Giúp ngư dân vươn khơi

TRƯƠNG CÔNG HÙNG 15/04/2013 08:42

Với nhiều chính sách thích hợp của trung ương và của tỉnh, ngư dân xã Bình Minh (Thăng Bình) đã mạnh dạn đóng tàu lớn, trang bị phương tiện hiện đại để vươn khơi xa, mở rộng ngư trường khai thác.

Cần trang bị tàu lớn, hiện đại để mở rộng ngư trường khai thác.
Cần trang bị tàu lớn, hiện đại để mở rộng ngư trường khai thác.

Khai thác những vùng biển xa là điều trước đây ngư dân Bình Minh không dám nghĩ đến. Nhưng nay, với nhiều chính sách hợp lý của trung ương và của tỉnh, ngư dân Bình Minh đã mạnh dạn cải hoán tàu thuyền, vươn khơi xa đánh bắt. Nhờ đó, sản lượng ngày một dồi dào hơn, mỗi chuyến biển, sau khi trừ chi phí cho thu nhập 30 - 50 triệu đồng/lao động, có chuyến do giá mực tăng có khi thu đạt 70 triệu đồng/người trở lên. Có thể nói, hiệu quả kinh tế đó đạt được từ khi có Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ. Theo quyết định này, ngư dân được hỗ trợ tiền dầu cho mỗi chuyến đi biển, bảo hiểm thuyền viên và bảo hiểm thân tàu, hỗ trợ mua máy hệ thống định vị toàn cầu (GPS) thông tin liên lạc sóng HF. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND ngày 8.9.2010, sau đó là Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Quyết định số 20 về “phê duyệt đề án đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ”. Trong đó, tỉnh hỗ trợ lãi suất vay vốn để đóng mới và cải hoán tàu cá, trang bị máy mới có công suất từ 90 CV trở lên, đủ năng lực đánh bắt xa bờ. Nhờ đó, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư hơn, mạnh dạn vươn khơi, khám phá và khai thác hiệu quả nhiều ngư trường mới.

Từ một địa phương không có một chiếc tàu nào đủ khả năng đánh bắt xa bờ, ngư dân phải đi làm thuê cho các chủ tàu ở Đà Nẵng, Núi Thành, Quy Nhơn, đến nay ngư dân Bình Minh đã có 26 tàu (trị giá 2 - 2,5 tỷ đồng/chiếc, công suất 350 - 750CV). Hiện nay toàn xã đã thành lập được 21 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 100% tàu tham gia. Sản lượng đánh bắt hàng năm 8 - 10 nghìn tấn các loại (tính cả phần hải sản thu hoạch không trực tiếp đem về bến).

Gần đây nhất, còn có thêm chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Quỹ Tấm lòng vàng lao động phát động giúp ngư dân các tỉnh miền Trung. Chương trình như một “cú hích”, động viên ngư dân một cách tích cực. Đội tàu đánh bắt xa bờ của Bình Minh tuy chưa nhiều, nhưng so với những năm trước là một sự vươn lên mạnh mẽ. Ngư dân làm chủ phương tiện của mình nên tích cực bám biển dài ngày. Trên các vùng biển, đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc,  ngư dân Bình Minh luôn có mặt cùng với ngư dân các tỉnh miền Trung vừa đánh bắt vừa góp sức giữ gìn biển đảo quê hương.

Việc thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ban đầu gặp không ít vướng mắc. Theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, Nhà nước hỗ trợ tiền dầu cho tàu đánh bắt xa bờ mỗi chuyến đi và về, nhưng yêu cầu phải có sự xác nhận (giấy xác nhận do cơ quan quản lý của tỉnh cấp) của cơ quan chức năng tại các đảo hoặc nhà giàn, nơi vùng biển tàu đến khai thác. Đây là một vấn đề hết sức khó khăn đối với ngư dân. Vì các tàu phải tìm ngư trường mới, có khi xa đảo cả mấy chục hải lý không thể chạy đến đảo để xác nhận rồi mới vào bờ. Nhiều tàu do không có điều kiện làm đủ các thủ tục nên không nhận được tiền hỗ trợ. Để khắc phục tình trạng trên, Liên bộ NN&PTNT, Quốc phòng, Tài chính ban hành tại Thông tư 11/2011/TTLB-BNN-BQP-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết Định 48: Để xác nhận vị trí hoạt động của tàu cá trên các vùng biển xa mà không cần phải đến đảo hoặc nhà giàn, mỗi tàu cá xa bờ được hỗ trợ trang bị máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp GPS. Hệ thống thiết bị này đảm bảo thực hiện các chức năng có thể liên lạc giữa tàu với tàu trên biển, giữa tàu với trạm bờ; báo cáo được vị trí kinh - vĩ độ của tàu về bờ; có thể lưu trữ và truy xuất dữ liệu của tàu ra máy vi tính. Tầm xa liên lạc của thiết bị đạt hơn 500 hải lý (đáp ứng yêu cầu liên lạc từ các trạm bờ đặt ở ven biển đến các vùng biển xa nơi tàu đang hoạt động). Các cơ quan quản lý căn cứ vào dữ liệu đó để làm thủ tục hỗ trợ cho ngư dân.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Quyết định số 375/QĐ-TTg phê duyệt đề án Tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân, hướng đến phát triển thành công nghiệp khai thác hải sản bền vững. Đề án hứa hẹn nhiều tích cực để giúp ngư dân cả nước và ngư dân xã Bình Minh có thêm nhiều động lực, tiếp tục đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi xa.

TRƯƠNG CÔNG HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giúp ngư dân vươn khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO