(QNO) - Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh được tham gia khóa tập huấn và đánh giá quản lý rủi ro thiên tai, rủi ro biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng. Chương trình thuộc dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (dự án GCF).
Thiết thực
Thôn Bình Yên (xã Phước Ninh, Nông Sơn) là một trong những địa phương nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn. Phần lớn người dân sống tại các khu dân cư ven sông và thung lũng nên thường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hiểm họa thiên tai như sạt lở, lũ lụt. Dù mỗi lần có thông tin về thiên tai, chính quyền địa phương luôn triển khai nhiều phương án phòng chống, tuy nhiên nhiều nhà cửa, tài sản của người dân cũng bị thiệt hại.
Chính vì những đặc thù như vậy nên vừa qua, thôn Bình Yên được chọn để tổ chức khóa tập huấn quản lý rủi ro thiên tai và rủi ro biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng. Đối tượng tham gia khóa học được chia làm 2 nhóm: nhóm hỗ trợ kỹ thuật cấp xã gồm đại diện UBND xã, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cán bộ văn phòng, địa chính, văn hóa, Hội Chữ thập đỏ, Hội LHPN, Đoàn thanh niên, MTTQ, đại diện các trường học...; nhóm gồm trưởng thôn, tổ trưởng khu dân cư và người có uy tín.
Khóa tập huấn diễn ra trong vòng 6 ngày. Học viên được cung cấp những kiến thức liên quan đến tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu; cách ứng phó, phòng ngừa và quản lý rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
Bà Trần Thị Ân - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết, ngoài được bồi dưỡng kiến thức, địa phương còn được Ban tổ chức khóa tập huấn hướng dẫn thực hành cách đo đạc số liệu, quản lý hiện trạng của địa phương để có những biện pháp phòng tránh và ứng phó mỗi khi có thiên tai, hậu quả của biến đổi khí hậu.
“Ví dụ, thông qua thông tin dự báo thời tiết, chúng tôi khảo sát địa bàn có bao nhiêu căn nhà kiên cố, bao nhiêu căn nhà tạm bợ để tính phương án di dời dân. Trước khi có lũ lụt, khu vực nào nằm ở vị trí cao, thuận lợi thì chúng tôi huy động lực lượng vận chuyển tài sản và con vật nuôi của người dân đến đó. Nói tóm lại, khóa tập huấn rất thiết thực với địa phương vì ngoài nâng cao kiến thức thì còn được hướng dẫn những việc làm cụ thể để ứng phó biến đổi khí hậu” - bà Ân nói.
Kết hợp đầu tư hạ tầng
Ông Phan Công Ry - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, dự án GCF do Quỹ khí hậu xanh GCF tài trợ, Bộ NN&PTNT phối hợp với chương trình Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức thực hiện. Trong đó, Hội Chữ thập đỏ là đơn vị thực hiện nội dung cho dự án. Tại Quảng Nam, chương trình được thực hiện từ năm 2018, đến nay đã tổ chức tại hơn 30 xã trên hầu hết các huyện, thị, thành phố. Phần lớn các địa phương này đều nằm ở khu vực trọng điểm về rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Mục tiêu của khóa tập nhằm giúp cán bộ và nhân dân hiểu được 3 hợp phần của dự án GCF: nhà ở an toàn; rừng ngập mặn; quản lý, đánh giá rủi ro thiên tai, rủi ro biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng. Đồng thời, thông tin các quy trình về quản lý và chỉ ra các yếu tố kỹ thuật của nhà ở an toàn để người dân thực hiện. Khóa tập huấn còn có nội dung sử dụng công cụ để thảo luận với người dân, thẩm định, bổ sung thông tin đánh giá rủi ro thiên tai, rủi ro biến đổi khí hậu tại cộng đồng để xác định những rủi ro và tìm ra giải pháp hạn chế rủi ro đó.
“Quan trọng nhất là việc đưa ra những giải pháp phù hợp với từng địa phương và kết hợp với nguồn ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội để cân đối thực hiện các giải pháp đó. Ngoài những giải pháp vô hình thì để quản lý, ứng phó, cần có những công trình, thiết bị kỹ thuật chuyên dụng mà địa phương cần quan tâm củng cố. Từ những thông tin của khóa tập huấn, mỗi địa phương nên có những định hướng lâu dài trong đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất để hạn chế tối đa thiệt hại mỗi khi có thiên tai” - ông Ry cho biết thêm.