Giúp bạn vượt cạn

BS. NGUYỄN THỊ KIỀU TRINH 09/06/2020 13:00

Nhờ đỡ đẻ và theo dõi các sản phụ đến từ khu cách ly, tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khác. Những câu chuyện của họ vẫn cứ ám ảnh khi trở về nhà, bởi tha phương là điều không hề dễ dàng...

Cán bộ y tế Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc sản phụ đến từ khu cách ly. Ảnh: C.N
Cán bộ y tế Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc sản phụ đến từ khu cách ly. Ảnh: C.N

Sinh con nơi quê nhà

Mấy hôm trước, đọc các thông tin trên Báo Quảng Nam về việc tiếp nhận các phụ nữ mang thai trở về từ Đài Loan, bản thân những người làm công tác sản phụ khoa như tôi cảm thấy lo lắng. Không biết các thai phụ này có ai chuyển dạ hay có diễn biến gì bất thường trong những ngày cách ly hay không...

Rồi điều không mong đợi cũng xảy ra khi ngày 31.5 một sản phụ có dấu hiệu tiền sản giật nặng nhập viện và ngày 1.6, bệnh viện lại tiếp tục đón thêm 1 sản phụ mang thai lần 3, thai 39 tuần có dấu hiệu chuyển dạ. Các bạn Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải chuẩn bị mọi thứ để chuẩn bị theo dõi và đỡ đẻ tại khu cách ly nằm trên tầng cách biệt tại Khoa Y học nhiệt đới.

Đêm hôm đó, ngoài chuyện nhận thêm sản phụ thai 17 tuần động thai và thai 30 tuần dọa sinh non, ê kíp trực gồm một bác sĩ, một nữ hộ sinh và một điều dưỡng Khoa Y học nhiệt đới cùng đồng hành với sản phụ trong quá trình vượt cạn. Và rồi, điều may mắn cũng đến, 2h40 phút sáng 2.6 một bé gái kháu khỉnh chào đời trong niềm vui của sản phụ và kíp trực.

10h sáng hôm sau, khu cách ly lại chuyển tiếp vào một trường hợp thai lần 2, 38 tuần 4 ngày cạn ối. Theo dõi sức khỏe thai bằng monitoring thấy bình thường nên khởi phát chuyển dạ. Vậy là, quyết định lóc ối và khởi phát chuyển dạ luôn. Thực sự, lóc ối khó khăn vì ối sát đầu làm tôi cũng hơi lo lo, vì sợ chuyển dạ không thuận lợi. Nhưng điều kỳ diệu cũng xảy ra, chỉ 7 giờ đồng hồ theo dõi, sản phụ cũng sinh thường và một bé trai 2.900gram lại tiếp tục cất tiếng khóc chào đời.

Bệnh nhân đến từ khu cách ly không phải là những người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, mọi quy trình thực hiện phải tuân thủ theo quy định phòng chống Covid-19, nên những thao tác giữa mùa hè nắng nóng như thế này không hề thoải mái. Thực sự, nghĩ đến chuyện sinh tại khu cách ly là trong lòng những người đỡ đẻ như tôi đầy lo lắng; vì ngộ nhỡ có diễn biến gì đặc biệt xảy ra thì chuyện xoay xở không hề đơn giản. Nhưng rồi, hai cuộc chuyển dạ diễn ra thuận lợi theo cách nói của người xưa, đó là “phước chủ, may thầy”. 

Nỗi niềm người xa xứ

Mấy ngày tiếp xúc với bệnh nhân trong khu cách ly, mới thấy thương cho những người lao động trở về từ Đài Loan, trong đó có  phụ nữ ở nông thôn các vùng miền Bắc và Trung Bộ.

Thoạt đầu, khi nghe tin 243 bà bầu trở về, tôi cứ tưởng các phụ nữ qua bên ấy có chồng Đài Loan. Nhưng không, các phụ nữ này hoặc đi một mình hoặc cả vợ lẫn chồng qua làm ăn sinh sống để kiếm ít vốn về lại Việt Nam. Con cái phải gửi lại bên này cho ông bà nội, ngoại chăm giúp. Các bạn đến từ mỗi tỉnh khác nhau: Tuyên Quang, Hải Dương, Nghệ An, Quảng Bình...

Mấy bạn ấy bảo với tôi: “ở quê em, làm nương rẫy không đủ sống nên phải đi xuất khẩu lao động. Chúng em hết hạn visa từ tháng ba nhưng vì đợt dịch Covid-19 nên không thể về được. Cũng nhờ có chuyến bay nhân đạo của Nhà nước Việt Nam nên chúng em mới được trở về”. 

Trong nhóm trở về lần này, còn có thêm 19 bệnh nhân ung bướu. Có bạn nặng quá đã chuyển ra Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, những bệnh khác có diễn biến chuyển vào đây. Có bạn ung thư vú di căn phổi còn mang cả ống dẫn lưu khi trở về Việt Nam. Trong số những người này, tôi thấy độ tuổi họ còn trẻ 30 - 40 tuổi. Chắc hẳn cũng vì kiếm sống, họ mới phải xa quê hương để lao động nhưng không ngờ mắc bệnh nan y. Và rồi, không biết những người này, số tiền kiếm được từ công việc lao động có đủ trang trải khi mắc bệnh hiểm nghèo hay không?

Từ những số phận trong khu cách ly, chợt thấy hạnh phúc đôi khi thật giản đơn. Đó là được sống trên quê hương, mạnh khỏe, có một công việc để trang trải hàng ngày. Mưu sinh nơi đất khách quê người không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giúp bạn vượt cạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO