(QNO) - Trong ngày 7.11, hàng trăm đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tình nguyện đã về với đồng bào vùng rốn lũ Đại Lộc để tặng quà động viên, giúp bà con nhân dân và địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Tiếp cận nhà dân tại thôn 9, xã Đại Cường bị lũ cô lập. Ảnh: C.T |
Theo anh Mai Thanh Sang - Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc, cán bộ của cơ quan và các cơ sở đoàn trực thuộc trực tiếp tham gia cùng các đoàn của Tỉnh đoàn Quảng Nam, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh về khu vực vùng B và xã Đại Hưng (thuộc vùng A). Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh - Thượng úy Lê Văn Thắng thì chia sẻ, tuổi trẻ của đơn vị với quân số 40 người cùng 65 suất quà quyết định về vùng B của Đại Lộc. Những trường hợp hộ neo đơn, người cao tuổi, gia đình chính sách… là đối tượng được ưu tiên tiếp cận trước.
Giúp dân dọn bùn non. Ảnh: C.T |
Nhờ sự trợ giúp về phương tiện của địa phương, một tốp cán bộ, chiến sĩ đã lên ghe đi qua thôn 8, thôn 9 của xã Đại Cường vẫn còn bị nước cô lập với khu vực trung tâm. Một tốp khác được điều động ở lại cùng với Đoàn xã Đại Minh hỗ trợ Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Đại Minh) dọn vệ sinh khuôn viên và các phòng học, phòng chức năng. Ghi nhận tại tổ đoàn kết số 1 của thôn 9 (xã Đại Cường), dấu vết ngập sâu trong nước hằn in trên tường, cửa sổ của 30 hộ dân. Tại đây, đoàn trao tặng nhiều suất quà gồm gạo và mì ăn liền cho hộ có người già, gia đình neo đơn, hộ nghèo.
Anh Lê Văn Thắng tặng quà cho một người cao tuổi tại tổ đoàn kết số 1. Ảnh: C.T |
Ôm suất quà vào lòng, bà Lê Thị Chúc (81 tuổi) không khỏi cảm động và luôn miệng cảm ơn các bạn trẻ đã quan tâm ghé vào thăm hỏi, động viên. Bà cho biết: “Nước vào nhà bà sâu hơn 2m, hôm nay là ngày thứ 3 rồi mới rút ra khỏi hiên. Điện không có, việc nấu nướng gặp trở ngại vì toàn ở, sinh hoạt ở trên gác”. Cũng ở tổ đoàn kết số 1, thanh niên xung kích phải leo lên gác để trao quà cho một cụ già bị té ngã gãy xương chưa xuống đất được.
Clip người dân thôn 8, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc cảm kích tinh thần tương thân tương ái của các đơn vị đến giúp dân. (Thực hiện: THANH THẮNG)
.
Anh Mai Thanh Sang trao tặng quà cho cụ Trần Thị Ba ngay trên đường. Ảnh: C.T |
Trên đường vào thôn Mỹ Hảo của xã Đại Phong, gặp bà Trần Thị Ba (83 tuổi) đang nhọc nhằn lê bước về nhà trên mặt đường còn lầy lội, anh Mai Thanh Sang lập tức hỏi thăm và quyết định trao tặng quà gồm mì ăn liền và chăn ấm cho cụ. Vẫn tại thôn Mỹ Hảo, tuổi trẻ Đại Lộc còn tặng quà cho hộ ông Võ Bốn, hộ ông Võ Điện thuộc diện nghèo. Trông thấy một số hộ có người già yếu, mái ấm còn nhếch nhác bởi rác rưởi và bùn non, không gian thì ngột ngạt vì mùi tanh của hậu quả mưa lũ để lại, Huyện đoàn Đại Lộc liền liên hệ với Thượng úy Lê Văn Thắng xin chi viện lực lượng, phối hợp cùng Đoàn xã Đại Phong giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Đầu giờ chiều cùng ngày, Tỉnh đoàn Quảng Nam huy động 24 thành viên về với vùng rốn lũ Đại Lộc. Lực lượng thanh niên xung kích vừa nêu đã lên thẳng xã Đại Hưng tham gia cùng với địa phương dọn bùn non ngập đến đầu gối trên đường giao thông ĐH13.ĐL, đảm bảo lưu thông thông suốt trên tuyến.
Clip Thiếu úy Đỗ Duy Vũ - Chi đoàn Công an tỉnh Quảng Nam. (Thực hện: THANH THẮNG).
Trong khi đó tại thị trấn Ái Nghĩa, 30 cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đại Lộc đã hỗ trợ hai trường học gồm: Mẫu giáo Ái Nghĩa và Mẫu giáo Bình Minh dọn bùn non bồi lấp, vệ sinh khuôn viên trường học sạch sẽ nhằm tạo điều kiện cho nhà trường sớm đón trẻ đi học trở lại bình thường. Dự kiến ngày 8.11, Ban Chỉ huy Quân sự huyện tiếp tục phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức giúp dân vùng lũ, dịp này, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng sẽ trao tặng gần 100 suất quà gồm lương thực, nhu yếu phẩm đến các hộ khó khăn vùng lũ.
Lực lượng cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đại Lộc giúp Trường Mẫu giáo Ái Nghĩa dọn vệ sinh sau lũ. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Clip Đại úy Nguyễn Văn Thắng - Bí Thư chi Đoàn Công an tỉnh Quảng Nam. (Thực hện: THANH THẮNG)
Tại vùng trọng điểm lũ xã Đại Hưng, hơn 25 cán bộ, đoàn viên thuộc Huyện đoàn Đại Lộc và Tỉnh đoàn đã hỗ trợ chính quyền và nhân dân hai thôn Thạnh Đại và Đại Mỹ nạo vét đoạn đường ĐT 609 qua địa bàn hai thôn bị bồi lấp nặng. Được biết, đoạn đường bị bồi lấp cát và bùn non dài khoảng vài trăm mét, bị bồi lấp cả 5 tấc, khiến việc sinh hoạt và lưu thông của người dân hết sức khó khăn.
Tại hai thôn 8 và 9 của xã Đại Cường, lực lượng xung kích của Huyện đoàn Đại Lộc và Đoàn thanh niên Công an tỉnh đã hỗ trợ các hộ gia đình neo đơn, chính sách dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa sau lũ. Đoàn thanh niên Công an tỉnh cũng đã trao tặng 50 suất quà (1 thùng mì tôm, 10kg gạo/suất) đến 50 hộ dân khó khăn của hai thôn. Theo Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc Mai Thanh Sang, ngoài phối hợp với hai đơn vị trên xung kích hỗ trợ nhân dân vùng lũ, Huyện đoàn Đại Lộc dự kiến sẽ vận động các tổ chức xã hội, mạnh thường quân tiếp tục trao quà cho người dân thôn 10, xã Đại Cường, vùng bị cô lập và tổn thất nặng trong lũ. (CÔNG TÚ - HOÀNG LIÊN)
Clip thầy Nguyễn Thế Luyện - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Điện Minh, Đại Lộc. (Thực hiện: THANH THẮNG)
.* Sáng 7.11, nước lũ đã rút chậm. Mưa bắt đầu ngớt, nhưng ở nhiều vùng thuộc các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, TP.Hội An vẫn còn ngập sâu. Nước lũ tràn qua một số tuyến đường gây ách tắc giao thông cục bộ. Lũ đi qua, để lại bùn non, rều rác.
Một xe tải bị chết máy khi băng qua đoạn ngập trên tuyến ĐT 609B ở huyện Đại Lộc. Ảnh: T.C |
Lũ lên nhanh, cộng thêm mưa lớn kéo dài gây ngập lụt diện rộng. Nhiều gia đình không kịp dọn dẹp vật dụng. Sau lũ, người dân trở về nhà từ các địa điểm sơ tán, bắt tay khắc phục hậu quả của lũ. Nhiều gia đình chủ động quét dọn đường sá, thu gom rác lũ quanh khu vực nhà ở của mình.
Theo ghi nhận của PV Báo Quảng Nam, tại đường ĐT609B đoạn gần chợ Quảng Huế (xã Đại An, huyện Đại Lộc), nước vẫn còn ngập sâu gần 50cm. Người dân buộc phải dắt bộ xe máy băng qua dòng nước hoặc thuê xe vận chuyển với giá 50.000 đồng/lượt. Trong trận lũ vừa qua, địa bàn này bị ngập sâu từ 1,4m đến 1,6m. Do chủ quan, nhiều gia đình không kịp di dời đồ đạc chạy lũ.
Mưa lũ cũng làm hư hỏng nghiêm trọng hai ngôi nhà ở thôn 4, xã Đại An. Hiện tại các gia đình này đang gặp rất nhiều khó khăn sau lũ. Ngoài ra, hoa màu, cây trồng cũng bị thiệt hại nặng. Người dân vùng lũ bắt đầu nhặt nhạnh những gì còn sót lại, từng bước khắc phục hậu quả
Chùm ảnh PV ghi lại được vào sáng nay ở xã Đại An, huyện Đại Lộc:
Nước vẫn còn ngập sâu gần 50cm. Người dân phải dắt xe vượt qua đoạn ngập lũ. Ảnh: T.C |
...dắt xe qua đoạn ngập. Ảnh: T.C |
Lũ rút chậm, một số đoạn đường vẫn đang bị ngập từ 30 - 50cm. Ảnh: T.C |
Dịch vụ vận chuyển xe qua đoạn ngập lũ với giá 50.000 đồng/xe máy. Ảnh: T.C |
Lũ mạnh cuốn một chiếc ô tô xuống ven đường. Ảnh: T.C |
Gồng mình dọn bùn non sau lũ. Ảnh: T.C |
Nhiều gian hàng của tiểu thương ở chợ Quảng Huế bị nước lũ làm hư hại hàng hóa. Ảnh: T.C |
Vợ chồng ông Nguyễn Đình Nho nhặt nhạnh lại đồ đạc trong căn nhà tan hoang sau lũ. Ảnh: T.C |
Chị Lê Thị Phúc (thôn 4 xã Đại An) nhặt nhạnh những trái chuối úng do ngâm nước lũ về làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: T.C |
THÀNH CÔNG