Giúp ngư dân làm chủ ngư trường

NGUYỄN QUANG VIỆT 01/02/2013 08:33

Các chương trình đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng được tổ chức trên địa bàn tỉnh cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất cho nghề khai thác hải sản

Ngư dân khai thác hải sản hiệu quả nhờ nắm bắt kịp thời thông tin về ngư trường.Ảnh: M.ĐỨC
Ngư dân khai thác hải sản hiệu quả nhờ nắm bắt kịp thời thông tin về ngư trường.Ảnh: M.ĐỨC

Thuyền trưởng hạng 4

Vào những ngày này, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi cuối năm, nhiều ngư dân trên địa bàn xã Bình Minh (Thăng Bình) háo hức tham gia lớp đào tạo thuyền trưởng hạng 4 miễn phí do Trung tâm Đăng kiểm và tư vấn nghề cá (Cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Bộ NN&PTNT) phối hợp với Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam tổ chức. Ngư dân Trần Xuân Thâm (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) sở hữu bằng thuyền trưởng hạng 5 (người điều khiển tàu có công suất dưới 400 CV) hành nghề câu mực khơi tại quần đảo Trường Sa hơn 10 năm nay cho biết: “Trước đây, hễ biết ngư trường nào có nhiều mực xà là chúng tôi tìm cách tiếp cận và khai thác ngay. Nay được đào tạo thuyền trưởng hạng 4, chúng tôi biết quy định về mùa vụ cũng như vùng biển được phép khai thác. Điều tôi tâm đắc nhất khi được tham gia lớp học này là biết rõ ràng về phạm vi của vùng biển Việt Nam. Bởi vậy, trong các chuyến biển đến, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc cố gắng giữ gìn và bảo vệ vùng biển của Tổ quốc”.

Hoàn thiện dự án “Dự báo ngư trường khai thác hải sản”

Bộ NN&PTNT vừa tổ chức cuộc họp góp ý đề án “Dự báo ngư trường khai thác hải sản”. Thứ trưởng Vũ Văn Tám giao Cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhanh chóng hoàn thiện đề án trình Bộ trưởng ký phê duyệt để có thể nhanh chóng đưa vào sử dụng. Theo Bộ NN&PTNT, đề án sẽ được triển khai từ năm 2013 đến năm 2020, nhằm hoàn thiện hệ thống tổ chức dự báo ngư trường khai thác hải sản từ trung ương đến địa phương với quy trình công nghệ hiện đại, phù hợp điều kiện Việt Nam; đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác và hỗ trợ thông tin cho quản lý khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo cơ sở khoa học cho công tác quản lý nghề cá theo hướng bền vững. Bộ NN&PTNT cho biết, từ năm 2013 đến năm 2015, mỗi tháng phải dự báo được mùa vụ, loài hải sản chính, ngư trường trọng điểm, nghề trọng điểm.

Tại các buổi học, ngư dân được trang bị các kiến thức về nghiệp vụ pháp lý hàng hải; nghiệp vụ điều động tàu; nghiệp vụ cứu sinh, cứu hỏa, cứu thủng, đâm va và các quy tắc xử lý cứu nạn; nghiệp vụ khí tượng, hải dương; nghiệp vụ khai thác và bảo vệ sản phẩm. Ngoài ra, học viên sẽ được đào tạo các kỹ năng, nghiệp vụ điều khiển tàu có công suất từ 400CV trở lên; nghiệp vụ tìm kiếm ngư trường khai thác thủy sản; kỹ năng khắc phục, sửa chữa khi tàu bị sự cố... Ông Trần Minh Hồng (thôn Tân An, Bình Minh) chủ tàu có công suất 300CV hành nghề lưới vây nói: “Nếu được cấp bằng thuyền trưởng hạng 4 vào cuối khóa học này, tôi sẽ nâng cấp tàu cá của gia đình lên 500 CV để tiện sản xuất trên biển. Trước đây, mỗi khi ra khơi gặp gió bão, tôi thường lúng túng trong việc điều khiển tàu. Nhờ các bài tập thực hành rèn luyện kỹ năng giao tiếp trên biển, tôi sẽ tự tin hơn khi vươn khơi sản xuất”.

Nâng cao hiệu quả

Theo ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam, các chương trình đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 được mở ra liên tục cho ngư dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã cho thấy những chuyển biến quan trọng trong hoạt động nghề cá Quảng Nam. Điều dễ thấy nhất là hiện nay, ngư dân đã có thể tiếp cận và áp dụng các công nghệ tiên tiến vào khai thác thủy sản. Ngư dân cũng thực hiện tốt hơn các quy định của Nhà nước, qua đó đã bảo đảm an toàn hơn cho người và tàu cá trong quá trình hoạt động trên biển. “Thông qua các lớp đào tạo, ngư dân được trang bị vốn kiến thức cơ bản nhất phục vụ quá trình khai thác hải sản, góp phần tăng hiệu quả sản xuất trên biển. Ngoài ra, các lớp đào tạo cũng đã giúp chúng tôi thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thủy sản. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề sẽ bổ sung được nguồn nhân lực đáng kể để thay thế cho số thuyền trưởng, máy trưởng hết tuổi lao động hoặc đã chuyển nghề khác. Chương trình đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4 cũng giúp cho ngư dân dễ dàng ghi sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác hải sản. Đây là điều cần thiết trong việc chứng nhận sản phẩm thủy sản “sạch” khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu” - ông Nguyễn Văn Giỏi nói.

Ông Phạm Văn Nghiêm, giảng viên của Trung tâm Đăng kiểm và tư vấn nghề cá cho biết, công tác chuyển giao công nghệ khai thác hải sản, phổ biến tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của ngư dân về khai thác hải sản bền vững đã thực sự đi vào nền nếp. Qua đó góp phần nâng cao kỹ năng của ngư dân như phát hiện ngư trường cho sản lượng khai thác cao; ứng phó với các biến động có thể thường xuyên xảy ra trên biển trong quá trình lao động. Các kỹ năng về sửa chữa máy móc, tìm kiếm cứu nạn; kỹ năng hỗ trợ lẫn nhau giữa ngư dân; kỹ năng ứng xử với các tàu lạ xâm lấn ngư trường... Qua các lớp học lý thuyết và các bài tập rèn luyện xử lý tình huống trên biển trong chương trình đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, ngư dân có thể “làm chủ” ngư trường trong quá trình lao động trên biển” - ông Phạm Văn Nghiêm nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giúp ngư dân làm chủ ngư trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO