Trở lại gặp ông sau nhiều năm xa Huế, ông đãi tôi bằng câu chuyện giữa cơn mưa “đặc sản” cố đô và vô vàn trầm tích thời gian trong khu vườn nhà. Di sản, cổ vật và những nỗi niềm đau đáu về văn hóa càng khiến tôi tin rằng, ông - nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, đã là một “di sản” sống trong lòng đất thần kinh.
“Linh hồn” cổ vật
Lần đầu tiên bước vào căn nhà nhỏ của nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan nằm ở một ngõ trên đường Cao Bá Quát (TP.Huế), tôi cứ có cảm giác rờn rợn trước đống miểng sành, miểng sứ chất vô thiên lủng từ sân vô tới nhà. Trở lại nơi đó, gia tài giữa gió sương của ông càng ngồn ngộn thêm. Tôi đùa nghề của ông là cất giữ tháng năm của Huế, ông cười khề khà: “Ngó nát rứa chớ cho một miếng cũng đứt ruột đó”. Cả một đời sưu tầm đồ cổ, từ bình vôi ống nhổ đến bát sứ, chén đĩa, cứ nghe có đồ cổ là ông lặn lội đến tìm mua. Đến độ giờ dân tìm đồ cổ ở Huế nhẵn mặt, tất tần tật đều đem tới tận nhà “chào hàng”. Nói ông là người sở hữu nhiều đồ cổ nhất Huế chắc cũng không ngoa, nhưng cách mà ông giữ gìn, nâng niu chúng còn hơn cả một nhà sưu tập. Ông hệ thống từng món đồ, từng niên đại, nghiên cứu, ghi chép tỉ mỉ, thầm lặng và chăm chỉ suốt cả cuộc đời. “Đối với người nghiên cứu, một mảnh vỡ và một thứ đồ cổ nguyên lành là như nhau. Nó vẫn mang trong mình những thông tin, giá trị của một giai đoạn, một niên đại. Ngày trước, nó thực hiện vai trò của mình trong cuộc sống con người, là sản phẩm do kỹ thuật sản xuất của giai đoạn lịch sử đó. Nhưng cũng đồng thời, nó cũng mang trong mình giá trị đời sống, cũng có “linh hồn” riêng của nó”, ông lý giải.
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan trò chuyện giữa kho cổ vật ngay trong nhà mình. Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
Lan man câu chuyện về đồ cổ, ông bật ra một câu đầy hàm ý: “Dân Huế nghèo mà sang, xây nhà toàn bằng vàng”. Là bởi, trong từng ngôi nhà, từng bức tường ở Huế, có không ít là mảnh vỡ của gốm, của đồ cổ lẫn trong cát sỏi xây dựng hút từ lòng sông. Những mảnh vỡ quý hơn vàng. Đồ cổ ở Huế, nhất là gốm cổ, không đâu nhiều bằng dưới lòng sông Hương. Ông bảo, ngồi bới cát sạn từ mấy ghe hút cát đêm ngày rút ruột sông Hương, gốm sứ không biết bao nhiêu mà kể. Ngay cả dân tìm đồ cổ ở Huế, ở Cù Lao Chàm hay Quảng Ngãi cũng là những bàn tay tàn phá ghê gớm đối với đồ cổ, vốn là thứ mỏng manh trong đời sống. Dân lặn đồ cổ có một cách thức khai thác rất truyền thống, là ngậm ống hơi từ một cái máy thổi hơi trên thuyền, rồi hụp lặn đào xới dưới lòng sông, lòng biển mò từng tấc đáy. Những năm gần đây, họ có một cách khai thác “hủy diệt” hơn. Cùng với ống hơi để thở, họ dùng một ống hơi khác áp suất mạnh để xịt bùn đất dưới đáy, phát lộ đồ cổ. Ông bộc bạch: “Khai thác kiểu đó, một trăm cái, họa hoằn mới có một cái còn nguyên. Lạ một điều, là việc khai thác đồ cổ đã có từ rất lâu nay, nhưng chưa hề có một cách thức trục vớt đồ cổ thực tế, hiệu quả nào được áp dụng. Đồ cổ rất hữu hạn, cạn kiệt rồi còn đâu”. Mới thấy, việc ông nâng niu cả kho tàng sứt mẻ của mình cũng là điều dễ hiểu. Ông nâng niu mảnh vỡ như nâng niu một mảnh linh hồn. “Đồ men lam triều Nguyễn (thứ các nhà sưu tập đồ cổ “máu mặt” rất ưa thích - PV) tuy sang trọng nhưng có tuổi đời ngắn và giá lại đắt. Trong khi đó đồ gốm nói chung có tuổi gấp hàng chục lần, giá trị nghệ thuật thuộc hàng “đỉnh”, lại nói được nhiều chuyện. Đó là con đường để tôi tìm hiểu những bí ẩn của lịch sử, văn hóa mà không sách vở nào có thể thỏa mãn được” - ông nói.
Giữ “con lắc” di sản
Ông Hồ Tấn Phan có một mối quan tâm đặc biệt đến di sản, nhất là những bài viết trên mặt báo. Ông nhắc lại việc Hội An thu phí tham quan phố cổ từng dậy sóng dư luận. Sau đó, thành phố Huế cũng đưa ra chủ trương tăng giá vé tham quan di tích. Khá thời sự. Ông nói với tôi, vấn đề quan trọng nhất không phải là có bán vé hay không, giá bao nhiêu, mà ở chỗ sản phẩm để đem ra bán vé đó có thỏa mãn cho khách du lịch, những người bỏ tiền ra để thụ hưởng. Ở Hội An hay Huế, sản phẩm đó chính là không gian văn hóa bao trùm lên những di tích. “Điều mà du khách quan tâm tìm đến không phải là công trình xây dựng, mà là di tích văn hóa được định hình trong một quá trình lịch sử của vùng đất đó. Tạo tính hấp dẫn là điều tiên quyết, nhưng việc hấp dẫn đó có bảo lưu được giá trị, bảo lưu được tính nguyên gốc của di tích văn hóa mới là điều cần phải nghĩ” - ông nói. Khai thác yếu tố hấp dẫn của di tích là một đầu “con lắc”, bảo lưu giá trị nguyên gốc của di tích là đầu còn lại. Ông cho rằng, muốn bền vững, cách duy nhất là giữ được sự hài hòa của “con lắc” đó. Nhiều lần ông lặng lẽ mua vé tham quan thành nội, tham quan lăng tẩm ở Huế, chỉ để tự xác tín những suy nghĩ đó của mình. “Vạn bất đắc dĩ tôi mới đi, mà đi tới đi lui vẫn thấy mọi thứ như thế, không đổi mới, không còn hấp dẫn, trái lại bắt đầu lệch lạc đi ít nhiều. Lịch sử là điều cần phải tôn trọng. Tuyệt đối tôn trọng. Hội An và Mỹ Sơn, theo ông, là hai nơi đã làm rất tốt điều đó. Di tích được nâng niu. Không gian lịch sử được bảo tồn, và yếu tố hấp dẫn được xây dựng mà không can thiệp thô bạo vào những giá trị gốc của di sản. “Quan trọng là phải giữ gìn” - ông nói.
Tôi ngồi lân la với ông Hồ Tấn Phan từ câu chuyện “sứt mẻ” của đồ cổ đến di sản trong cơn lốc du lịch, câu nói nào của ông cũng chắc nịch đến độ khó tìm được từ thừa. Khá nhiều người gọi ông là “nhà Huế học”, nhưng những điều ông chia sẻ về Hội An, về Mỹ Sơn với tôi chừng như vượt ra ngoài mảnh đất cố đô ông một đời cất công nghiên cứu. Đó là những kiến thức về văn hóa Champa, về kiến trúc cổ thời phong kiến, về người Hoa ở Hội An, ở Huế, về những trầm tích của từng giai đoạn lịch sử. Ngồn ngộn kiến thức trong trí nhớ của một ông già nhỏ nhắn, quả đáng để kính phục. Nhưng ông vẫn một mực khẳng định mình chỉ là “một người ham đọc sách”, điều mà anh bạn đồng nghiệp đã kể với tôi ngày trước về ông. “Đừng kêu tôi là nhà nghiên cứu. Cũng đừng hỏi tôi có gì mới không. Có hỏi, thì hãy hỏi “ông Phan có gì cũ không?” ” - ông cười, đưa tay với lấy ấm trà vừa cạn…
PHƯƠNG GIANG