu Hồng Đào”, CD “Quảng Nam khúc hát những miền quê”, VCD “Về với quê hương tôi”; tập sách ảnh “Ảnh nghệ thuật Đất Quảng”, “Người Cơ Tu ở Việt Nam”, tượng đồng “Đôi mắt” v.v.. Không những số lượng tác phẩm tăng mà chất lượng cũng được khẳng định qua số lượng huy chương, giải thưởng mà hội viên đã đoạt được trong những lần hội thi, hội diễn khu vực, toàn quốc và quốc tế. Trong vài năm gần đây, UBND tỉnh cũng tặng bằng khen và “thưởng nóng” cho 20 lượt hội viên với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng. Chi hội Nhiếp ảnh với các nghệ sĩ như Dương Phú Tâm, Đặng Kế Đông, Mai Thành Chương, Trần Tấn Vịnh, Thái Bích Thuận, Thái Tuấn Kiệt, Lê Vấn… đã trở thành những cái tên quen thuộc trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật quốc gia và quốc tế. Nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Văn Huy đã bắt đầu khẳng định mình trong “top ten” những nhà điêu khắc tài năng qua Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 10 năm (2003 - 2013). Âm nhạc Quảng Nam bắt đầu được quảng bá rộng rãi khắp mọi miền đất nước; các tác giả văn học đã xuất hiện ngày càng nhiều trên báo chí trung ương và các địa phương trong   cả nước.

Chất lượng tác phẩm được nâng cao, phong phú số lượng và đa dạng loại hình, tuy nhiên vẫn chưa có được những tác phẩm vượt trội xứng tầm với truyền thống cách mạng, văn hóa của vùng đất; đề tài về công nghiệp hóa - hiện đại hóa và nông thôn mới còn thưa vắng. Tính chuyên nghiệp trong sáng tác vẫn chưa thể hiện rõ nét. Trên lĩnh vực lý luận, phê bình VHNT dường như vẫn chưa có sự đột biến. Mặt khác, sự xuống cấp của văn hóa đọc, sự lên ngôi của văn hóa giải trí, sự bế tắc đầu ra của sản phẩm VHNT đang tác động lớn đến đời sống văn nghệ. Việc hỗ trợ sáng tác của Nhà nước tuy có tích cực song vẫn chưa thoát ra khỏi tính bình quân, chưa mạnh dạn đầu tư cho những tác phẩm viết dài hơi. Việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ tuy có được quan tâm nhưng vẫn chưa thật sự đúng mức như mong muốn. Tình trạng nghiệp dư hóa trong VHNT có nguy cơ phát triển mạnh thêm, khả năng số lượng tác phẩm trung bình và khá tiếp tục gia tăng... Đó là những vấn đề cần đặt ra để Đại hội Hội VHNT tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 khắc phục nhằm tạo sự chuyển biến mới cho văn nghệ Quảng Nam trong thời kỳ mới.

TIÊU ĐÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữa hai kỳ đại hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO