Giúp dân an cư, khôi phục sản xuất

NGUYỄN DƯƠNG 24/11/2017 14:37

Là một trong những huyện bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua, huyện Bắc Trà My đang cố gắng để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Lo nhà ở, bố trí tái định cư là nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền huyện Bắc Trà My triển khai thực hiện để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. TRONG ẢNH: Bộ đội giúp dân dọn bùn đất khỏi nhà ở thị trấn Trà My ngay sau khi lũ rút. Ảnh: N.D
Lo nhà ở, bố trí tái định cư là nhiệm vụ trọng tâm được chính quyền huyện Bắc Trà My triển khai thực hiện để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. TRONG ẢNH: Bộ đội giúp dân dọn bùn đất khỏi nhà ở thị trấn Trà My ngay sau khi lũ rút. Ảnh: N.D

Dựng nhà giúp dân

Trong đợt bão lũ vừa qua, Bắc Trà My có 12 người chết, hàng trăm ngôi nhà bị sụp đổ do sạt lở đất. Hiện tại, gần 500 hộ dân vẫn phải dựng lều để ở tạm vì nhà cửa vẫn đang nằm trong vùng nguy hiểm. Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện, Bắc Trà My đang cố gắng giúp người dân có chỗ ở ổn định, từng bước khôi phục sản xuất. “Trước mắt, huyện ưu tiên hỗ trợ những hộ bị sập nhà hoàn toàn sớm có được ngôi nhà mới để có nơi sinh sống. Những hộ buộc phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm sẽ huy động chính quyền địa phương tìm kiếm địa điểm mới, an toàn, giúp người dân dựng nhà”- ông Tuấn nói. Theo đó, mỗi hộ dân khi dựng nhà mới sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng để mua vật liệu xây dựng. “Không phải mình đưa cho họ một gói tiền như vậy, mà rải đều qua các giai đoạn. Vì nếu đưa một lần, bà con không sử dụng đúng mục đích, sẽ không có nhà ở; huyện lại phải làm lại từ đầu, trong khi nguồn kinh phí rất eo hẹp. Vì vậy, huyện sẽ cho ứng trước một số tiền cụ thể, thậm chí có thể đứng ra cam kết với đại lý bán vật liệu xây dựng bán cho họ để làm nhà, sau đó huyện sẽ thanh toán” - ông Tuấn cho biết thêm.

Đối với những hộ dân bị cô lập (chủ yếu ở xã Trà Bui), huyện hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm và tiền để đảm bảo người dân không bị thiếu đói. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tích cực khảo sát những địa điểm mới, có độ an toàn cao để bố trí người dân đến ở. Theo ông Hồ Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Trà Bui, toàn xã có hơn 200 hộ dân buộc phải di dời, đang ở tạm trong các điểm trường, nhà văn hóa hay dựng lều bạt để sống tạm. “Những ngày vừa qua, xã đã tiến hành khảo sát địa điểm bố trí đất ở mới cho người dân. Trước mắt, đã chọn được một địa điểm mới để sắp xếp cho hơn 90 hộ dân ở 2 thôn 5 và 6 xây dựng khu dân cư mới. Còn 2 thôn 7 và 9, xã vẫn đang khảo sát. Bởi ở đây nhiều điểm sạt lở, số lượng hộ dân bị ảnh hưởng khá lớn nên rất khó khăn”- ông Tiến cho hay. Nóc ông Dinh (thôn 7) vừa qua đã bị sạt lở hoàn toàn khiến cho 9 hộ dân ở đây phải di dời qua phía bên kia sông để tạm trú trong nhà văn hóa thôn 9. Ông Hồ Văn Dinh (70 tuổi, là người lập nóc ông Dinh) cho biết, ông cùng các con cháu đang tạm trú ở thôn 9 để chờ được bố trí, sắp xếp lại ở nơi mới. “Chỗ cũ đã sạt lở hết rồi. Không biết sắp tới sẽ ở nơi nào nữa, chỗ nào cũng sạt rồi”- già Dinh nói. Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện, hiện nay khó khăn nhất là xã Trà Bui vẫn bị cô lập. Tuyến đường giao thông đã bị phá vỡ, sạt lở ở nhiều nơi nên tất cả đều phải vận chuyển bằng đường thủy. Vì vậy, huyện huy động đoàn thanh niên, lực lượng xung kích thông tuyến đường giao thông, sau đó mới tìm cách khắc phục những hậu quả khác.

Khôi phục sản xuất

Ngoài việc hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, Bắc Trà My cũng đang tiến hành các biện pháp để giúp người dân khôi phục sản xuất. “Đợt mưa lớn vừa qua gây ngập lụt ở một số nơi, trong đó có nhiều diện tích hoa màu của người dân bị bùn đất vùi lấp, ảnh hưởng đến sản xuất. Chúng tôi đã và đang khảo sát diện tích canh tác bị vùi lấp, nhằm đề ra phương pháp cải tạo, khắc phục để giúp dân kịp thời sản xuất mùa vụ” - ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết. Trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn huyện có hơn 150ha đất sản xuất (chủ yếu là lúa nước) bị vùi lấp, gây thiệt hại nặng cho bà con nông dân. Sau khi khảo sát, UBND huyện Bắc Trà My đã chia ra làm 3 loại: loại 1, người dân có thể tự khắc phục được; loại 2, bị vùi lấp từ 50cm trở xuống; loại 3, không thể khắc phục. “Với loại đất người dân có thể tự khắc phục, huyện sẽ hỗ trợ bằng hình thức cấp gạo, xem như là tiền công cho bà con khắc phục. Còn đối với loại nặng hơn, huyện sẽ can thiệp bằng các phương tiện cơ giới. Sau khi xử lý xong thì giao lại cho những hộ dân có diện tích đất bị ảnh hưởng theo sổ đỏ đã cấp. Còn đối với những diện tích đất sản xuất bị ngập, không thể cải tạo thì sẽ báo cáo với UBND tỉnh để điều chỉnh quy hoạch từ đất nông nghiệp sang đất màu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó trồng cây gì cho phù hợp để kiến nghị tỉnh hỗ trợ giống như bắp, đậu các loại, hay rau màu khác để sản xuất”- ông Thiệu cho hay.

Còn đối với các hộ dân ở ven lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, cùng với việc bố trí tái định cư, phải đảm bảo đất sản xuất cho người dân ở đây. Theo ông Trần Anh Tuấn, trước đây, UBND tỉnh đã chuyển đổi 1.900ha để làm quỹ đất sản xuất cho những hộ dân sinh sống ở nơi đây. Vì thế, việc bố trí đất sản xuất cho những khu tái định cư mới cũng thuận lợi hơn. Đó là điều quan trọng giúp người dân khu vực chung quanh lòng hồ sớm ổn định cuộc sống, có đất để sản xuất, làm ăn.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giúp dân an cư, khôi phục sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO