Trại tạm giam Công an tỉnh đã và đang tổ chức những hoạt động thiết thực, giúp người chấp hành án phạt tù có thể nhanh chóng xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng sau thời gian thụ án.
Phạm nhân làm nghề mộc tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Ảnh: X.MAI |
Anh V.V.H. ở xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) đã làm lại cuộc đời sau 13 năm thi hành án phạt tù trở về địa phương. Với nghề mộc mà người cha dạy bảo, thêm vào đó là vốn tay nghề được nâng lên trong thời gian chấp hành án trong trại giam, giờ đây khi trở về địa phương, anh Hòa đã tự tin, quyết chí làm người lương thiện với sự giúp sức của chính quyền, các cơ quan đoàn thể và gia đình. Đặc biệt, với nguồn vốn vay từ sự bảo lãnh của công an xã, anh đã gầy dựng xưởng điêu khắc mỹ nghệ để ổn định cuộc sống. Thấm thía được thời gian quý giá đã mất do những lỗi lầm của mình, anh Hòa chí thú làm ăn. Từ chỗ công việc đã dần đi vào ổn định, anh đang hướng đến việc mở rộng cơ sở sản xuất, giúp đỡ thanh niên thất nghiệp, dễ hư hỏng tại địa phương học nghề, sống có ích cho xã hội. Hiện nay, xưởng mỹ nghệ của anh đã tạo điều kiện cho 3 người làm việc tại chỗ và 2 người học việc có nguồn thu nhập tương đối ổn định.
Anh H. là một trong hàng trăm người chấp hành án phạt tù được đào tạo nghề tại Trại tạm giam Công an tỉnh và đã làm lại cuộc đời từ chính nghề mộc học từ những ngày chấp hành án. Anh cho biết: “Thời gian ở trong trại giam, tôi được các cán bộ chỉ dẫn kỹ thuật cũng như đạo đức nghề nghiệp. Nhờ học được nghề mộc mỹ nghệ mà sau khi ra trại tôi tự tin dựa vào nó để xây dựng cuộc sống mới”.
Trong những năm qua, Công an tỉnh luôn chú trọng quan tâm đến công tác tổ chức các điều kiện đảm bảo cho phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù có thể tái hòa nhập cộng đồng. Để thực hiện công tác này, Trại tạm giam Công an tỉnh đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp lý cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Qua đó giúp họ nắm được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề khác có liên quan để ổn định về mặt tâm lý khi hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, trong thời gian chấp hành án, các can phạm nhân đều được định hướng việc làm cũng như học nghề phù hợp với bản thân để có thể nuôi sống bản thân và gia đình sau này. Trại tạm giam Công an tỉnh đã tổ chức dạy nghề phổ thông cho các can phạm nhân như nghề mộc, nề, mây tre, trồng trọt..., những công việc làm tưởng chừng giản đơn với một người dân bình thường nhưng thật cần thiết với người lầm lỡ.
Trung tá Lê Hồng Tiến - Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh nói: “Với điều kiện của mình, trong thời gian qua, cùng với việc giáo dục, cải tạo can phạm nhân, chúng tôi đã nghiên cứu đào tạo một số nghề phù hợp. Việc đào tạo nghề trước hết là để cho những phạm nhân biết quý trọng lao động, thành quả của lao động, từ đó thấy giá trị của sức lao động. Hơn nữa, việc đào tạo nghề trong thời gian chấp hành án sẽ tạo cho người lầm lỡ tâm thế vững vàng, không quá bỡ ngỡ khi trở lại tái hòa nhập cộng đồng”. Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 80 của Chính phủ về các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Trại tạm giam Công an tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 250 phạm nhân chấp hành án. Đây sẽ là những điều kiện quan trọng, là hành trang để những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.
XUÂN MAI