Dự án cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại các huyện miền núi do tổ chức Tầm nhìn thế giới triển khai đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết bài toán thiếu đói ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian qua, những cánh đồng ở các thôn, bản thuộc xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My đã áp dụng mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI. Ngay trên những thửa ruộng của mình, bà con nông dân được nhóm kỹ thuật của dự án hướng dẫn quản lý nước, làm cỏ và phòng trừ sâu bệnh hại lúa… Khi tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 100% chi phí về giống, 30% chi phí vật tư, phân bón. Trong quá trình sản xuất, bà con được tham gia các lớp tập huấn nhằm xác định đúng khung thời vụ để cấy mạ, làm đất, bón phân đúng cách để lúa sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Ban đầu khi tiếp cận với mô hình này, chị Hồ Thị Hoa (thôn 2, xã Trà Ka) hết sức băn khoăn vì cách cấy mạ thưa và đặt câu hỏi liệu có hiệu quả hay không? Tuy nhiên đến giai đoạn lúa trổ đòng, nhìn cây lúa phát triển tốt, nhiều nhánh, bông lúa nặng trĩu, chị Hoa mới tin vào phương thức thâm canh mới này. Chị phấn khởi nói: “Bấy lâu nay gia đình mình vẫn làm theo cách cũ, cây lúa sinh trưởng chậm, đến khi thu hoạch thì năng suất thấp, có mùa không đủ ăn. Tôi rất hy vọng vào vụ mùa năm nay, nhìn cánh đồng của bà con lên xanh tốt, cây cao hơn, bông lúa trĩu hạt nên tôi rất mừng cho người dân ở đây”.
Cán bộ kỹ thuật phụ trách dự án hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa nước. Ảnh: T.B |
Mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI được triển khai tại 3 xã Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka (Bắc Trà My) từ năm 2012 đến nay, năng suất tăng 15 - 20 tạ/ha so với phương pháp canh tác cũ của đồng bào trước đây. Anh Nguyễn Văn Giác (thôn 1, xã Trà Ka) cho hay: “So sánh phương pháp mới và phương pháp cũ thì tôi thấy ngày xưa bà con trồng cây lúa thấp, phát triển không đều. Nhưng hiện nay theo cách trồng cải tiến thì những cánh đồng được áp dụng mô hình đều phát triển tốt, cho năng suất cao hơn nhiều. Bà con không còn lo thiếu đói ở mùa giáp hạt như trước nữa”.
Nhằm triển khai mô hình đến với người dân ở các xã miền núi của huyện Bắc Trà My đạt hiệu quả và bền vững, thông qua các lớp học hiện trường, cán bộ kỹ thuật của dự án sẽ chọn một nhóm nông dân nòng cốt từ 3 đến 5 người. Đây là những nông dân được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng làm việc nhóm để trở thành lực lượng “báo cáo viên” chuyển tải kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến từ lớp học ra đến đồng ruộng một cách linh hoạt. Hiện tại, dự án đã xây dựng được nhiều nhóm nông dân nòng cốt nhằm trực tiếp vận động, tuyên truyền bà con duy trì các phương pháp kỹ thuật canh tác mới, kể cả sau khi dự án kết thúc. Anh Nguyễn Văn Hưng - cán bộ nông nghiệp xã Trà Ka chia sẻ: “Từ khi áp dụng mô hình lúa nước cải tiến trên địa bàn xã, đồng bào Ca Dong đã nâng cao được trình độ thâm canh cây lúa. Những vụ mùa gần đây năng suất lúa tăng dần theo từng năm, tôi mong rằng thời gian tới mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI sẽ được triển khai trên địa bàn toàn xã”.
T.BÌNH