Những ngày qua, nông dân Phú Ninh hối hả xuống giống vụ đông xuân 2012-2013. Để đảm bảo cho vụ mùa thắng lợi, ngành chuyên môn ở địa phương tích cực hỗ trợ nhà nông áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, chọn hình thức canh tác phù hợp nhằm ứng phó hiệu quả với những diễn biến bất thường của thời tiết...
Đảm bảo nguồn nước
Nhận định vụ đông xuân năm nay nhiều khả năng xảy ra khô hạn nghiêm trọng nên ngay từ cuối tháng 11 dương lịch lãnh đạo huyện Phú Ninh đã yêu cầu ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương củng cố, kiện toàn ban nông nghiệp cấp xã, thị trấn cũng như những tổ, đội thủy nông cơ sở để đảm bảo nhân lực trong việc chỉ đạo, hướng dẫn nông dân triển khai sản xuất. Đồng thời, tập trung rà soát lại toàn bộ số diện tích lúa nước trời để có phương án chuyển đổi sang canh tác các loại cây trồng cạn như bắp, đậu xanh, sắn, đậu phụng, rau lang… khi nguồn nước tưới không đảm bảo để gieo sạ lúa.
Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa nên khâu làm đất ở Phú Ninh diễn ra rất nhanh chóng. Ảnh: MAI NHI |
Ông Trần Ngọc Bằng – Phó phòng NN&PTNT Phú Ninh cho biết, vụ đông xuân này toàn huyện tổ chức sản xuất 3.500ha lúa chính vụ. Để chủ động cung ứng nước cho số diện tích trên, thời gian qua địa phương đầu tư gần 11 tỷ đồng kiên cố hóa thêm 14,6km kênh mương tại rất nhiều nơi trên địa bàn. Cạnh đó, đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng xây dựng đập Xã Lồ nhằm đảm bảo nước tưới cho 60ha đất canh tác lúa của xã Tam An. Năm 2012, UBND huyện Phú Ninh cũng chi hơn 2 tỷ đồng cho công tác thủy lợi hóa đất màu, phục vụ tưới 120ha đất chuyên canh, xen canh cây công nghiệp ngắn ngày và rau màu các loại. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng để nông dân tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng và mua sắm thêm nhiều loại máy móc hiện đại cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch.
Ông Bằng thông tin thêm, hiện nay trên địa bàn huyện có 4 đập lớn và hồ chứa nước phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, lượng mưa quá ít nên thời điểm này dung tích nước chứa trong những hồ, đập rất thấp. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân tưới tiết kiệm nhằm đảm bảo đủ nước cho cây trồng trong suốt cả vụ.
Chủ động phòng sâu bệnh
Hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân Ngoài các phần việc do nhà nông chủ động thực hiện, 3 tuần qua, các cơ quan chuyên môn của huyện Phú Ninh đã cắt cử rất nhiều cán bộ kỹ thuật xuống từng thôn tổ chức hơn 50 lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình canh tác mới và phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp cho hàng nghìn hộ dân ở 11 xã, thị trấn. Trước đó, ngành nông nghiệp địa phương cũng khẩn trương triển khai việc cấp phát lịch thời vụ, cơ cấu giống cho nông dân. Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phú Ninh cũng đã phân công cụ thể cán bộ kỹ thuật về “đứng cánh” tại tất cả địa phương để hỗ trợ nông dân chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh nguy hiểm ngay từ đầu vụ. |
Nhằm chủ động cắt cầu nối sâu bệnh, hơn một tháng nay các đơn vị lên quan ở Phú Ninh thường xuyên khuyến cáo nông dân ra đồng phát dọn cỏ bờ, cày phơi ải, bón vôi bột khử trùng cho đất sớm. Đặc biệt, để bảo vệ mùa màng, phong trào ra quân diệt chuột trước vụ sản xuất được triển khai mạnh mẽ ở hầu khắp các địa phương. Trong đó, Tam An, Tam Đàn, Tam Lộc, Tam Lãnh… là những nơi thực hiện liên tục từ sau rằm tháng 10 âm lịch đến nay. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng theo ước tính của lãnh đạo ngành nông nghiệp Phú Ninh, đến nay số lượng chuột đã bị tiêu diệt trên toàn huyện ít nhất là 7 nghìn con.
Để đảm bảo cung ứng tại chỗ nguồn giống lúa chất lượng cao cho các vụ sau, đông xuân này UBND huyện Phú Ninh quyết định đầu tư 442 triệu đồng hỗ trợ nông dân thực hiện chương trình cấp 1 hóa giống lúa. Năm nay, do thời tiết diễn biến bất thường, ngành nông nghiệp huyện xác định thay đổi cơ cấu giống cho phù hợp nên từ cuối tháng 10.2012 đã lên kế hoạch cụ thể, triển khai đến từng địa phương. Ông Bằng cho hay, về cơ cấu giống, vụ đông xuân 2012 - 2013 Phú Ninh chọn nhóm giống trung ngày và ngắn ngày (như TBR45, Bio404, HT1, PC6, Nhị ưu 838, ĐT34, OM4900, CH207, TBR36, N04-05, HT9, XT27) làm chủ lực. Còn các loại giống dài ngày chỉ bố trí gieo sạ không quá 20% diện tích. “Nhằm tránh những yếu tố bất lợi của thời tiết, chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo các địa phương hướng dẫn nông dân xuống giống đúng khung thời vụ quy định. Theo đó, bắt đầu tổ chức gieo sạ từ ngày 25.12 và kết thúc vào ngày 10.1.2013” - ông Bằng nói.
MAI NHI – ĐOÀN ĐẠO