Việc giúp người khuyết tật (NKT) hòa nhập với cộng đồng sẽ góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đem lại công bằng cho xã hội văn minh.
Hội nghị lần thứ 8 các bên tham gia Công ước Quyền của NKT diễn ra tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York (Mỹ) từ ngày 9 đến 11.6.2015, là cơ hội, tương lai của NKT trên toàn cầu. Hơn 600 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên của công ước và đông đảo các đại diện cho các tổ chức của NKT đến đây bàn thảo về những thách thức còn tồn tại lẫn những bước tiến mà thế giới đã dành cho NKT trong những năm qua. Đặc biệt từ khi Công ước về NKT được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua vào năm 2006, NKT từng bước tiếp cận với những chính sách, quyền lợi cơ bản để hòa nhập và đóng góp phát triển nhiều hơn cho xã hội.
Nhiều NKT tham gia Hội nghị lần thứ 8 Công ước Quyền của NKT. (Ảnh: UN) |
Hội nghị lần này dành nhiều thời gian cho vấn đề “Thực hiện quyền của NKT trong Chương trình nghị sự phát triển sau 2015”. Trên thực tế, hiện NKT chiếm 15%, (hơn một tỷ người trong tổng dân số hơn 7 tỷ người trên toàn cầu). Trong đó, 80% NKT sinh sống tại các nước đang phát triển. Dù bản thân NKT luôn có nhiều cố gắng, nhưng với những rào cản về thể chất, xã hội, kinh tế và tâm lý vốn luôn cản trở họ tham gia đầy đủ và hiệu quả vào đời sống xã hội một cách bình đẳng. Hiện còn nhiều NKT không được tiếp cận bình đẳng và đầy đủ với các dịch vụ cơ bản như giáo dục, việc làm, y tế, các hệ thống hỗ trợ xã hội và pháp lý.
Việt Nam lần đầu tham dự hội nghị với tư cách thành viên sau khi chính thức phê chuẩn Công ước Quyền của NKT vào tháng 2.2015. Cùng thế giới từng bước tháo gỡ những rào cản đối với NKT, với triết lý “tàn nhưng không phế”, Việt Nam luôn quan tâm tạo điều kiện để NKT được đào tạo nghề, có việc làm, tạo thu nhập để tự thoát nghèo. Từ đó giúp NKT được tham gia đầy đủ và bình đẳng trong quá trình phát triển bền vững.
Cuối năm 2013, tại thành phố Incheon của Hàn Quốc, Ủy ban Liên hiệp quốc về Kinh tế xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát động “Thập kỷ vì NKT châu Á - Thái Bình Dương (2013-2022)”. Trong đó, NKT và các tổ chức của họ phải được tham gia đầy đủ vào tiến trình hoạch định, thiết kế và thực hiện các mục tiêu phát triển về giảm đói nghèo, giáo dục, y tế, công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế chống thảm họa.
Trong tình hình hiện nay, hội nghị tập trung bàn thảo những vấn đề về xóa đói giảm nghèo và bất bình đẳng; tăng cường dữ liệu thống kê về NKT; quyền giáo dục của phụ nữ và trẻ em khuyết tật; tác động của thiên tai và khủng hoảng nhân đạo đối với NKT. Đặc biệt, đối với những NKT còn có khả năng thì việc tạo điều kiện, cơ hội cho họ có được việc làm sẽ giúp NKT tự tin hòa nhập vào cộng đồng hơn, cảm thấy được quyền bình đẳng và đóng góp trong xã hội.
NAM VIỆT