Giục giã theo sóng biển

Ghi chép: TRẦN HỮU PHÚC 07/04/2017 08:58

Như bị trói chặt trong cái lồng chật chội, các xã biển đã mạnh mẽ vùng dậy, thoát khỏi những gò bó của một vùng đất, để làm nên những đổi thay kỳ diệu.

Nhiều lần qua lại con đường này, có khi bị “ném” cả những hạt cát mỗi đận bất thình lình có ngọn gió dữ quật lên từ biển. Bên phải là biển cả mênh mông, còn trước mặt là đường đã thành tên - quốc lộ 129 thênh thang chạy dài. Chỉ có dòng Trường Giang “mơ màng như dải lụa”. “Danh phận” của cư dân miền biển như lời ru buồn còn phảng phất trong câu ca xưa: “Lấy chồng nghề ruộng em theo/ Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm”. Các xã Bình Hải, Bình Minh (Thăng Bình), kể cả Tam Thanh, Tam Phú (TP.Tam Kỳ) ám ảnh bởi thảm họa mang tên cơn bão Chanchu, dù ngót nghét đã trôi qua 11 năm. Từ đau thương, một số xã miền biển đã vực dậy, biến những bất lợi thành lợi thế cạnh tranh, nhanh chóng thoát nghèo.

Thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) là tâm điểm phát triển du lịch với các hình thức đưa nghệ thuật vào không gian sống. Ảnh: HỮU PHÚC
Thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) là tâm điểm phát triển du lịch với các hình thức đưa nghệ thuật vào không gian sống. Ảnh: HỮU PHÚC

Cả làng làm du lịch

Mười năm trước, miền biển Tam Thanh nghèo khó liên miên. Cái đói cũng đâu có xa lạ gì. Tôi nhớ, thời điểm đó, sáng kiến “hũ gạo tình thương” ra đời nhằm cưu mang những hoàn cảnh đặc biệt nghèo khó lan rộng trên phạm vi toàn xã. Bữa cơm với bát canh xương rồng cùng với gia đình anh Lâm - cán bộ xã thời đó (anh Lâm hiện là Bí thư Đảng ủy xã Tam Thanh) thật khó quên. Chúng tôi cứ mải miết trò chuyện, đau đáu với con số gần 40% dân số của xã là hộ nghèo. Ngày đó, về Tam Thanh chỉ có con đường ĐT 616. Hải sản, nông sản làm ra hẹp đường tiêu thụ. Muốn gánh nước mắm lên Tam Kỳ bán, người dân đôi khi phải đi bộ suốt cả buổi. Xứ biển chỉ trao đổi buôn bán bên chợ Đò (xã Tam Tiến, Núi Thành). Nhưng nỗi khiếp sợ nhất của người dân là mỗi mùa mưa bão về. Họ sống bất an trong căn nhà tạm bợ. Đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm là thử thách với chính quyền. Thế rồi, từ các chương trình định canh định cư, hay sắp xếp dân cư ven biển, người dân đã bắt đầu lập làng mới. Hơn 50 ngôi nhà đầu tiên của xã luôn bị thiên tai uy hiếp đã chuyển đến khu tái định cư Tỉnh Thủy. Cái khó ló cái khôn. Dân biển đã hợp sức, đoàn kết nhau làm ăn. Những người đàn bà biển không phải chờ đồng tiền lao động của chồng đem về mà họ đã chủ động tìm việc làm hay nhận về nhà làm các mặt hàng gia công. Phần lớn các hộ chuyển đến làng tái định cư Tỉnh Thủy sinh sống trước đây là hộ nghèo, thì nay toàn bộ đã thoát nghèo. Con đường Thanh niên ven biển bây giờ cũng không còn cảnh vắng bóng xe cộ ngược xuôi. Hải sản của ngư dân cung ứng ra tới thị trường Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Tại các khu dân cư Thanh Tân,  Nam Tam Thanh, chính quyền TP.Tam Kỳ đã quy hoạch, đầu tư hạ tầng có thể bố trí cả trăm lô đất ở cho người dân.

Xã biển Tam Thanh thoát nghèo nhờ phát triển du lịch cộng đồng.
Xã biển Tam Thanh thoát nghèo nhờ phát triển du lịch cộng đồng.

 Làng Hạ Thanh, Trung Thanh, Thượng Thanh, Thanh Tân... được sắp xếp bài bản. Hai bên con đường thảm nhựa chạy dọc mở rộng thêm 2m. Hàng hóa làm ra đã bắt đầu mang thương hiệu Tam Thanh. Nước mắm của cơ sở bà Trần Thị Ngọc Loan (thôn Hạ Thanh 2, xã Tam Thanh) đã phân phối khắp nơi, thậm chí đem ra nước ngoài tiếp cận khâu quảng bá. Bà Loan bảo, chỉ riêng cung cấp cho siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, trong 2 tháng vừa qua thu về hơn 20 triệu đồng. Rảo quanh làng Hạ Thanh 2, trước cửa nhà dân thường có tủ trưng bày bán nước mắm Tam Thanh. Chủ tịch UBND xã Tam Thanh - Nguyễn Thanh Bình thông tin, 40 gia đình thường xuyên chế biến nước mắm, từ khi địa phương phát triển mạnh du lịch, thì ngành sản xuất nước mắm truyền thống có thị trường tiêu thụ rộng hơn. “Ngoại trừ mấy chục hộ nghèo là người già neo đơn, hoàn toàn không có khả năng thoát nghèo, Tam Thanh hiện chỉ còn 2 hộ nghèo trong số 1.607 hộ trên toàn xã. Đây là thành tựu thoát nghèo tuyệt vời!” - ông Bình hồ hởi.

Cái gì làm cho Tam Thanh lột xác ngoạn mục, ít ra đã đẩy lùi cái nghèo? Theo lãnh đạo địa phương, tất cả nằm ở chỗ biết phát huy nội lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động phù hợp. Ông Nguyễn Thanh Lâm - Bí thư Đảng ủy xã phân tích: “Đối chiếu các tiêu chí hiện hành, hơn 96% người dân Tam Thanh có việc làm thường xuyên. Tam Thanh biết từ chối các dự án phá vỡ cảnh quan môi trường. Địa phương đi theo hướng vừa bảo tồn vừa phát triển. Vùng đất kẹp giữa sông và biển này vừa qua nổi lên như địa chỉ mới trên bản đồ du lịch miền Trung. Nói cách khác, người dân dần dần biết làm giàu từ phát triển du lịch cộng đồng”. Nối tiếp thành công từ Làng Bích Họa, làng không rác, năm 2017, xứ biển sẽ có “con đường thuyền thúng” thông qua các hình thức vẽ tranh, vẽ trang trí trên các loại thúng, ghe, lu... Đi sau đẻ muộn, nên Tam Thanh với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, đã khai phá ra con đường phát triển du lịch mới, độc và lạ. Đưa nghệ thuật vào không gian sống, xét cho cùng là tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng.

Mơ về đô thị biển

Theo Phòng Quy hoạch và xây dựng (thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai), để chấn chỉnh bất hợp lý trong quy hoạch, đơn vị đã điều chỉnh từ diện tích quản lý 27.000ha xuống còn 3.800ha. Các khu tái định cư thực hiện chưa hết diện tích thì sẽ thu nhỏ quy mô, diện tích còn lại sẽ bàn giao cho địa phương quản lý. Riêng dự án Nam Hội An, năm nay cần ít nhất 1.000 lô đất tái định cư cho người dân.

Năm 2008, xét thấy sự cấp thiết phải tính toán an cư lâu dài, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án sắp xếp khu dân cư ven biển, giảm nhẹ thiên tai, trong đó có vệt ven biển Quảng Nam. Vì thiếu vốn, dự án trì hoãn đầu tư, rồi điều chỉnh quy hoạch theo hướng thu giảm diện tích. Mấy năm nay, các xã Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên), Bình Minh (Thăng Bình) mạnh dạn quy hoạch, hình thành các khu đô thị từ đầu tư sắp xếp khu dân cư tập trung. Cây cầu Cửa Đại đưa vào lưu thông, càng khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn trước đây của lãnh đạo tỉnh. Từ các dự án đầu tư về hạ tầng giao thông, sắp xếp lại làng chài, xã Duy Nghĩa đã quy hoạch ít nhất hơn 1.000ha cho dự án sắp xếp dân cư như khu dân cư Lệ Sơn, Nồi Rang, Hồng Triều, đường dẫn cầu Cửa Đại, tuyến ĐH6, đường giao thông trục chính khu dân cư làng chài. Hơn 70km bờ biển và 20.000ha đất ven biển sẽ là nguồn lực, tài sản hình thành các khu đô thị, khu dân cư mới.

Tại xã Duy Hải  - vùng trọng điểm xây dựng của dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, thời điểm này không khí lao động hối hả như đại công trường. Những nơi đã san ủi mặt bằng được các nhà thầu tập kết vật tư máy móc và phương tiện cơ giới hiện đại. Hàng trăm kỹ sư, công nhân đứng điểm ở các vị trí thi công; còn các khu dân cư mới thì đua nhau xây nhà ở, tường rào cổng ngõ.  Ông Phan Công Sanh (thôn Tây Sơn Đông, Duy Hải) chuyển về khu tái định cư xã Duy Hải gần 2 năm nay. Ông bảo, khi gác cuốc ly nông, ông mới cảm nhận được sự an nhàn, vui vẻ ở tuổi xế chiều. Nhận tiền bồi thường gần 8 tỷ đồng, ngoài xây nhà ở cao tầng, ông còn có cuộc sống sung túc nhờ số tiền lãi gửi ngân hàng. “Người dân sung sướng nhất là muốn qua phố cổ Hội An chơi, chỉ mất hơn 5 phút. Có cầu bắc qua sông, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị rút ngắn. Trình độ dân trí cũng được nâng cao, người dân được tiếp cận các dịch cụ xã hội căn bản” - ông Sanh phấn khởi. Cũng như ông Sanh, nhiều người bị thu hồi đất khác, ngoài gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng, còn tính toán đầu tư, chuyển đổi, tìm kiếm việc làm thích hợp. Bến An Lương tấp nập cảnh “trên bến dưới thuyền”; giữa các khu dân cư dễ dàng bắt gặp hình ảnh khách du lịch nước ngoài tham quan. Và người dân nơi đây cũng manh nha phát triển dịch vụ du lịch. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải bảo, cầu Cửa Đại làm sứ mệnh liên kết vùng rất hiệu quả, đã kết nối TP.Đà Nẵng, Đô thị cổ Hội An với vùng đông nam của tỉnh. “Đô thị” Duy Hải đã bắt đầu có những chấm phá, mà khởi sắc nhất là bắt nhịp với lối sống thị dân.
Trên dải cát ven biển đã thực sự chuyển động khi có dự phần của các công trình trọng điểm. Từ vùng đất chậm phát triển, luẩn quẩn với khó nghèo, thì nay các xã biển đã bứt phá đi lên bằng sinh lực tràn trề. Biển cứ luôn giục giã đất và người.

Ghi chép: TRẦN HỮU PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giục giã theo sóng biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO