Giương cao ngọn cờ

NGUYỄN MẠNH 02/09/2019 16:05

Cứ để năm tháng trôi đi, ngọn cờ năm xưa khởi nghĩa như vẫn còn reo trong niềm tự hào của bao thế hệ, mặc cho rêu phong quá khứ có nghiệt ngã phủ vùi bao dấu tích. Tháng Tám, về trong niềm nhớ là những dấu son không phai của một thời, nơi lửa khởi nghĩa bùng lên, từ giữa lòng đất mẹ…

Bia di tích nhà ông Huỳnh Đủ, nơi diễn ra cuộc họp của ủy ban khởi nghĩa Hội An trên đường 18.8.
Bia di tích nhà ông Huỳnh Đủ, nơi diễn ra cuộc họp của ủy ban khởi nghĩa Hội An trên đường 18.8.

1. Không còn rặng tre ôm lấy những mái nhà nhỏ nằm nép mình bên xóm Ngọc Thành (phường Cẩm Phô, Hội An), phố xá đã chạm tới vùng đất này, nhưng cái tên đường như đóng đinh một hồi ức quan trọng của miền đất: đường 18.8. Ngày 17 tháng 8 của 74 năm trước, tại nhà ông Huỳnh Đủ ở ấp Ngọc Thành, Ủy ban bạo động Hội An, với sự tham dự của đồng chí Võ Chí Công và Phan Thị Nể đã quyết định Hội An khởi nghĩa trước. Ba giờ sáng ngày hôm sau, trống mõ ở ấp Ngọc Thành và các khu phố nổi lên. “Đoàn quân khởi nghĩa từ Ngọc Thành, Xuân Lâm, Tu Lễ, Thanh Hà nối đuôi nhau rầm rập tiến xuống Chùa Cầu, đi qua các phố. Một số anh em đập cửa nhà hai bên phố kêu gọi đồng bào tham gia biểu tình. Đến tòa tỉnh trưởng, hai đội tự vệ ta nhanh chóng trèo lên cột cờ, giật cờ quẻ ly xuống, kéo cờ đỏ sao vàng lên. Trời sáng tỏ, quần chúng các thôn kéo đến thêm. Phố đông nghịt người, chật các đường đi. Không khí vui mừng phấn khởi không sao tả xiết” - những dòng hồi ức của nhà cách mạng Võ Chí Công về ngày Hội An vùng lên khởi nghĩa, như một thước phim ngắn bằng ngôn từ giữ lại không khí hào hùng của Cách mạng Tháng Tám trên đất Quảng. Theo kế hoạch đã định, quân khởi nghĩa bao vây và chiếm đồn Bảo an, thu giữ nhiều súng ống, đạn dược. Năm giờ sáng ngày 18.8, sau khi chiếm đồn Bảo an, quân khởi nghĩa bao vây tòa tỉnh trưởng, bắt tỉnh trưởng bù nhìn Tôn Thất Giáng giao nộp ấn tín, tài liệu, sổ sách. Cơ quan đầu não của chính quyền tay sai ở Hội An sụp đổ, bộ máy hương lý bị khống chế. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Sáu giờ sáng 18.8.1945, nhân dân Hội An được chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước dinh tỉnh trưởng, chứng kiến giờ phút thiêng liêng của ngày hội cách mạng lật đổ ách áp bức của chế độ thực dân phong kiến xây dựng chính quyền công nông đầu tiên ở Hội An.

Chỉ trong ngày 18.8.1945, các phủ, huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Đại Lộc giành được chính quyền ở phủ, huyện lỵ.  Với việc khởi nghĩa giành chính quyền sớm, Quảng Nam tự hào là một trong 4 tỉnh đầu tiên giành chính quyền trên cả nước trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tôi đứng trước tấm bia nhỏ nhắn ở góc đường 18.8, gió sương làm phai những dòng chữ, song cũng đủ để bất cứ ai ghé lại, có thể hiểu được gốc tích của tên đường. “Đêm 17 rạng ngày 18.8.1945, Hội An trở thành một trong bốn tỉnh lỵ giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại”.

Chứng nhân lịch sử không còn, nhưng dư âm của ngày lịch sử vẫn được lưu giữ cẩn thận trong từng bức hình treo trang trọng nơi Bảo tàng Hội An. Bảo tàng dành riêng một không gian cho những kỷ vật. Là bức ảnh người dân Hội An tuần hành thị uy sau khi giành chính quyền, là những mũi giáo, lưỡi rựa mà người Hội An mang xuống đường hòa vào dòng người khởi nghĩa… Để đó, dành lại cho thế hệ sau, cho mảnh đất này một khoảng nhớ về một ngày tháng Tám hào hùng, ngày mà Hội An sáng ngời như một dấu son trên bản đồ cách mạng…

2. Khí thế của ngày khởi nghĩa ấy, sau đó đã lan khắp các phủ, huyện của đất Quảng. Sắp chạm mốc trăm năm tuổi đời, ông Trần Văn Tuyền (hay còn gọi là ông Truyền, ở khối phố Hương Trà Đông, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) là nhân chứng hiếm hoi còn sống của thời khắc khởi nghĩa, giành chính quyền ở phủ Tam Kỳ năm 1945. Ông Tuyền kể: “Sau khi tập hợp lực lượng, trước giờ chuẩn bị kéo lên giành chính quyền, không khí rất khẩn trương... Làng Hương Trà lúc ấy có chừng hai trăm người, cả đàn ông đàn bà. Chúng tôi phân ra nhiều nơi để gác ở các điểm trọng yếu. Không xe cộ mà chạy cứ như gió, háo hức lắm. Một cách tự nhiên, âm thầm, mỗi người chuẩn bị sẵn một khúc tre làm đuốc, chờ đến giờ đi giành chính quyền. Đêm 18.8, khắp các nẻo đèn đuốc sáng rỡ, trống mõ nổi dậy. Đoàn người cứ thế kéo đến phủ lỵ. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước đó, mọi thứ đến rất nhanh chóng, nhẹ nhàng. Từ một ông giáo làng, tôi trở thành “chỉ huy quân sự” cùng bà con tham gia vào đoàn người khởi nghĩa”.

Ông Trần Văn Tuyền, cán bộ tiền khởi nghĩa, nay sống ở phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ. Ảnh: T.C
Ông Trần Văn Tuyền, cán bộ tiền khởi nghĩa, nay sống ở phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ. Ảnh: T.C

“Mong rằng lớp cán bộ hôm nay là cán bộ của Đảng anh hùng, của dân tộc anh hùng, phải hết lòng xây dựng nước vì truyền thống anh hùng ấy... Chúng tôi, những người ngày xưa đã đi theo lá cờ Đảng, đi theo khởi nghĩa, sống những ngày đầy lửa cách mạng và sống trọn đời bằng ngọn lửa ấy. Đừng để ngọn lửa ấy tắt đi. Vì trong đó, có máu xương, có niềm tin từ những ngày tháng Tám...”. (Ông Trần Văn Tuyền, ở khối phố Hương Trà Đông, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ)

Ông Tuyền bảo, những ngày sau đó, cuộc sống tự nhiên, cởi mở đến mức không thể tưởng tượng được. Tối nào, đèn mù u cũng sáng, người người nhà nhà qua hỏi thăm nhau. Đó là cuộc sống của dân. “Cuộc tuần hành đêm 18 kéo dài trong khí thế hân hoan, người người chung một lòng, như thể sống lại cuộc đời mới. Tin mừng loan báo khắp nơi, mỗi nhà đều nấu một nồi nước, để bên cạnh đường cho đoàn người mít tinh qua uống. Cờ khởi nghĩa dựng khắp các ngả” - ông Tuyền nhớ lại.

Bảy mươi tư năm trôi qua như một cái chớp mắt. Ông Tuyền nói, tuổi tác khiến ông quên đi nhiều thứ, nhưng khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc từ nô lệ bước ra cuộc đời mới, cái hân hoan, phấn khởi của ngày khởi nghĩa là điều ông không bao giờ quên được. Nghe nói độc lập, dân tộc, ai cũng hy vọng về tương lai, ngày mình làm chủ đất nước. Bước đi từ ngày quê hương độc lập, bà con từ đó đã đi theo, đi tiếp con đường của Đảng.

Đã có rất nhiều đổi thay, từ ngay trong làng ông Tuyền, ngay trong mảnh đất Tam Kỳ xưa, đến phố xá, đến những bước phát triển rất xa, rất dài ngày hôm nay. Ông nói, Đảng ngày càng trưởng thành, các kỳ đại hội ghi dấu từng bước đi vững chắc của Đảng. Dù đâu đó, có lúc, có chỗ còn hạn chế, còn những yếu kém, nhưng trên hết, bộ máy đang được củng cố, thế hệ sau được xây dựng, hun đúc, tiến bộ hơn thế hệ trước. “Mong rằng lớp cán bộ hôm nay là cán bộ của dân tộc anh hùng, của Đảng anh hùng, phải hết lòng xây dựng nước vì truyền thống anh hùng ấy. Mình là pháo đài bảo vệ sự nghiệp cách mạng, phải tuyệt đối trung thành với Đảng, phải tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân, đừng để bà con ngó vào cán bộ mà mất lòng tin với Đảng. Chúng tôi, những người ngày xưa đã đi theo lá cờ Đảng, đi theo khởi nghĩa, sống những ngày đầy lửa cách mạng và sống trọn đời bằng ngọn lửa ấy. Đừng để ngọn lửa ấy tắt đi. Vì trong đó, có máu xương, có niềm tin từ những ngày tháng Tám năm 1945 đến tận bây giờ” - ông Tuyền xúc động.

Từ trong những lời nói của vị cán bộ tiền khởi nghĩa khí tiết, kiên trung, hình như vẫn đang có dáng hình của ngọn cờ khởi nghĩa giương cao dẫn lối…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giương cao ngọn cờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO