Xã Tam Trà (huyện Núi Thành) có hơn 1.000 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Co. Nơi đây, thời gian qua Trạm Bảo vệ thực vật huyện thực hiện mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI) nhằm tăng năng suất trên những chân ruộng bậc thang, manh mún.
Là xã miền núi đặc biệt khó khăn, Tam Trà có tổng diện tích tự nhiên hơn 9.700ha, trong đó đất sản xuất lúa 106,8ha (có 3ha đất lúa rẫy). Nhiều năm qua, năng suất cây lúa ở xã miền núi Tam Trà vẫn thấp và bấp bênh, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây lúa còn hạn chế. Bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc Co sạ lúa với mật độ dày và cách bón phân, chăm sóc lúa chưa đúng yêu cầu kỹ thuật, do vậy, bình quân năng suất lúa nước ở mức 40 - 43 tạ/ha, lúa rẫy 20 - 25 tạ/ha, nằm ở tốp thấp nhất so với các xã trong huyện. Trước thực tế trên, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành triển khai mô hình canh tác lúa cải tiến, nghĩa là bắc mạ non rồi nhổ, cấy mật độ thưa tại thôn Thuận Tân và Tứ Mỹ, xã Tam Trà trong vụ đông xuân 2015 - 2016. Kỹ sư Trần Văn A - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành cho biết: “Việc triển khai mô hình SRI nhằm góp phần nâng cao hiểu biết cho đồng bào dân tộc Co trong sản xuất lúa. Qua đó, bà con áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng, làm thay đổi tập quán canh tác cây lúa ở vùng có đặc thù địa hình không thuận lợi về điều kiện nước tưới, ruộng bậc thang manh mún, gieo sạ thẳng với mật độ dày, ủ giống nẩy mầm kém để chuyển sang làm mô hình bắc mạ non cấy với mật độ thưa hợp lý thông qua việc thực hiện các biện pháp canh tác tổng hợp theo quy trình kỹ thuật cải tiến”.
Mô hình canh tác lúa cải tiến đem lại hiệu quả trong sản xuất. Ảnh: VĂN PHIN |
Mô hình canh tác lúa cải tiến được thực hiện trên diện tích 3ha tại đồng đất thôn Thuận Tân và thôn Tứ Mỹ (Tam Trà) với 15 hộ tham gia trong vụ đông xuân 2015 - 2016. Thời gian bắt đầu cấy từ tháng 12.2015 và thu hoạch tháng 4.2016. Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành chọn giống PC6 làm mạ để cấy nhằm thay dần nhóm giống OM. HT1... vì các giống này nhiễm nhiều sâu bệnh, khó làm. Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện trực tiếp hướng dẫn quy trình sản xuất. Về khâu làm mạ, nông dân chọn vùng đất cao, pha cát để bắc mạ. Khi tuổi mạ từ 12 đến 13 ngày (vụ đông xuân) thì cấy mật độ thưa với 1 - 2 tép/bụi. Trạm Bảo vệ thực vật huyện cũng hướng dẫn cụ thể quy trình chăm bón, phòng trừ dịch hại cho lúa.
Kết quả, mô hình canh tác lúa cải tiến tại thôn Thuận Tân và Tứ Mỹ đem lại hiệu quả về cả mặt kinh tế và xã hội. Về năng suất, cây lúa theo mô hình SRI vụ đông xuân 2015 - 2016 đạt năng suất 257kg/sào, tăng hơn 15kg/sào so với lúa ngoài mô hình. Theo đó, một sào lúa của mô hình SRI có lãi 503 ngàn đồng, tăng hơn 132 ngàn đồng so với trên cùng diện tích lúa sản xuất ngoài mô hình. Theo tính toán, sản xuất theo mô hình bắc mạ non, cấy mật độ thưa tại Tam Trà tiết kiệm được giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động trị giá 40 nghìn đồng, năng suất tăng quy ra tiền: 91.500 đồng/sào. Tổng lợi nhuận của 1 sào lúa mô hình SRI là 132 ngàn đồng/sào. Ngoài ra, thực hiện mô hình này giúp cải tạo tốt môi trường sinh hoạt nhờ áp dụng đúng quy trình thâm canh, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ông Trần Văn Anh, nông dân đồng bào Co - thôn Thuận Tân, xã Tam Trà bày tỏ: “Chúng tôi rất vui mừng được nhà nước quan tâm xây dựng mô hình cấy mạ non mật độ thưa và mô hình thực tế đạt hiệu quả cao, mong rằng thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để chúng tôi nhân rộng mô hình này”.
Nhận xét về mô hình SRI triển khai cho đồng bào dân tộc Co tại miền núi Tam Trà, kỹ sư Trần Văn A nói: “Mô hình canh tác lúa cải tiến SRI, chuyển đổi từ ruộng sạ qua bắc mạ non để cấy mật độ thưa hợp lý đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực như: thay đổi tập quán canh tác lúa phù hợp với ruộng bậc thang có diện tích nhỏ, mặt khác tiết kiệm một lượng lớn giống gieo sạ, hạn chế mất giống do mưa làm trôi hay chim chuột ăn giống đầu vụ. Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành đang đề nghị lãnh đạo địa phương vận động nông dân, nhất là đồng bào dân tộc Co nhân rộng mô hình SRI trong những vụ mùa đến”.
VĂN PHIN